Một người chuyển giới mong muốn được phẫu thuật giới tính.
Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến về điều kiện đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo là một người muốn được can thiệp chuyển đổi giới tính phải từ 18 tuổi trở lên và phải độc thân.
300.000 người chuyển giới đang sinh sống
Trao đổi với PV về những nội dung này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế lý giải, mọi người cần phải hiểu rằng, người chuyển đổi giới tính "hiện đang không có vợ hoặc có chồng", người chưa kết hôn hoặc người đã li dị. Bởi khi còn nằm trong quan hệ vợ chồng theo pháp luật, việc chuyển đổi giới tính sẽ đi ngược lại quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Cụ thể, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (Việt Nam không cho phép kết hôn đồng tính), vợ (nữ), chồng (nam). Nam kết hôn với nữ và nữ kết hôn với nam, rất rõ ràng. Nếu người chồng muốn chuyển thành nữ thì quan hệ vợ chồng sẽ là nữ-nữ (vợ-vợ) và ngược lại.
“Sự thay đổi này còn tác động đến vấn đề văn hóa. Nếu cặp vợ chồng có con, khi cho phép chuyển giới, con chung của 2 người sẽ gọi người mới chuyển giới như thế nào cho phù hợp vì bố chuyển giới sang “mẹ” thì đứa trẻ biết gọi bằng gì”, ông Quang đặt vấn đề.
Cũng theo ông Quang, pháp luật trên thế giới không có nước nào cho chuyển đổi giới tính khi đang có vợ hoặc chồng.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000 người chuyển giới. Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng 2.000-3.000 người chuyển giới nữ đang sinh sống.
Tuy nhiên, các ca thực hiện chuyển giới này chủ yếu làm “chui” ở nước ngoài, với chi phí từ khoảng 30.000 USD cho việc chuyển đổi từ nữ sang nam và khoảng 35.000 USD cho việc chuyển đổi từ nam sang nữ.
Vì thế, Bộ Y tế đưa ra Dự thảo luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý để người mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính, bảo đảm họ nhận thức được đầy đủ, toàn diện về giới tính thật của mình và hậu quả có thể xảy ra, từ đó thực hiện quyền chuyển đổi giới tính một cách tự nguyện.
Phẫu thuật chuyển giới sẽ “đẽo gọt” 20 năm tuổi thọ
Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, theo Trung tâm ICS, trung bình mỗi năm tại TP.Hồ Chí Minh, có khoảng 24-30 người chuyển giới gặp các biến chứng hậu phẫu và phải quay ngược lại Thái Lan để thăm khám, và khoảng 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormorne, tiêm silicon..
Người phẫu thuật chuyển đổi giới tính sẽ có những hệ quả lâu dài về sức khỏe mà nhiều người sau đó ân hận đã không sửa đổi được nữa.
Người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hay ngược lại phải sử dụng hormone thường xuyên trong suốt cuộc đời, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tật cao, trong đó có ung thư.
“Tuổi thọ của họ cũng giảm khoảng 20 năm. Ngoài ra họ sẽ không bao giờ có con về mặt quan hệ thông thường. Vì không thể sống hòa hợp với thân phận giới tính mới nên nhiều người lại rất ân hận vì quyết định của mình”, ông Quang chia sẻ.
Thực tế một số người sau khi chuyển đổi giới tính chưa thích nghi kịp với nhiều thay đổi của cuộc sống mới và không thỏa mãn thật sự với giới tính mới dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử.
Vì thế, ông Quang khuyến cáo, trước khi chuyển đổi giới tính, các cá nhân cần tìm hiểu rõ giới tính mới để tránh trường hợp hối hận sau khi chuyển giới.
Nên sống thử với giới tính mong muốn một thời gian trước khi quyết định phẫu thuật. Chẳng hạn, một người nam muốn chuyển đổi giới tính sang nữ cần phải có thời gian sống thử với mọi hoạt động thường ngày của phụ nữ như mặc váy, tô son đánh phấn, đi giày cao gót...
Tương tự người nữ muốn chuyển thành nam cũng cần phải sinh hoạt như nam giới. Khi cảm thấy mình phù hợp với giới tính mong muốn mới quyết định nhờ y học can thiệp chuyển đổi. Ở Thái Lan, khoảng thời gian sống thử với giới tính mong muốn này thường là một năm.
“Nhiều người không hiểu tại sao chúng em cứ làm khổ mình khi sống trái với giới tính mà mình được sinh ra“.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn