Theo BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể chúng ta. Ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người.
Trong khi ngủ, cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ. Điều này cực kỳ cần thiết để cho cơ thể phát triển và thích nghi với môi trường sống.
“Trẻ mới sinh ra cần ngủ đến 20 giờ mỗi ngày nói lên tầm quan trọng của giấc ngủ đối với quá trình phát triển thể chất và tinh thần của chúng ta” – BS Thắng cho biết.
Về sinh lý giấc ngủ, theo BS Thắng, ở người trưởng thành trung bình mỗi ngày cần ngủ từ 7 - 8 giờ. Một giấc ngủ bình thường một đêm gồm khoảng 4 - 5 chu kỳ. Mỗi chu kỳ từ 90 - 120 phút lại bao gồm 5 giai đoạn.
Phân tích cụ thể theo khoa học, BS Thắng cho biết:
Giai đoạn I: Chiếm khoảng 5% thời gian, còn gọi là giai đoạn ru giấc ngủ. Giai đoạn này rất ngắn, chỉ kéo dài vài phút rồi chuyển sang giai đoạn II. Giai đoạn này được xem như giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ. Những kích thích ở giai đoạn này sẽ làm thức giấc ngay lập tức.
Giai đoạn II: Chiếm khoảng 50% thời gian, còn gọi là giai đoạn ngủ nông. Ở giai đoạn này tỉnh dậy khó khăn.
Giai đoạn III: Chiếm khoảng 5% thời gian, còn gọi là giai đoạn ngủ sâu. Ở giai đoạn này, các dấu hiện sinh tồn đều giảm như nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp. Hệ thống cơ xương khớp cũng giãn ra, trùng xuống.
Giai đoạn IV: Chiếm khoảng 25% thời gian, còn gọi là giai đoạn ngủ rất sâu. Các dấu hiệu sinh tồn đạt mức độ thấp nhất. Tỉnh dậy lúc này là rất khó. Miên hành có thể xuất hiện ở giai đoạn này. Ở trẻ em giai đoạn III và IV chiếm khoảng 50% nhưng ở người lớn và nhất là người lớn tuổi chỉ chiếm 15% đến 25%, cũng có thể mất và thay vào đó là giai đoạn ngủ nông.
Giai đoạn V: Chiếm khoảng 20 đến 25% thời gian, còn gọi là giấc ngủ nghịch thường. Sau khoảng 90 phút từ khi xuất hiện giai đoạn I, giai đoạn này người ngủ vẫn còn trong giấc ngủ sâu nhưng nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp đều tăng, ngược lại nhu động dạ dày và ruột thì giảm, trương lực cơ hoàn toàn mất.
Trong giai đoạn V này những giấc mơ xuất hiện. Kế tiếp giai đoạn giấc ngủ nghịch thường người ngủ sẽ thức dậy trong khoảng thời gian rất ngắn một vài phút rồi lại tiếp tục chu kỳ mới cho tới sáng.
“Như thế nếu một đêm ta ngủ 8 giờ thì giai đoạn I,II chiếm khoảng 4 giờ, giai đoạn III, IV 2 giờ và giai đoạn ngủ nghịch thường 2 tiếng. Ở những chu kỳ đầu bao giờ cũng ngủ sâu hơn, ở những chu kỳ sau càng về sáng giấc ngủ nghịch thường càng dài hơn. Đặc điểm này tiến triển theo lứa tuổi” – BS Thắng phân tích.
Ở người lớn tuổi, giấc ngủ của họ thường kéo dài thời gian giai đoạn I và II, nhưng lại giảm thời gian giai đoạn III - IV và ổn định của giấc ngủ nghịch thường. Người lớn tuổi cũng thường tăng số lần thức giấc trong đêm và họ hay ngủ gà ngủ gật ban ngày.
Ở góc độ Đông y, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Thầy thuốc nhân dân Phùng Đình Khánh, Hội Đông Y Việt Nam cho biết, trong 12 con giáp, 12 canh giờ, giờ Dần (3-5h sáng) là giờ sáng suốt, tỉnh táo nhất. Đó là giờ tâm tĩnh, thân trong, nên nhiều người lựa chọn cung giờ này để làm nhiều việc lớn.
Đối với những người làm khoa học, nghiên cứu, chữ nghĩa… việc thức giấc vào giờ này, sau một giấc ngủ sớm, sâu, sẽ đạt được trạng thái tinh tuý nhất.
Ngủ đủ 7 - 8 tiếng, người dậy lúc 5h sáng thì khoẻ, người dậy 9h sáng thì chỉ muốn nằm dài cả ngày?
Tuy nhiên, không phải ai cũng nên thức giấc vào lúc này. Trước hết, giấc ngủ vào thời điểm 3-4 giờ sáng rất sâu, rất ngon. Lúc này, nhiệt độ trái đất, nhiệt độ cơ thể đạt mức thấp nhất. Nếu thức giấc vào giờ này không cẩn thận lại có hại cho sức khoẻ. Do đó, nếu không có việc gì, không nên thức giấc vào giờ này.
Tốt nhất, theo Thầy thuốc nhân dân Phùng Đình Khánh, nên đi ngủ lúc 10h tối và thức giấc vào 5 giờ sáng. Trước thời gian này, không nên thức giấc.
“Với người già, thường khó ngủ, khó dậy muộn, nhiều người đến nhờ tôi khám thậm chí chỉ ngủ một đêm khoảng 2-3 tiếng. Nhưng việc thức dậy sớm, lại hoạt động ngay, đi bộ ngay khi nhiệt độ đang thấp cũng rất nguy hiểm. Nhiều người vì đi bộ, tập thể dục sớm quá đã bị đột quỵ, tăng huyết áp…” – Thầy thuốc Phùng Đình Khánh nói.
Về ý kiến cho rằng nên "khoả thân" khi ngủ, Thầy thuốc Phùng Đình Khánh không đồng tình quan niệm này. Theo ông, người già nên mặc quần áo mỏng khi đi ngủ, còn với lớp trẻ, ít nhất phải có quần áo lót, bởi cơ thể phải có một lớp bảo vệ, tự điều hoà nhiệt độ thân thể với môi trường có quạt, điều hoà. Nhiều người do thoát nhiệt đã bị đột tử.
Thầy thuốc Phùng Đình Khánh cũng khuyến cáo nên đắp một lớp chăn mỏng khi đi ngủ. Không nên đi tất chật ở chân, dù người đó có bị giá chân hay không. Đi tất chật sẽ làm khí huyết không lưu thông, vì khi ngủ, từ đầu tới chân thành một mặt phẳng. Đi tất sẽ bị co thắt mạch máu, tắc mạch bàn chân. Với người hay bị giá chân, nên đi một lớp tất da mỏng, thoáng.
Một giấc ngủ ngon và chất lượng là một giấc ngủ cần phải đáp ứng những yếu tố sau: Đảm bảo thời gian ngủ từ 7 đến 8 giờ theo sinh lý bình thường. Sau khi ngủ dậy cơ thể cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái, khỏe mạnh không còn cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ nữa, năng suất làm việc cao và không có những cơn ác mộng trong khi ngủ. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn