Hoa cắm, quả dán keo
Càng gần Tết, thị trường hoa cây cảnh càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Theo quan sát của PV Báo GĐ&XH, tại Hà Nội các loại cây cảnh, hoa cảnh chơi Tết không chỉ được bán tập trung tại các khu chợ hoa truyền thống như đường Hoàng Hoa Thám, chợ Bưởi... mà còn được bán ở hầu hết các tuyến phố. Cũng trong dịp cận Tết này không ít người mê hoa đã “rước” phải hàng “rởm”. Chị Nguyễn Thắm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị vẫn chưa hết bức xúc vì bị một người bán hoa ven đường lừa. Cách đây hai tuần, đang trên đường đi làm về, đến đoạn đường Kim Mã, chị Thắm gặp một người phụ nữ đẩy xe đầy hoa đi bán rong. Thấy nhiều hoa đẹp chị ghé vào xem, chọn một cây hoa có nụ và hình dáng đẹp.
Cây hoa “đại lộc” chị Nguyễn Thắm mua ở đường Kim Mã những ngày đầu trông hình dáng rất đẹp và bắt mắt.
Người bán hàng rong này và khẳng định như “đinh đóng cột” rằng loại hoa mà chị Thắm đang xem là hoa “Đại lộc”. Để thuyết phục người mua, người bán hàng này còn cho chị xem ảnh chụp của cây hoa này lúc nở và cho rằng nếu mua hoa thời điểm này thì cây sẽ nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán tới. Sau khi xem ảnh, chị Thắm như bị “hớp hồn”, quyết mua ngay cây hoa với giá 300.000 đồng. “Sau khi mua, đem về nhà, tôi hàng ngày chăm sóc, cứ mong thầm Tết này sẽ có một chậu hoa cực đẹp để chơi. Tới khoảng hai tuần sau thì cây hoa bắt đầu có “hiện tượng lạ”, những cành hoa cứ héo dần mặc dù tôi chăm sóc rất kĩ. Nụ thì bung ra, trong nụ có nhiều hạt nhỏ như hạt ngô và rất cứng. Thấy lạ, tôi bèn lấy tay lay nhẹ cành hoa để kiểm tra thì phát hiện bất ngờ… tất cả cành hoa là “đồ rởm” do người bán tự cắm vào. Lúc đấy tôi mới biết mình bị lừa một cách ngoạn mục”, chị Thắm bức xúc cho biết.
Tương tự chị Trần Phương Hoa (Đông Anh, Hà Nội) cũng phản ánh tới Báo GĐ&XH chị cũng là nạn nhân khi rước về cả chậu hoa “rởm” trên phố. Chị Hoa cho biết, mới đây chị lên thị trấn Đông Anh tìm mua cây sung thế về chơi Tết. Đang đi tìm thì chị gặp một ông xe thồ chở cây sung “đẹp mê hồn”, quả thì sum suê, kích cỡ lại vừa tầm với ngôi nhà đang ở nên chị Hoa hỏi mua ngay. Lúc đầu, ông bán hàng hét giá 1 triệu đồng, nhưng chị mặc cả 800.000 đồng thì ông bán ngay. Chị Hoa hý hửng mang về, nghĩ mình đã vớ được món hời bởi cây sung thế đẹp nhường ấy chơi không chỉ Tết năm nay mà còn có thể chơi cả năm sau. Ai dè, được ba hôm thì cây sung bắt đầu "dở chứng”, quả bắt đầu chuyển màu nâu và teo tóp rồi rụng dần. Còn cái cây sung thế đẹp nhường ấy chỉ sau hơn một tuần là chết hẳn. Lúc đó hai vợ chồng chị mới tá hỏa, xem lại từng quả trên thân cây thì toàn bộ quả đều không phải quả tươi mà được gắn với cây bằng keo, nếu không quan sát tỷ mỉ thì chẳng ai có thể phát hiện ra được.
Mua hoa, cây ở đâu để không bị lừa
Tuy nhiên, hai tuần sau, chị Thắm phát hiện những cành hoa là do người bán tự cắm vào. Lúc đấy chị mới biết mình bị lừa. Ảnh: Đình Việt
Đem những câu chuyện dở khóc dở mếu nêu trên của các khổ chủ tâm sự với ông Nguyễn Ngọc, chủ một vườn cây cảnh uy tín ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội). Ông Ngọc khuyến cáo, hiện nay không chỉ các loại cây cảnh bị làm giả bằng cách dính keo khá tinh vi mà còn xuất hiện nhiều loại cây được trồng bằng các loại thuốc kích thích nhập từ Trung Quốc, phát triển rất nhanh, cho hoa rất đẹp nhưng chỉ được vài hôm là héo. Trong khi đi mua, nếu không để ý, chỉ nghe những lời ngon ngọt của người bán dỗ dành và chỉ nhìn bề ngoài, thì người mua sẽ dễ dàng mua phải cây giả. Ngoài ra, theo ông Ngọc, để giảm thiểu những rủi ro nói trên, người tiêu dùng nên mua hoa, cây cảnh tại những vườn cây có uy tín và tham khảo những chủ vườn đã có kinh nghiệm lâu năm, tuyệt đối không nên ham rẻ mà mua cây của những người bán hàng rong hoặc tại những vườn cây chỉ mở một lần, mang tính chất thời vụ.
Còn theo anh Lâm, chủ một cửa hàng hoa trên đường Hoàng Hoa Thám, kiểu cấy ghép cây cảnh, hoa cảnh không phải hiếm và kiểu làm ăn này xuất hiện cả trong năm chứ không riêng gì mỗi dịp Tết. Hoa bị “cài cắm” có thể kể đến là hoa lan, hoa bướm... Còn đối với những cây cảnh đẹp thì quả dễ bị cấy nhất. Anh Lâm lấy ví dụ, nếu một cây sung bonsai dáng rất đẹp nhưng thiếu quả người bán chỉ có thể bán ra với giá cao nhất là khoảng 500.000 đồng/chậu nhưng nếu họ cấy thêm quả vào thì giá sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó những quả sung người bán hàng có thể mua ở nhiều nơi với giá rẻ, người bán chỉ cần khéo léo gắn thêm quả vào là thu gấp bội tiền.
“Bản thân tôi, trước khi vào nghề bán hoa cũng hay mua phải “hoa bị cắm, quả dán keo” thêm. Những loại cây, hoa này chỉ bán trong một thời điểm ngắn nên người mua chỉ phát hiện khi quả thối, hoa héo. Chính vì thế, tôi khuyên mọi người không nên mua cây cảnh, hoa cảnh ở đường, hè phố mà nên chọn những địa chỉ bán uy tín vì cửa hàng khó di chuyển trong một sớm một chiều”, anh Lâm nhận định từ kinh nghiệm của mình.
Ông Ngọc cho biết, những loại cây có nhiều quả như sung, khế, quýt... cần phải có thời gian và dày công chăm sóc mới có những cây thực sự đẹp, gốc to. Do đó, giá sẽ không hời như những cây "rởm”. Do vậy, khi mua những loại cây này, người mua phải dành thời gian để ý kỹ từ gốc đến lá, cuống rồi đến quả, không nên "tiếc thời gian”. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn