Ông Obama đặt chân xuống sân bay Hàng Châu bằng thang của máy bay. Ảnh: Reuters |
Trong chuyến công du châu Á cuối cùng với tư cách người đứng đầu Nhà Trắng, ông Obama dự định thể hiện thiện chí khắc phục hậu quả chiến tranh tại Lào cũng như tái khẳng định chiến lược xoay trục sang khu vực. Ngoài ra, chuyến thăm còn nhắm tới mục tiêu phô trương những thành tựu mà chính quyền Obama đạt được. Nhưng 4 ngày vừa qua, những thông điệp mà ông chủ Nhà Trắng muốn truyền tải thực sự đã bị làm lu mờ bởi hàng loạt sự cố, theo New York Times.
Tổng thống Obama có một khởi đầu không suôn sẻ ngay khi đặt chân đến Hàng Châu, Trung Quốc, tham dự hội nghị G20. Trong khi nguyên thủ các quốc gia khác xuống máy bay ở Hàng Châu đều được trải thảm đỏ tận chân cầu thang, ông Obama lại rời chuyên cơ Không lực Một bằng chiếc thang máy bay bình thường. Tiếp đó, tranh cãi nổ ra giữa một quan chức an ninh Trung Quốc với các nhà báo và quan chức Mỹ khi họ tìm cách tiếp cận ông Obama ở chân cầu thang.
Hôm 5/9, lời thóa mạ từ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dành cho người đồng cấp Mỹ một lần nữa khiến dư luận thế giới dậy sóng. Ông Duterte cảnh báo ông Obama đừng nên hỏi về số vụ giết người không qua xét xử ở nước này khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Lào. Tổng thống Philippines dọa gọi ông chủ Nhà Trắng là "đồ khốn" ngay giữa hội nghị. Đáp lại, Tổng thống Obama lập tức hủy cuộc gặp tại Lào với ông Duterte.
Đối với một tổng thống đang muốn đánh bóng di sản của mình, chuyến thăm châu Á lần này thực tế cũng làm bật lên được những thành tựu ở một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là về chống biến đổi khí hậu. Mỹ và Trung Quốc ngày 3/9 chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhưng các sự cố mà ông Obama gặp phải đã cho thấy sự thiếu chu toàn trong công tác chuẩn bị, đồng thời khiến các hoạt động của tổng thống Mỹ bị ảnh hưởng đáng kể, cây bút Mark Landler từ NYTimes bình luận.
Nguy cớ với quan hệ Mỹ - Philippines
Giới chuyên gia đánh giá những khúc mắc giữa ông Obama và ông Duterte còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với Mỹ bởi Manila là một đồng minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Washington trong cuộc đối đầu trên Biển Đông với Bắc Kinh.
Song các quan chức Mỹ khẳng định quyết định hủy cuộc gặp với tổng thống Philippines không phải bằng chứng cho thấy thái độ giận dữ của ông Obama như những gì truyền thông khắc họa.
"Tất cả chỉ tập trung vào những bình luận ấy", Benjamin J. Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Mỹ, nói. "Chúng tôi cảm thấy nó không tạo ra môi trường mang tính xây dựng cho một cuộc gặp song phương".
Ông Rhodes quả quyết mối quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines "vững như bàn thạch". Hai quốc gia vẫn hợp tác chặt chẽ trên hàng loạt lĩnh vực khác nhau, từ chống ma túy đến chống khủng bố.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton nói quyết định hủy cuộc gặp là "lựa chọn chính xác". "Khi tổng thống Philippines xúc phạm tổng thống của chúng ta, đó là cách hợp lý nhất để nói 'Xin lỗi, không họp'", bà nhấn mạnh.
Tổng thống Philippines dọa văng tục với ông Obama vì không muốn người đồng cấp Mỹ can thiệp vào chiến dịch chống ma túy mà nước này đang tiến hành. Ảnh: ABS-CBN |
Ngay sau sự việc, Tổng thống Duterte cũng nhanh chóng tìm cách xoa dịu tình hình. Trong một thông báo, ông cho biết bản thân thấy hối tiếc vì những phát ngôn đã đưa ra nhằm vào tổng thống Mỹ và rằng ông đã phản ứng thái quá trước những thông tin liên quan đến việc Tổng thống Obama định thuyết giảng ông về những biện pháp chống ma túy chính thống tại cuộc gặp song phương.
Có mặt tại Lào với tư cách tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm quốc gia Đông Nam Á này, ông Obama mang theo cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho Lào, lên mức 30 triệu USD mỗi năm, trong vòng ba năm, để giúp người dân Lào tìm kiếm và vô hiệu hóa những quả bom chưa nổ còn sót lại ở đây từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy người Lào quan tâm tới những lục đục giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Duterte nhưng nó chắc chắn sẽ tác động tới mối quan hệ Mỹ - Trung mạnh hơn những gì phó cố vấn an ninh Rhodes đảm bảo, Landler nhận xét.
Ông Duterte dường như đang muốn theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập, ít phụ thuộc vào Mỹ hơn so với người tiền nhiệm Benigno S. Aquino III. Ông từng nhiều lần nhắc đến việc cố gắng giải quyết những bế tắc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough ở Biển Đông với Trung Quốc.
Washington trong khi đó lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng ảnh hưởng của mình gây sức ép, buộc các nước láng giềng trong khu vực thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại những rạn san hô hay bãi đá tranh chấp ở Biển Đông, qua đó cản trở các tàu Mỹ đi lại tự do ở đây.
"Chúng ta nên chuẩn bị tâm lý cho một tương lai nhiều sóng gió bởi thái độ thay đổi liên tục của Tổng thống Duterte đang đe dọa tới sự ổn định trong chính sách ngoại giao của chính quyền, bao gồm cả mối quan hệ Mỹ - Philippines", Ramon Casiple, lãnh đạo Viện nghiên cứu Chính trị và Cải cách Bầu cử ở Manila, nhận định.
Theo Casiple, việc Tổng thống Duterte đưa ra các phát ngôn chống lại người đồng cấp Mỹ "tưởng chừng chỉ như một hành động bộc phát nhưng thực tế, chúng đã được tính toán để mở ra không gian đàm phán với Trung Quốc".
Tổng thống Mỹ Obama (phải) hôm qua ngồi cạnh Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith trong một buổi tiệc trưa ở Vientiane. Ảnh: New York Times |
Xem thêm: Sự cố thảm đỏ của Obama báo hiệu tương lai gập ghềnh Mỹ - Trung
Vũ HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn