Đó là một trong những nội dung trọng tâm được nêu lên trong Hội nghị “Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện” do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì (diễn ra ngày 12 và 13/9 tại TPHCM).
Theo đó, y bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện là những người trực tiếp chăm sóc sức khỏe người bệnh, phục vụ cấp cứu, điều trị bệnh nhân dù họ trong trang thái đang nguy kịch hoặc say xỉn, bị kích động, bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân có mâu thuẫn với những tổ chức, cá nhân khác dẫn đến đâm chén, đả thương phải vào viện... Vì thế, nhân viên y tế luôn phải làm việc trong môi trường căng thẳng dễ phát sinh mâu thuẫn, bất đồng dẫn đến bị bệnh nhân, thân nhân người bệnh tấn công hoặc bị vạ lây khi người bệnh hoặc người thân của họ ẩu đả ngay trong bệnh viện với những đối tượng có mâu thuẫn ngoài xã hội.
Do đó, khi hành nghề, bác sĩ, nhân viên y tế là lực lượng lao động cần rất cần được bảo vệ. Tuy nhiên, lâu nay vấn đề này đang bị buông lỏng, rất nhiều y bác sĩ trong quá trình chăm sóc sức khỏe, cứu sinh mạng của người bệnh nhưng vì một số lý do khách quan hoặc chủ quan họ đã bị các đối tượng giang hồ hoặc thân nhân người bệnh hành hung gây tử vong hoặc gặp phải những thương tích nghiêm trọng.
Bạo hành xảy ra trong các bệnh viện đang ngày càng phổ biến, gây ra nỗi lo sợ của nhân viên y tế. Nếu không có giải pháp ngăn chặn, tình trạng bạo hành sẽ trở thành tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của lực lượng lao động thuộc ngành y, tác động tiêu cực đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, tình trạng bảo kê, “cò” khám chữa bệnh, “cò” dịch vụ chuyển bệnh, mai táng... đang lộng hành tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Những đối tượng “anh chị” ngoài tranh giành lãnh địa “làm ăn” với nhau gây mất an ninh, chúng còn sẵn sàng đe dọa, hành hung nhân viên y tế, bảo vệ bệnh viện khi bị cản trở hành vi phạm pháp.
Ngoài ra, các đối tượng trộm cắp, móc túi, cướp giật, lừa đảo đang lợi dụng tình trạng quá tải bệnh nhân, an ninh bệnh viện lỏng lẻo để hành nghề. Người bệnh và thân nhân ngoài nỗi lo bệnh tật, khi đến bệnh viện còn nơm nớp lo sợ bị mất tài sản, tiền bạc và bị đe dọa, hành hung. Mặt khác, vấn nạn hàng rong bủa vây lâu nay đã gây mất mỹ quan, mất trật tự đô thị, tranh giành chỗ buôn bán thanh trừng lẫn nhau khiến an ninh bên ngoài bệnh viện bị khuynh đảo, nhưng các ban ngành liên quan không có giải pháp xử lý triệt để.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Bảo đảm an ninh, trật tự trong và ngoài bệnh viện là giải pháp căn cơ, bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế đồng thời cũng là mục tiêu phải thực hiện để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp cùng Bộ Y tế của nhiều bộ ngành có trách nhiệm liên quan như: Bộ Công an; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội”.
Để có giải pháp khả thi, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết, dự kiến vào tháng 10/2016, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bộ Công an tổ chức hội thảo trên phạm vi cả nước để lấy ý kiến đóng góp và xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc tăng cường, bảo vệ an ninh trật tự tại các cơ sở y tế.
Bộ Y tế hướng đến mục tiêu xây dựng Thông tư liên tịch giữa các bộ ngành trên cơ sở phối hợp hỗ trợ từ trung ương đến địa phương; đề ra những giải pháp căn cơ tiến tới ngăn chặn và xử lý phù hợp với tính răn đe cao nhất những hành vi bạo hành y bác sĩ, gây mất an ninh trật tự tại các cơ sở y tế, góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe, sinh mạng của người lao động trong ngành y nói riêng và người bệnh nói chung.
Vân Sơn
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn