Nợ xấu chuyển sang VAMC chỉ là giải pháp tạm thời. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nợ xấu còn rất xấu
Ông đánh giá thế nào về con số nợ xấu hiện nay?
Một trong những kết quả đạt được trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là đã đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định. Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau khi rơi xuống đáy. Năm 2012, GDP chỉ đạt 5,2%, thời điểm đó, nguy cơ đổ vỡ các tổ chức tín dụng rất cao. Việc thành lập VAMC để xử lý nợ xấu, chuyển nợ xấu sang VAMC vào thời điểm đó là hợp lý, đã phát huy được hiệu quả.
Như chúng ta thấy, dư nợ tín dụng năm 2012 chỉ ở mức 9%, sau đó đã tăng dần lên 12% ở năm 2013, tăng 14% năm 2014 và lên 18% vào năm 2015. Việc đưa nợ xấu vào VAMC đã tạo lưu thông tiền tệ tín dụng, từ đó giúp nền kinh tế tăng trưởng từ 5,25% lên 6,68% vào năm 2015. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là nợ xấu chuyển sang VAMC chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện tại, chúng ta phải giải quyết bài toán này một cách thực chất.
Nghĩa là số nợ xấu vẫn còn đó, có chăng chỉ là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác?
Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã giảm xuống còn 2,68% nhưng nợ xấu của nền kinh tế nói chung vẫn còn, bởi nợ xấu chỉ mới chuyển tạm thời từ hệ thống ngân hàng sang VAMC. Nợ xấu của nền kinh tế nói chung còn rất xấu.
“Cần phải có thông tư liên bộ để giải quyết những ách tắc trong xử lý nợ xấu cũng như tài sản nợ xấu. Nếu chúng ta đi theo trình tự, theo cách xử lý nợ xấu thông thường thì sẽ rất chậm chạp” Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân |
Theo báo cáo của Chính phủ, VAMC đang giữ 256 nghìn tỷ đồng, mới xử lý được 38 nghìn tỷ đồng. Nếu cộng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và VAMC đang nắm giữ thì nợ xấu của chúng ta vẫn còn ở mức cao. Chúng ta thấy thị trường bất động sản đến nay đã ấm trở lại, nhưng “khối u” nợ xấu đang nằm trong VAMC, tác động ngược trở lại đối với sức khỏe của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng.
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016 – 2020 đã nhìn thẳng vào vấn đề, và chúng ta phải giải quyết một cách thiết thực, tận gốc, giải quyết “khối u” đó một cách dứt điểm thì mới đảm bảo xử lý nợ xấu bền vững cũng như xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng một cách an toàn.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản đưa ra tại kỳ họp này dành một chương riêng trong việc đấu giá tài sản nợ xấu. Theo ông có nên luật hóa điều này?
Trước đây khi thành lập VAMC, Nghị định Chính phủ đã cho phép và vấn đề này được luật hóa cũng có thể coi là cần thiết để xử lý nợ xấu tốt hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải giám sát chặt chẽ, không để VAMC độc quyền làm ảnh hưởng tới thị trường mua bán nợ.
Theo tôi, cần có thông tư liên bộ để giải quyết những ách tắc trong việc xử lý nợ xấu cũng như tài sản nợ xấu. Nếu chúng ta đi theo trình tự, theo cách xử lý nợ xấu thông thường thì sẽ rất chậm chạp, do vậy cần có một thông tư liên bộ để giải quyết nhanh những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay.
Nên cho ngân hàng quy mô nhỏ phá sản
Cũng liên quan đến việc xử lý nợ xấu, vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đưa ra đề xuất thí điểm cho phá sản tổ chức tín dụng yếu kém. Ông thấy sao?
Chúng ta có thể triển khai theo phương án này, nhưng phải rất thận trọng và nên chọn ngân hàng có quy mô nhỏ, tác động không lớn đến thị trường. Từ đó chúng ta mới rút ra những bài học để có thể cho phá sản tiếp. Theo tôi, cần phải làm từ từ và trong kịch bản tái cơ cấu, chúng ta đã có nguồn lực khoảng 10 triệu tỷ đồng cho chuyên đề tái cơ cấu. Đây là con số tổng hợp từ các nguồn lực, kể cả vốn đầu tư xã hội từng năm, kể cả vốn vay, vốn từ tư nhân…
Còn về tình trạng nợ công của chúng ta hiện nay, ông có nhận định thế nào?
Nợ công hiện nay đang ở mức rất cao, đứng thứ 71 trên tổng số 200 quốc gia, nhưng nếu so với GDP bình quân đầu người thì Việt Nam đứng thứ 133 rồi. Các nước phát triển, nợ công có thể tới 90%, nhưng GDP bình quân đầu người của họ tới vài chục nghìn USD. Ở ta, trong trường hợp nếu nợ công vượt trần 65% là vi phạm Nghị quyết Quốc hội. Vì thế, Quốc hội cũng phải nghĩ tới việc nới trần nợ công để Chính phủ có dư địa điều chỉnh lại các chính sách.
Chặn ngay các dự án chưa cần thiết
Ông đánh giá thế nào những giải pháp mới trong đề án tái cơ cấu Chính phủ vừa đưa ra?
Kịch bản tái cơ cấu lần này được chuẩn bị khá chi tiết. Nhưng khi triển khai thực hiện có đúng theo kịch bản đưa ra không, đó mới là vấn đề thử thách. Tôi chấp nhận kịch bản tái cơ cấu với tư duy mới là phân bổ nguồn lực theo khu vực hiệu quả, cấp bách và chặn ngay các dự án chưa thật cần thiết. Phải siết lại các khoản chi, chẳng hạn như giải pháp thực hiện khoán xe công là rất tốt.
Điều chúng ta có thể thấy, người giữ tiền ngân sách quốc gia đã tư duy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đồng vốn của người dân. Điều quan trọng hiện nay là phải thoát khỏi tư duy nội bộ của từng địa phương, thoát khỏi tư duy cào bằng và phải dùng cơ chế thị trường phân bổ nguồn lực, ưu tiên cho vấn đề hiệu quả, rồi tái cơ cấu lại vùng kinh tế. Trong đó các địa phương phải sắp xếp lại từng thế mạnh của mình, khu vực nào làm công nghiệp, khu vực nào làm nông nghiệp, khu vực nào làm chế biến, dịch vụ. Có như vậy mới đảm bảo phân bổ nguồn lực hợp lý, trọng tâm.
Trong khi nhu cầu hiện nay rất lớn, địa phương nào cũng muốn xin, theo ông cần phải cắt giảm xin - cho thế nào để có thể tiết kiệm được ngân sách, sử dụng nguồn lực hiệu quả?
Cắt giảm xin - cho và kế hoạch đầu tư công, phân bổ vốn và tài chính 5 năm đi liền nhau. Đúng là nhu cầu hiện nay rất lớn, địa phương nào cũng chứng minh được mình có dự án cần thiết, địa phương nào cũng muốn xin. Do vậy cần tính toán, xem dự án nào thực sự cấp bách, có độ lan tỏa đến khu vực vùng thì ưu tiên đầu tư trước. Đó là nguyên tắc trong tư duy phân bổ ngân sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Còn lại những dự án như xây dựng quảng trường, làm công viên, xây trụ sở công ở các địa phương…nếu thấy chưa thực sự cấp bách thì phải tạm dừng để ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực khác cần thiết hơn.
Cảm ơn ông.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn