Lãi suất đang một lần nữa trở thành điểm nóng đáng chú ý trong nền kinh tế Việt Nam 3 tháng cuối năm 2016, khi những biến động của nó được xem là có thể gây ra bất lợi cho mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đặt ra cho quý cuối cùng của năm. Theo đó, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là từ 6,3-6,5% thì tốc độ tăng trưởng 3 tháng cuối năm phải đạt từ 7,1-7,3%. Đây được xem là một mức cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng 3 tháng trước đó là 6,6%.
Mục tiêu này đang buộc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra từ 18-20% trong năm nay, dù các tổ chức tín dụng kỳ vọng mức độ tăng tín dụng cả năm có thể lên đến gần 22% (theo The Saigon Times). Lãi suất vì thế đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực điều hành kinh tế 3 tháng cuối năm của Chính phủ, tuy nhiên dường như nó lại đang có sự biến động theo hướng đi ngược lại sự mong muốn của chúng ta.
Ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng cổ phần (NHCP) đang là những người có động thái khởi đầu cho một sự biến động về lãi suất trên thị trường, khi đang tăng khá mạnh lãi suất huy động ở những kỳ hạn dài. Cụ thể, mức lãi suất huy động kỳ hạn dài tại một số NHCP quy mô nhỏ và vừa đang ở mức khá cao so với mặt bằng chung. Chẳng hạn như ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức lãi suất huy động đang phổ biến ở mức 7,6-7,7%/năm, trong khi đó theo báo cáo mới nhất của NHNN thì mặt bằng chung huy động lãi suất trên 12 tháng đang chỉ là khoảng 6,4-7,2%/năm. Cá biệt có những NHCP niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 18 tháng ở mức khá cao lên tới 8,3%/năm như VietCapital Bank, tương tự là Exim Bank và NCB (theo CafeF).
Sở dĩ gọi những động thái đẩy lãi suất huy động một cách liên tục (đặc biệt là ở những kỳ hạn dài) của các NHCP nói trên là khởi đầu cho một sự biến động về lãi suất trên thị trường, là vì chỉ trước đó chưa đầy 2 tuần, 4 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM) có vốn nhà nước lớn nhất là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank đã hạ lãi suất gần như cùng một lúc và được công bố trước tiên bởi NHNN. Dù NHNN không công bố cụ thể nguyên nhân và lý do của động thái hạ lãi suất đồng loạt nói trên, nhưng tất cả đều ngầm hiểu đó có thể được xem như một nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm mà Chính phủ đã đề ra. Hầu hết việc giảm lãi suất huy động (đi liền với đó là giảm lãi suất cho vay) vì thế đều tập trung ở những kỳ hạn ngắn và giảm khá mạnh, chẳng hạn như tại Vietcombank, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng giảm xuống còn 4.3%/năm (giảm 0,5% so với trước đó), còn kỳ hạn từ 3-5 tháng giảm 0,3% xuống còn 4,8%/năm.
Việc cả 4 NHTM cổ phần lớn nhất hạ lãi suất huy động kỳ hạn ngắn một cách đồng loạt được kỳ vọng sẽ kéo theo hiệu ứng tương tự từ các NHCP quy mô nhỏ và vừa, tạo nên lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm khi nhu cầu vốn và tài chính của doanh nghiệp tăng mạnh trong khoảng thời gian này. Nếu có biện pháp giảm lãi suất cho vay ngắn hạn một cách hợp lý, thì kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 7,1-7,3% trong quý cuối cùng của năm.
Tuy nhiên, việc các NHCP quy mô nhỏ và vừa có động thái tăng mạnh lãi suất huy động ở những kỳ hạn dài nói trên lại đang tạo ra xu hướng thu hút tiền gửi vào những kỳ hạn này nhiều hơn, thay vì vào những kỳ hạn ngắn mà NHNN và các NHTM cổ phần lớn kỳ vọng. Điều này sẽ khiến cho áp lực nguồn cung vốn với lãi suất thấp ngắn hạn cho nền kinh tế đang đè nặng lên vai NHNN và các NHTM cổ phần này trở nên nặng nề hơn bao giờ hết, qua đó tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế 3 tháng cuối năm.
Nguyên nhân của tình trạng này không phải là điều gì quá khó hiểu, khi thực tế là chính một số quy định do NHNN đưa ra trong thời gian vừa qua không những không tạo điều kiện thuận lợi cho việc hạ lãi suất huy động, mà còn có xu hướng buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lên. Trong thông tư 06/2016, NHNN buộc các ngân hàng từ đầu năm 2017 phải cơ cấu lại vốn, vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ phải giảm từ 60% xuống còn 50%, khiến cho các ngân hàng phải huy động thêm vốn để cho vay trung và dài hạn nhằm cân bằng tỷ lệ vốn (theo CafeF). Ngoài ra, đây cũng là thời điểm bắt đầu vào những tháng cao điểm cuối năm, nhu cầu tín dụng đáp ứng vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tăng vọt, khiến nhiều ngân hàng có xu hướng đẩy lãi suất huy động để đáp ứng nguồn cung tài chính cho nhu cầu này.
Nói cách khác, mục tiêu điều chỉnh tín dụng của Việt Nam trong dài hạn và ngắn hạn đang có sự mâu thuẫn nhất định, và điều này tạo nên sự biến động khá dữ dội về lãi suất ở thời điểm hiện tại. Về dài hạn, Chính phủ muốn củng cố hoạt động cho vay của ngân hàng theo hướng ổn định và hiệu quả hơn, dẫn đến lãi suất huy động trong ngắn hạn có xu hướng tăng lên. Trong khi về ngắn hạn, Chính phủ lại muốn nới rộng tăng trưởng tín dụng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 3 tháng cuối năm ở mức khá cao so với dự kiến trước đó, và muốn lãi suất huy động và đi kèm với lãi suất cho vay giảm xuống. Sự mâu thuẫn này hiện tại đang tạm thời được giải quyết bằng sự hỗ trợ thanh khoản của NHNN đối với các NHTM cổ phần lớn nói trên, nhưng nó có thể sẽ không bền vững do áp lực về lạm phát cuối năm.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn