Một ca mổ cấp cứu trong đêm có đầy đủ các chuyên khoa: Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Thần kinh, Mạch máu, Mắt, Gây mê hồi sức... tiến hành lấy bỏ chiếc đinh vít khủng khiếp đâm sâu gần 10 cm ra khỏi khuôn mặt bệnh nhân.
Chiếc đinh vít to xù gớm ghiếc găm sâu ngay dưới mắt phải
Nhìn lại dị vật đã găm sâu vào mặt bệnh nhân Trương Văn T. 43 tuổi (Tuyên Quang) lúc đó chúng tôi không khỏi rùng mình. Đó là một chiếc đinh vít cỡ cực đại có các vòng lò xo xoắn xung quanh thân kèm móc sắt uốn cong như lưỡi câu ở phía đầu.
Có lẽ chiếc đinh vít bị vứt bỏ ở vệ đường trong trạng thái dựng đứng lên (móc sắt buộc vào thì cụp xuống bên dưới chỉ có đầu đinh nhô lên) và khi anh T đi xe máy qua đó (khu vực thu mua sắt vụn) xe đột ngột mất lái, loạng choạng (chắc bị một đinh khác đâm vào lốp), anh T. ngã sấp mặt trên đường.
Thấy đau nhói và cứng ngắc một bên mặt, tối tăm mặt mũi, anh sờ thấy dị vật và cố rút ra nhưng không được, nhìn qua con mắt còn lại thấy máu chảy ròng ròng. Lấy điện thoại gọi cho người thân đến đưa đi cấp cứu, thấy máu chảy quá nhiều, anh T. cởi cả chiếc áo đang mặc thấm cầm máu và được đưa đến BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Tại đây các bác sĩ tiến hành sơ cứu, tiêm thuốc cầm máu cho bệnh nhân, chụp phim, tiêm phòng uốn ván. Trên phim chụp thấy đinh vít đâm rất sâu vào toàn bộ xương mặt của bệnh nhân; nếu rút ra nguy cơ tổn thương hệ mạch máu,mạch não, tổn thương mắt nên BV Tuyên Quang quyết định chuyển ngay bệnh nhân xuống BV Việt Đức.
Phối hợp đa chuyên khoa mổ cấp cứu trong đêm
19h cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến BV Việt Đức trong tình trạng tỉnh táo, vết thương không chảy máu nhiều, tuy nhiên vẫn rất đau đớn. Mắt phải không nhìn thấy do mũ đinh to dày tới quá nửa cm ép vào bờ dưới mắt phải, đẩy vào nhãn cầu khiến mắt không mở ra được, thậm chí các bác sĩ cũng rất khó khám để đánh giá tình trạng con mắt.
TS. BS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt BV Việt Đức cho biết:"Nhìn phim chụp từ BV tỉnh cho thấy tổn thương rất phức tạp, nên khi tiếp nhận các bác sĩ khẩn trương đặt các đường ven truyền, hồi sức, giảm đau cho BN và chụp lại phimcắt lớp. Trên phim CT cho thấy vị trí của đầu đinh vít gần chạm vào nền sọ (chưa xuyên vào trong não) và các mạch máu lớn.Tuy nhiên đứng trước ca mổ như vậy, các bác sĩ phải hội chẩn chuẩn bị hết sức kỹ càng, các biện pháp dự phòng tối ưu nhất được đề ra".
Cuộc hội chẩn liên viện, liên khoa: phẫu thuật tạo hình,mắt (bác sĩ bệnh viện Mắt Trung ương), mạch máu (dự phòng khâu nối mạch máu rách), thần kinh (dự phòng trường hợp có huyết khối trong mạch cảnh phải mở hộp sọ để xử trí), gây mê hồi sức diễn ra lúc 22h ngày 3/10/2016 tại BV Việt Đức.
22h30 phút, ThS. BS. Vũ Trung Trực, khoa Phẫu Thuật tạo hình - hàm mặt phối hợp cùng kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức kiểm soát huyết áp của bệnh nhân (để giảm nguy cơ mất máu trong trường hợp có tổn thương mạch), sau đó tiến hành mở rộng vết thương. Đinh đâm xuyên từ thành trước đến thành sau của xoang hàm, vào hố chân bướm hàm (giữa xương bướm và xoang hàm phía sau) là vùng liên quan đến các tổ chức thần kinh, mạch máu từ tim lên não và từ trên não xuống; gần chạm vào động mạch cảnh (là động mạch rất lớn đi từ tim xuyên qua vùng chân bướm hàm lên nuôi não), cách động mạch cảnh 5 mm (rất may chưa tổn thương đến mạch cảnh).
Đinh đâm sâu toàn bộ xương mặt, đến tận nền sọ, móc câu sắt trên đinh ngoắc vào sâu trong xương mặt cùng với lò xo xung quanh nên rất khó rút ra.Vỡ toàn bộ sàn ổ mắt, vỡ xương thành trước hốc mắt và tổn thương cực dưới của nhãn cầu.
Các bác sĩ chuyên khoa Mắt cố gắng bảo tồn mắt cho bệnh nhân nhưng do có các vòng lò xo xoắn trên đinh vít đã làm dập nát cả cực dưới của nhãn cầu nên không thể bảo tồn con mắt phải, bắt buộc phải múc bỏ nhãn cầu. Tuy nhiên cũng may là bệnh nhân chỉ chảy máu vừa và máu tụ ở xoang hàm, trong quá trình lấy bỏ đinh không bị tình trạng chảy máu ồ ạt do tổn thương mạch máu.
Các bác sĩ tiến hành khâu nối, tạo hình lại các tổn thương của sàn hốc mắt, các vết thương trên vùng mặt. Ca mổ kết thúc lúc 4h sáng ngày 4/10.
ThS. BS. Vũ Trung Trực cho biết: “Sau mổ chụp lại toàn bộ hệ thống mạch cảnh 2 bên cổ, nền sọ cho thấy hệ mạch cảnh không bị tổn thương. Bệnh nhân không sốt, đã nói chuyện, ăn uống được và đang điều trị kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Bệnh nhân sẽ được xem xét chuyển BV Mắt để lắp đặt mắt giả tùy vào tiến triển của vết thương”.
Các bác sĩ khuyến cáo: Với những trường hợp như vậy tuyệt đối không được rút dị vật ra, chỉ làm mọi cách để cầm máu (thấm gạc, băng ép). Nếu rút ra phải được đánh giá bởi chuyên gia y tế. Với những tổn thương đâm sâu vào phần nền sọ phải phối hợp đa chuyên khoa về phẫu thuật hàm mặt tạo hình, thần kinh, mạch máu, mắt, tai mũi họng...
Tổn thương nằm gần các mạch máu lớn cần chụp mạch (nếu ở các vị trí nghi ngờ có tổn thương mạch máu).
Mai Linh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn