Nguyên nhân nào?
Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận , niệu quản, bàng quang, thậm chí có sỏi niệu đạo. Sỏi tiết niệu là do kết quả của sự kết tủa của một số chất chứa trong nước tiểu, kết hợp với sự lắng đọng, ứ nước tiểu, đặc biệt ở NCT khi chức năng của thận, bàng quang yếu đi hiện tượng này càng dễ xuất hiện. Có nhiều yếu tố gây sỏi tiết niệu, trong đó phải kể đến việc dùng một số thuốc liều cao, dài ngày (do lạm dụng) như canxi trong điều trị và phòng loãng xương. Bởi vì, ở NCT, hấp thu canxi kém nhưng bài tiết canxi lại gia tăng nếu lạm dụng hoặc sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm cho lượng canxi dư thừa tăng lên và liên tục chúng được đào thải qua thận, gây lắng đọng và hình thành sỏi ở thận. Một số người lạm dụng dùng quá nhiều và dài ngày vitamin C rất dễ dẫn đến sỏi tiết niệu. Bởi vì, sản phẩm chuyển hóa trung gian của vitamin C là axít oxalic được đào thải qua thận, vì vậy, khi dùng liên tục và liều cao có thể gây nên sỏi oxalat canxi. Một số trường hợp bị sỏi tiết niệu vì lý do nào đó làm tăng hàm lượng axít uric trong nước tiểu chẳng hạn như bệnh gút dẫn đến sỏi tiết niệu. Lạm dụng thuốc chứa canxi, vitamin C, chế độ ăn nhiều thực phẩm có chứa canxi (tôm, cua, phủ tạng động vật…), trong khí đó uống ít nước, nhất là NCT càng dễ bị sỏi tiết niệu.
Nguyên nhân phải kể đến là việc dùng một số thuốc liều cao, dài ngày
Nhiễm trùng đường tiểu là nguyên nhân đáng kể gây sỏi tiết niệu, nhất là nhiễm trùng mạn tính. Nhiễm trùng làm cho tổ chức thận bị tổn thương, niêm mạc bàng quang, niệu quản, niệu đạo bị viêm rất dễ gây lắng đọng canxi, oxalate tạo nên sỏi. Đây là vòng luẩn quẩn, nhiễm trùng đường tiểu gây sỏi tiết niệu, và sỏi tiết niệu rất dễ gây nhiễm trùng tiết niệu.
Sỏi tiết niệu còn liên quan đến một số bệnh khác như: tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến (nam giới), dị dạng đường tiểu, u đường tiết niệu, bệnh tiểu khung (phụ nữ) gây nên hiện tượng lắng đọng nước tiểu do chèn ép, từ đó dễ hình thành sỏi tiết niệu, nhất là các trường hợp sự lắng đọng nước tiểu gây nhiễm trùng tiết niệu.
NCT thường ít uống nước, một mặt do trung tâm báo thiếu nước nằm ở hạ đồi trên não hoạt động ngày một kém bởi bị lão hóa theo năm tháng cho nên NCT ít có cảm giác khát nước, vì vậy, không uống. Mặt khác NCT dần dần có vị giác ngày một giảm sút, dạ dày lúc nào cũng có cảm giác no cho nên không cảm thấy khát nước. Một số NCT thường ngại vận động hoặc khó vận động cho nên việc tiểu tiện cũng gặp khó khăn gây ứ đọng nước tiểu ở bang quang cũng là nguyên nhân gây sỏi tiết niệu, nhất là sỏi bàng quang, từ đó viêm ngược dòng, gây sỏi thận.
Có thể gây nên biến chứng gì?
Sỏi tiết niệu nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm có thể gây ra một số biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm, nhất là NCT, sức yếu. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào số lượng, kích thước của sỏi và vị trí của sỏi.
Biến chứng của sỏi tiết niệu khá phức tạp, nếu nhẹ, gây đau thắt lưng, rối loạn tiểu tiện (đái rắt, són, buốt), nặng hơn, sỏi từ thận rơi xuống niệu quản xuất hiện cơn đau dữ dội, đột ngột, cấp tính gọi là cơn đau quặn thận, nhiều trường hợp phải cấp cứu.
Biến chứng của sỏi tiết niệu khá phức tạp, nhiều trường hợp phải cấp cứu
Sỏi từ thận rơi xuống niệu quản sẽ làm tổn thương niệu quản gây chảy máu hoặc bị nhiễm trùng ngược dòng gây viêm thận ứ mủ. Tại niệu quản, sỏi có thể làm ứ đọng nước tiểu gây giãn niệu quản, dãn đài, bể thận, hậu quả là thận bị tổn thương, nặng hơn là suy thận. Suy thận, điều trị gặp không ít khó khăn và làm tăng huyết áp, tăng ure máu rất nguy hiểm, giai đoạn cuối của suy thận phải chạy thận nhân tạo, thậm chí ghép thận. Khi sỏi rơi xuống bàng quang gây nên sỏi bàng quang, sỏi ngày một lớn dần do lắng đọng các chất cặn, trong đó có canxi, oxalate gây viêm bàng quang và viêm ngược dòng lên thận.
Sỏi từ bàng quang đi ra ngoài qua niệu đạo, nếu sỏi có kích thước lớn, gồ ghề sẽ bị mắc kẹt ở niệu đạo phải cấp cứu, vì không thể đi tiểu được, đồng thời rất khó chịu, đau đớn.
Nguyên tắc điều trị sỏi tiết niệu
Khi nghi bị sỏi tiết niệu cần được khám bệnh đầy đủ, đúng chuyên khoa để được điều trị sớm. Nếu bác sĩ khám bệnh thấy khả năng điều trị nội khoa còn có kết quả sẽ được chỉ định dùng thuốc, kèm theo uống nhiều nước và lợi tiểu (nước râu ngô, bông mã đề...). Nếu không còn khả năng điều trị nội khoa, sẽ được can thiệp bằng ngoại khoa với nhiều hình thức khác nhau tùy theo sức khỏe của người bệnh, nhất là người có tuổi.
Lời khuyên của thầy thuốc Để đề phòng sỏi tiết niệu, NCT cần uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (từ 1,5 - 2,0 lít) bao gồm cả lượng nước có trong rau, trái cây, canh, uống sữa. Nên uống từ từ, không uống một lúc nhằm tăng lượng nước tiểu và pha loãng nước tiểu tránh hiện tượng cặn đọng lại ở thận, bàng quang. Cần hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật. NCT nên vận động cơ thể đều đặn hàng ngày bằng các hình thức tập thể dục, đi bộ, bơi, chơi thể thao. Cần khám bệnh định kỳ để phát hiện những căn bệnh luôn rình rập ở NCT, trong đó có bệnh sỏi tiết niệu. |
Nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng để tránh sỏi tái phát cần được áp dụng trước khi quá trình tạo sỏi xảy ra nhằm...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn