Lãi to từ kinh doanh máy bay

Thứ hai - 20/02/2017 03:08

Lãi to từ kinh doanh máy bay

Ngoài vận tải hành khách, hàng hóa và những dịch vụ đi kèm, lợi nhuận của các hãng hàng không trong năm vừa qua còn thể hiện một khoản lớn từ nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay (sale and lease back - SLB).

Thị trường tăng trưởng ở mức 2 con số, giá nhiên liệu giảm, tỉ giá diễn biến có lợi... là những yếu tố cơ bản giúp các hãng hàng không Việt Nam gặt hái lợi nhuận ngàn tỉ đồng trong năm 2016.

Vietjet đi đầu

Báo cáo tài chính của Công ty CP Hàng không Vietjet (VJ) cho thấy năm 2016, doanh thu hợp nhất của công ty đạt hơn 27.532 tỉ đồng. Trong đó, 2 nguồn thu lớn nhất là từ hoạt động vận tải hành khách - đạt 12.008 tỉ đồng, chiếm 43,6% và từ nghiệp vụ SLB - 11.709 tỉ đồng, chiếm 42,5%.

Bán và thuê lại máy bay đã mang lại lợi nhuận lớn cho các hãng hàng không Ảnh: TẤN THẠNH

Đáng lưu ý, doanh thu từ SLB đã có mức tăng trưởng kỷ lục, với hơn 398% trong năm 2015 và tiếp tục tăng hơn 33% trong năm 2016 do đội máy bay tiếp tục có thêm 10 chiếc được bán và thuê lại. Nếu năm 2014, các hợp đồng SLB đối với những chiếc máy bay A320 đầu tiên đem về cho VJ doanh số hơn 1.759 tỉ đồng (20,2% tổng doanh thu) thì năm 2015 tăng lên hơn 8.766 tỉ đồng (44,2% tổng doanh thu).

VJ cho biết bản chất của hoạt động SLB là một hình thức thu xếp vốn thông qua giao dịch với các công ty cho thuê máy bay. Qua đó, VJ vừa có được đội bay khai thác vừa không phải dùng nguồn vốn của mình và vay. Cụ thể, VJ trực tiếp đặt hàng mua số lượng lớn máy bay từ 2 nhà sản xuất Airbus và Boeing với thời hạn giao hàng theo cam kết. Sau đó, VJ và công ty con được ủy quyền ký hợp đồng chuyển giao sở hữu máy bay cho các công ty cho thuê máy bay. Bản thân các công ty cho thuê máy bay cũng có thể ký hợp đồng trực tiếp với Airbus hoặc Boeing nhưng không thể có giá tốt như mua qua VJ hay một số hãng hàng không khác vì các hãng có lợi thế là khách hàng lớn, đàm phán được mức giá có lợi nhất.

Ngay khi vừa bán máy bay mới nhận từ nhà sản xuất, VJ lại ký hợp đồng thuê lại những chiếc máy bay này từ công ty cho thuê máy bay để không phải bỏ vốn mua mà chỉ trả tiền thuê. Khoản chênh lệch giữa giá bán và giá mua đã đem lại cho VJ 50,6 tỉ đồng lợi nhuận trong năm 2014, lần lượt tăng lên 518,4 tỉ đồng và 1.330 tỉ đồng trong các năm tiếp theo.

Tổng Giám đốc VJ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cam kết với cổ đông sẽ tiếp tục theo đuổi nghiệp vụ này cho đến khi nhận đủ các máy bay theo hợp đồng đã ký với Airbus và Boeing vào năm 2023. Trong 38 máy bay đang khai thác (tính đến ngày 31-12-2016), VJ chỉ sở hữu 1 chiếc A320, còn lại đều được cho thuê hoặc sử dụng nghiệp vụ SLB với đối tác là các công ty dịch vụ và cho thuê tài chính trong lĩnh vực hàng không như Aviation Lease and Finance Company (ALAFCO), CIT, GE Capital Aviation Services, AWAS Aviation Capital… VJ cũng đã thành lập 4 công ty kinh doanh máy bay tại các thị trường Singapore, Ireland... để phục vụ hoạt động này.

VNA bán siêu máy bay

Năm 2012, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đã trình Chính phủ phê duyệt phương án SLB máy bay cùng với Đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2012-2015. Đến năm 2016, kế hoạch cụ thể đã được xây dựng và đại hội cổ đông VNA giao nhiệm vụ cho HĐQT thực hiện phương án SLB đối với 4 máy bay có lịch nhận trong năm 2017, gồm 1 chiếc B787-9 và 3 chiếc A350.

Với kế hoạch này, VNA vẫn bảo đảm kế hoạch phát triển đội bay và có được máy bay để khai thác theo đúng cấu hình lựa chọn ban đầu; đồng thời, bảo đảm giảm dần sự phụ thuộc nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay bảo lãnh Chính phủ, qua đó không làm tăng nợ công quốc gia, cải thiện và tăng cường kiểm soát hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu.

Như vậy, phương án này sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư và vay nợ mua máy bay khoảng 544 triệu USD so với kế hoạch ban đầu, qua đó giảm hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu từ 4 lần tại thời điểm 31-12-2016 xuống còn 3,2 lần vào cuối năm 2017, tiến tới giảm xuống dưới 3 lần vào cuối năm 2018. Đối tác được VNA ký hợp đồng SLB dự kiến là công ty cho thuê máy bay toàn cầu Dubai Aerospace Enterprise (DAE).

Nghiệp vụ phổ biến

Một chuyên gia trong ngành nhận định nghiệp vụ SLB rất phổ biến đối với các hãng hàng không quy mô lớn trên thế giới như Indigo (Ấn Độ), Virgin Australia (Úc), Norway (Na Uy), AirAsia (Malaysia)... Để có được lợi nhuận từ việc kinh doanh máy bay, các hãng hàng không phải ký được đơn hàng lớn từ nhà sản xuất với giá tốt. Điều này phụ thuộc vào năng lực tài chính, quy mô hoạt động, thương hiệu, tiềm năng phát triển của hãng hàng không.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây