Chưa bao giờ tình trạng lạm dụng rượu bia tại Việt Nam lại ở mức báo động như hiện nay khi mỗi năm tiêu thụ tới 3,4 tỉ lít bia, 270 triệu lít rượu.
Con số này vẫn không ngừng tăng qua từng năm, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, kinh tế và là nguyên nhân gây ra gần 70% số vụ bạo lực gia đình.
Ông Nguyễn Phương Nam, cán bộ WHO tại Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia ở nước ta mỗi năm đã xấp xỉ 1 tỉ USD, chưa kể chi phí điều trị các bệnh mãn tính liên quan đến loại đồ uống có cồn này.
“Việt Nam đang là quốc gia khởi nghiệp hay là quốc gia say xỉn? Khi độ tuổi sử dụng rượu bia ngày càng trẻ, mức uống nguy hại ngày càng tăng, gây áp lực cho hệ thống y tế...”, ông Nam cảnh báo.
Nguyên giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình cũng lo lắng khi Việt Nam đang là 1 trong 4 nước có tầm vóc dân cư nhỏ nhất thế giới mà một trong những nguyên nhân có liên quan trực tiếp đến rượu bia.
Hiện Việt Nam cũng là 1 trong 12 nước ít ỏi trên thế giới còn cho dân tự nấu rượu.
“Tôi từng tiếp một đoàn khách từ Úc sang. Họ phát biểu một câu khiến mình hết sức buồn lòng: Ở Hà Nội các ông tìm nhà vệ sinh công cộng với thư viện thì khó chứ quán nhậu mọc khắp nơi”, BS Tình chia sẻ.
Uống rượu từ khi 10 tuổi
BS Tình cho biết, bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã thực hiện một cuộc khảo sát trong 5 năm tại Hà Nội với trên 15.000 người tham gia.
Kết quả giật mình khi tỉ lệ người trẻ dưới 20 tuổi nghiện rượu lên tới gần 63%; thời gian uống trên 20 năm trên 62%; uống từ 11-20 năm ở mức xấp xỉ 25%. Tỉ lệ nghiện rượu ở Hà Nội cũng cao hơn các tỉnh khác, xấp xỉ 4%.
BS Tình chia sẻ, ngoài 44% mắc các bệnh liên quan đến tiêu hoá, 41% bị viêm loét dạ dày, tá tràng, gần 18% mắc trĩ, gần 40% bị tăng huyết áp, rượu bia còn tác động ghê gớm về mặt tâm thần.
Trong hơn 15.000 điều tra, có tới 77,5% bị rối loạn giấc ngủ, gần 45% rối loạn trí nhớ, trầm cảm gần 30%. Đáng lưu ý có tới 13% bị ảo giác, hoang tưởng 7%.
Với những biểu hiện loạn thần do rượu, bệnh nhân buộc phải vào các khoa tâm thần, bệnh viện tâm thần điều trị. Chỉ tính riêng tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội, sau 10 năm, số bệnh nhân nghiện rượu nhập viện đã tăng hơn 10 lần, từ 30-40 ca lên gần 500 ca/năm.
“Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, co giật, lú lẫn, sùi bọt mép như động kinh. Trong đó có nhiều bệnh nhân chỉ 15-16 tuổi. Thông thường nghiện rượu phải uống trên 5 năm, đồng nghĩa các cháu uống từ khi mới 10-11 tuổi. Bố uống cũng rót luôn cho con”, BS Tình dẫn chứng.
Cá biệt có trường hợp nhập viện rồi vẫn mang rượu theo, khi cai vật vã quá không ra ngoài được còn nhờ người mua rượu mang tới sát hàng rào thép gai rồi thò ống hút uống.
Theo BS Tình, trung bình mỗi bệnh nhân loạn thần do rượu sẽ phải điều trị 30 ngày, chi phí mỗi ngày 500 nghìn - 1 triệu đồng.
Ông cho rằng nếu cứ tái diễn tình trạng “sáng ngâm trong bia, chiều ngâm trong rượu”, trong máu lúc nào cũng có cồn như hiện nay thì Việt Nam khó phát triển được.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không có ngưỡng an toàn khi sử dụng rượu bia. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định, là nguyên nhân gây ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại tràng, gan, ung thư vú...
Uống càng nhiều thì nguy cơ càng tăng và ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 đến 15 năm, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu, bia.
Theo Thúy Hạnh
Vietnamnet
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn