Ngân hàng thu phí "không ai giống ai"
Trước đây, Vietcombank thu phí dịch vụ SMS (nhắn tin báo biến động số dư tài khoản tới khách hàng) là 8.800 đồng/khách hàng/tháng, nhưng kể từ ngày 01/3, nhà băng tăng mức thu đối với dịch vụ SMS lên 11.000 đồng.
Đối với dịch vụ chuyển tiền tại quầy trong cùng hệ thống, trước đây Vietcombank không tính phí, nhưng theo biểu phí dịch vụ áp dụng kể từ ngày 01/3, mức phí giao dịch là 11.000 đồng đối với giao dịch dưới 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, mức phí này vẫn “mềm” hơn so với Vietinbank bởi ngân hàng này từ trước đến nay vẫn thu phí chuyển tiền trong cùng hệ thống. Cụ thể, một khách hàng tại Hà Nội cho biết hàng tháng vẫn chuyển tiền tại quầy giao dịch của Vietinbank đến một tài khoản khác tại Vietinbank Chi nhánh Điện Biên và phải chịu mức phí lên đến 22.000 đồng cho mỗi lần chuyển tiền.
Đối với giao dịch ngân hàng điện tử, trước đây Vietcombank thu phí 11.000 đồng đối với dịch vụ chuyển tiền ngoài hệ thống, thì nay mức phí này được áp dụng là 7.000 đồng/giao dịch (trưa tính 10% thuế VAT) đối với giao dịch dưới 10 triệu đồng, và 0,02% số tiền chuyển đối với giao dịch từ 10 triệu trở lên. Mức phí tối đa có thể lên đến 1.000.000 đồng/giao dịch.
Phòng giao dịch Vietcombank. (Ảnh minh họa)
Một số dịch vụ được các ngân hàng lớn tận thu, trong khi ngân hàng nhỏ và trung bình miễn phí cho khách hàng. Chẳng hạn dịch vụ đóng tài khoản được Vietinbank thu 33.000 đồng, trong khi MaritimeBank từng thu tới 50.000 đồng trước khi miễn phí.
Techcombank và VPBank là hai ngân hàng miễn phí nhiều nhất cho khách hàng. Cụ thể, Techcombank miễn phí toàn bộ phí giao dịch liên ngân hàng. Trong khi đó, VPBank cũng miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng đối với khách hàng luôn có số dư tài khoản từ 10 triệu trở lên.
Chị Đỗ Thị Nắng Mai, nhân viên môi giới bất động sản tại Hà Nội, cho biết: “Tôi dùng dịch vụ của Techcombank và VPBank để chuyển tiền nhanh 24/7 hoặc qua thẻ đến bất kỳ ngân hàng nào đều không mất phí. Trong khi tài khoản Vietcombank thường chỉ được dùng để nhận tiền khách hàng chuyển đến”.
Phí duy trì tài khoản, Maritime bank "vô địch" khi thu tới 70.000 đồng/tháng đối với tài khoản M1, khi số dư bình quân tháng dưới 10 triệu đồng.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Trung (Hà Nội) lại cho rằng về lâu dài các ngân hàng sẽ phải thu phí bởi đây là nguồn thu đáng kể đối với ngân hàng có lượng khách hàng mở tài khoản lớn. Tuy nhiên, với những khách hàng lớn họ sẽ không quan tâm đến mức phí dịch vụ, quan trọng là độ an toàn trong giao dịch mà thôi.
Mặc dù vậy, dù là khách hàng lớn và có lượng khách hàng đông đảo, nhưng Vietcombank lại là nhà băng được biết đến với nhiều vụ khách hàng mất tiền trong tài khoản nhất trong một vài năm trở lại đây.
Đối với giao dịch rút tiền ATM, Vietcombank, Vietinbank, BIDV và ACB đang thu phí 1.100 đồng/giao dịch đối với giao dịch rút tiền trong cùng hệ thống, trong khi các ngân hàng còn lại đều miễn phí giao dịch. Với các giao dịch rút tiền tại ATM của ngân hàng khác, mức phí được hầu hết các ngân hàng áp dụng là 3.300 đồng/giao dịch, còn Techcombank và LienVietPostBank miễn phí cho khách hàng.
So sánh phí dịch vụ của một số ngân hàng.
Người "ném đá", người ủng hộ ngân hàng tăng phí
Chia sẻ trên trang facebook cá nhân, ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quảng cáo trực tuyến 24h có cái nhìn khác với số đông khi cho rằng, Vietcombank là ngân hàng lớn, việc tăng phí chỉ ở mức không đáng kể, giá dịch vụ cũng tương xứng với chất lượng dịch vụ, và cũng không có gì để đảm bảo các ngân hàng khác không tăng phí dịch vụ trong tương lai.
“Mỗi người tự chọn được ngân hàng của mình, nhưng phí thì nơi nào cũng có, đắt rẻ tuỳ vào thương hiệu và chất lượng dịch vụ”, ông Phan Minh Tâm nói.
Tuy nhiên, ông Tâm cũng cho rằng việc thu phí là hợp lý, nhưng cái “dở” của Vietcombank là dịch vụ chưa tốt, nên nếu dịch vụ tận tình thì việc thu phí sẽ nhận được sự đồng tình của khách hàng.
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cũng có góc nhìn khác khi cho rằng “Vietcombank là ngân hàng không có nợ xấu, do đó sẽ an toàn cho khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng sẽ không bị phá sản. Thực tế là VCB đang nhiều giao dịch nhất, lợi nhuận lớn nhất, thậm chí lớn hơn Vietinbank, BIDV, Agribank và các ngân hàng khác”.
Ông Trương Đức Lương (Hà Nội) bày tỏ nghi ngờ việc các ngân hàng tăng phí chỉ là vấn đề thời gian khi cho rằng thông thường các ngân hàng miễn phí hoặc tính phí thấp, nhưng sau đó đều tính đến chuyện tăng phí. “Tôi dùng một ngân hàng tầm trung, họ miễn phí dịch vụ 4 năm và bây giờ cũng bắt đầu thu phí” - ông Lương cho hay.
Tài khoản facebook Vi Khoa Duong cho rằng việc tăng phí có thể khiến cho những người kinh doanh hàng online có thể phải trả thêm cả chục triệu tiền phí mỗi năm.
Quan trọng là chất lượng dịch vụ, thu phí mà dịch vụ tốt thì khách hàng sẽ không so đo vài ngàn đồng làm gì, nhưng nếu thu phí mà chất lượng dịch vụ còn kém hơn cả những ngân hàng miễn phí dịch vụ thì khó chấp nhận và khách hàng sẽ chào tạm biệt.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn