Tử vong vì nụ hôn “thần chết”
Mới đây, cái chết thương tâm của một bé gái 18 ngày tuổi tại Mỹ vì viêm màng não đã làm xôn xao dư luận. Điều đáng nói, khi chào đời, bé hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, bé bị ốm và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngừng thở. Tại đây, các bác sĩ cho biết bé bị viêm màng não do nhiễm virus Herpes Simplex. Do cả bố và mẹ cháu bé đều âm tính với virus Herpes nên các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân khiến bé bị lây nhiễm bệnh rất có thể thông qua nụ hôn âu yếm của một người lớn nào đó mang trong người loại virus này. Sau khi điều trị được ít ngày, cháu bé đã tử vong.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ sơ sinh tử vong do nhiễm bệnh từ nụ hôn của người lớn. Trước đó, tháng 11/2014, một em bé người Úc cũng đã đột ngột tử vong sau khi mới chào đời được một tuần. Nguyên nhân cũng được xác định là do bé nhiễm virus Herpes từ một nụ hôn của ai đó bị loét miệng. Hay trường hợp của một cô bé người Anh đã bị phù não, rơi vào trạng thái nguy kịch sau khi một người bạn của bố mẹ đến thăm và hôn bé vào tháng 5/2016. Rất may, cô bé đã được cấp cứu kịp thời và may mắn thoát khỏi cửa “tử thần”. Tuy nhiên, sau khi xuất viện về nhà, bé vẫn hay quấy khóc và có dấu hiệu chậm phát triển hơn bình thường.
Sau khi đọc những thông tin trên, chị Trần Thị Hòa (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình nghĩ lại khoảng thời gian bé gái nhà chị mới chào đời, các cô dì, chú bác vì quý cháu nên ai nấy đến thăm cũng đều cưng nựng và hôn cháu rất âu yếm. Có người thơm má, có người hôn môi bé. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của bé hoàn toàn bình thường nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng và sẽ cân nhắc trong việc hạn chế cho người thân ôm hôn con mình để tránh lây nhiễm bệnh cho bé.
Các chuyên gia khuyến cáo, nụ hôn của người lớn có thể vô tình gây hại cho trẻ. Ảnh minh họa
Còn với chị Lê Nhinh (quê Hải Phòng), dù còn cách ngày dự kiến sinh con đầu lòng hơn một tháng nhưng chị đã quả quyết: “Sau khi sinh con, tôi tuyệt đối sẽ không cho ai thơm, hôn con mình. Giờ bệnh truyền nhiễm nhiều, sức đề kháng của trẻ lại yếu, chẳng thể nào lường trước được con có thể bị lây nhiễm những bệnh gì từ những lần người lớn thơm, hôn. Thế nên, chính bản thân tôi cũng sẽ hạn chế hôn con, nhất là hôn môi và sẽ đề ra “nội quy” như thế để mọi người trong gia đình được biết”.
Liên quan đến vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Virus Herpes Simplex (HSV) gồm 2 loại là HSV-1 (thường được gọi là Herpes miệng, có thể gây ra viêm loét miệng, hầu họng và các vùng da khác) và HSV-2 (chủ yếu gây ra các bệnh sinh dục, lây lan qua quan hệ tình dục và tiếp xúc da trực tiếp). Ở Việt Nam, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong do nhiễm virus Herpes, tuy nhiên đa phần đều là bệnh nhân người lớn. Số lượng bệnh nhân là trẻ nhỏ hay thậm chí trẻ sơ sinh hiện chưa có thống kê cụ thể. Tuy nhiên, con số này không nhiều.
Nhiều bệnh lây qua nụ hôn
Theo ThS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), viêm não hay viêm màng não do virus Herpes xảy ra khá phổ biến, trong đó có cả trẻ nhỏ. Virus này sẽ xâm nhập cơ thể trẻ qua đường niêm mạc mũi, hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng trẻ, sau đó sẽ “chạy” lên não, gây viêm não, ảnh hưởng đến toàn bộ não. Các triệu chứng của bệnh viêm não do virus Herpes ở trẻ nhỏ thường là đau đầu, nôn ói, hay quên, quấy khóc, thay đổi tính tình… Bệnh xảy ra rải rác, không thành dịch, thường diễn tiến nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng khiến trẻ khó thích nghi với cuộc sống sau này. Theo đó, cứ 10 trẻ thì có 7 trẻ bị dị tật như: Bại não, khuyết tật trí tuệ, động kinh, mất thị lực, thính lực…
Ở trẻ sơ sinh, viêm não do Herpes có thể được gây ra bởi HSV-1 hoặc HSV-2 thông qua các con đường như: Lây từ mẹ sang con qua quá trình chuyển dạ và sinh đẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm virus từ người bệnh bị Herpes ở môi và vùng quanh miệng có hành vi hôn trẻ. Theo các bác sĩ, ngoài việc nhiễm virus Herpes thông qua nụ hôn của người lớn, trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ có sức đề kháng kém còn dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác thông qua cử chỉ thể hiện tình cảm âu yếm này. Trong đó, cúm là một trong những bệnh dễ có khả năng lây nhiễm nhất. Virus cúm lây lan thông qua dịch tiết đường hô hấp khi người bị bệnh hắt hơi, ho và hôn trẻ. Khi bị nhiễm cúm, trẻ sẽ có các triệu chứng như: Ho, đau họng, quấy khóc, sốt cao, chảy nước mũi. Thời gian mắc cúm ở trẻ nhỏ thường từ 5-7 ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang… ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ.
Bên cạnh đó, quai bị cũng là bệnh người lớn dễ “truyền” cho trẻ thông qua việc hôn vào má, vào môi trẻ. Khi bị bệnh, trẻ có thể bị sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, chán ăn và sưng tuyến nước bọt quanh tai. Tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng nếu bệnh quai bị không được chữa trị kịp thời, trẻ có thể gặp một số biến chứng như tổn thương hệ thần kinh, viêm buồng trứng ở trẻ nữ, viêm tinh hoàn ở trẻ nam, gây khả năng vô sinh về sau.
Ngoài ra, kể cả trong trường hợp không mang virus gây bệnh trong người, nhưng nếu người lớn dùng son môi hoặc trang điểm với lớp phấn dày khi hôn trẻ cũng sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ bị viêm da tiếp xúc hay thậm chí nhiễm độc chì từ các loại mỹ phẩm này. Do đó, khi tiếp xúc gần với trẻ nhỏ, tốt nhất người lớn (thường là chị em phụ nữ) không nên trang điểm hoặc dùng các loại mỹ phẩm, nước hoa dễ gây dị ứng với trẻ nhỏ. Đây cũng là lý do, các sản phụ đang cho con bú được khuyến cáo không nên dùng mỹ phẩm, các loại hóa chất công nghiệp để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, các chuyên gia khuyến cáo, nên hạn chế cho người lạ, kể cả người thân trong gia đình bế và hôn trẻ trong khoảng 1-2 tháng sau khi chào đời, vì đây là khoảng thời gian cơ thể trẻ rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ mắc bệnh. Khi muốn bế hoặc hôn trẻ, người lớn cần phải rửa tay sạch sẽ và đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm hoặc các bệnh ngoài da, bệnh răng miệng… Trong trường hợp sau khi được người lớn hôn, trẻ có các triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, bú kém, quấy khóc, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn