Ngay sau khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh về việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo các chuyên gia kinh tế , động thái nói trên của tân tổng thống Mỹ cũng như TPP có nguy cơ gác lại sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
Xuất khẩu vào Mỹ giảm lợi thế
Trước việc Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, ngày 4-2, Khối Nghiên cứu kinh tế thuộc Ngân hàng HSBC đã có báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu “Điều gì đang chờ đợi sau TPP?”, phân tích những điểm nổi bật khi Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi hiệp định này. Theo đó, HSBC nhận định việc Mỹ rút khỏi TPP có thể sẽ làm cho 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, mất đi những lợi ích kinh tế và còn nhiều hơn thế nữa.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 1-2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 3,3 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Năm 2016, Việt Nam cũng xuất khẩu với kim ngạch 38,1 tỉ USD qua thị trường này và xuất siêu gần 30 tỉ USD. Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh Mỹ đang là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, nếu TPP có hiệu lực cũng như có sự góp mặt của “ông lớn” này thì chúng ta là một trong những nước hưởng lợi nhiều, nhờ thuế suất các mặt hàng chủ lực giảm dần về 0%. Do vậy, việc Mỹ từ bỏ TPP tác động nhiều mặt, trực tiếp và gián tiếp đến kinh tế Việt Nam.
Trên thực tế, kinh tế Mỹ và Việt Nam bổ sung cho nhau, quan hệ thương mại trên cơ sở 2 bên cùng có lợi, ít cạnh tranh. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là điện thoại thông minh, sản phẩm điện tử, hàng may mặc, da giày, đồ gỗ, thủy sản, nông sản nhiệt đới lên đến 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong khi nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng như máy bay, ô tô, máy tính, điện thoại… Các chuyên gia kinh tế nhận định nếu có TPP, nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ được hưởng lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với các nước ngoài TPP. Chẳng hạn như mặt hàng gạo, chúng ta sẽ có lợi thế so với Thái Lan, Ấn Độ đang chịu thuế suất 7%. Tương tự, hàng dệt may, da giày cũng được giảm thuế và kích thích xuất khẩu tăng nhanh. Nay không còn TPP, các sản phẩm của Việt Nam tiếp tục chịu thuế suất.
Việc Mỹ rút khỏi TPP ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm may mặc của Việt Nam Ảnh: Tấn Thạnh
Sẵn sàng ứng phó
Từ khi TPP được đàm phán và ký kết đã trở thành động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Sau khi có tin Mỹ rút khỏi TPP, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã không trở lại hoặc cân nhắc rót vốn vào Việt Nam.
Ngay sau sắc lệnh rút khỏi TPP của tổng thống Mỹ, trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Trong 6 năm qua, 12 nước TPP đã rất nỗ lực đàm phán, hoàn tất ký TPP, một FTA thế hệ mới. Nếu được triển khai, TPP sẽ đáp ứng lợi ích chung của tất cả các nước thành viên, không chỉ tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nước mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác, liên kết kinh tế và sự ổn định, thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Việt Nam coi việc tham gia TPP và các FTA khác là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia” - ông Lê Hải Bình khẳng định.
Trong bối cảnh những chính sách của ông Donald Trump rất khó dự đoán, tác động của việc Anh rời khỏi EU (Brexit) lên khu vực này cũng phức tạp, theo TS Lê Đăng Doanh, Chính phủ cần cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế có hiệu quả, dồn lực cho các FTA khác. Các doanh nghiệp (DN) cũng cần nỗ lực tối đa và chuẩn bị phương án để ứng phó.
Không có Mỹ, TPP vẫn sống? Khối nghiên cứu của HSBC cho rằng việc Mỹ rút khỏi TPP là “đòn trí mạng” cho hiệp định này. Trong khi đó, 11 thành viên còn lại của TPP đang nỗ lực tìm cách cứu hiệp định thương mại này. Theo Global News, các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia thành viên TPP khẳng định họ hy vọng tiếp tục thúc đẩy hiệp định với một số hình thức, dù có sự tham gia của Mỹ hay không. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 trong các nước thành viên đã chính thức thông qua TPP vào ngày 20-1, cùng thời điểm Nhà Trắng thông báo Mỹ rút khỏi TPP. Trước Nhật Bản, New Zealand là thành viên đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington D.C., nói rằng việc Mỹ rút khỏi TPP khiến hiệp định này bị trì hoãn. Bởi không có Mỹ - nước chiếm 60% tổng GDP của nhóm, các thành viên còn lại không đủ khả năng đáp ứng điều kiện ít nhất 6 nước phê chuẩn và chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 thành viên ký kết. Nói cách khác, hiệp định cần cả Mỹ và Nhật thông qua. Cũng theo ông Murray Hiebert, các nước có thể tìm thành viên mới thay thế Mỹ để tăng GDP cả khối. Đối với Việt Nam, ông Hiebert cho rằng sự trắc trở của TPP khiến tiến trình cân bằng nền kinh tế khó khăn hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ thiếu những áp lực từ bên ngoài để cải tổ nền kinh tế. Ngoài giải pháp tìm cách lấp chỗ trống của Mỹ tại TPP, các thành viên còn lại của TPP như Việt Nam có thể tập trung vào các FTA khác như với EU. Đồng thời các quốc gia châu Á có thể tập trung vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dù không toàn diện bằng TPP. Th.Hằng |
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Cơ hội vẫn rộng mở Ngoài TPP, Việt Nam đang cùng EU hoàn tất thủ tục Nghị viện các nước ký kết thông qua FTA Việt Nam - EU và hy vọng năm 2018 sẽ có hiệu lực. Việt Nam cũng đang đàm phán RCEP, trong đó Trung Quốc có vai trò dẫn đầu. Chúng ta cũng bắt đầu đàm phán FTA châu Á - Thái Bình Dương… Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán tất cả các FTA nên cơ hội về thị trường vẫn rộng mở. Có điều, cải cách thể chế của Việt Nam quá chậm nên các chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu đều rất thấp và chậm được cải thiện. Nhất là chi phí logistics của Việt Nam quá cao, lên đến 20% GDP, trong khi ở các nước dưới 12% khiến chi phí đầu vào của DN về vận tải, phí đường cao tốc quá cao… gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển - Sản xuất - Thương mại Sài Gòn (Sadaco): Khai thác thị trường tiềm năng Không có TPP có thể ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu của Việt Nam nhưng riêng ngành gỗ gần như không có tác động lớn dù Mỹ đang là thị trường hàng đầu nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Bởi từ vài năm qua, các mức thuế suất đối với DN xuất khẩu gỗ vào Mỹ đã về mức ưu đãi nên có hay không có TPP cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, bên cạnh Mỹ còn rất nhiều thị trường tiềm năng mà lâu nay các DN chưa quan tâm đúng mức như khu vực Đông Âu, Nga, Nhật, Úc và cả Trung Quốc. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới bằng rất nhiều FTA song phương và đa phương, DN có thể tận dụng cơ hội từ các FTA song phương như Việt Nam - Nhật, khi thị trường này giá cả tốt và nhu cầu lớn. TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: Quan trọng là cách ứng phó Không có TPP chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng mức độ ảnh hưởng ra sao còn phụ thuộc vào cách ứng phó của Việt Nam. Cụ thể là quá trình cải cách thể chế, cải cách nền kinh tế của chúng ta và tận dụng các FTA khác như thế nào. Việt Nam đang hội nhập sâu sắc với các nền kinh tế trên thế giới nên cách ứng phó, tận dụng các FTA khác sẽ làm giảm tác động khi không có TPP và tạo thêm xung lực mới cho nền kinh tế. Không tham gia TPP, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng trong xuất khẩu, đầu tư, thương mại của Việt Nam và còn rất nhiều cơ hội cho DN Việt làm ăn. Quan trọng là DN nhìn nhận thế nào thay đổi tư duy, cách làm, tạo động lực tìm kiếm thị trường khác hấp dẫn hơn. Linh Anh ghi |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn