Những khó khăn về vận chuyển rác thải rắn y tế ở bệnh viện đa khoa Khánh Hòa
Nguy cơ từ lưu trữ rác
Ngày 8/10, bác sỹ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hệ thống xử lý rác thải rắn y tế đặt tại bệnh viện vẫn đang tạm dừng, chưa lắp đặt máy do bị người dân phản đối. Hiện bệnh viện đang chở chỉ đạo của Sở Y tế và UBND tỉnh Khánh Hòa.
Theo bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2011-2014, đối với rác y tế thì bệnh viện tự xử lý bằng “nồi hấp dụng cụ” rồi hợp đồng đưa đi chôn lấp. Tuy nhiên, công nghệ này không phải là thiết bị chuyên dụng; không có nghiền cắt chất thải và khó xử lý chất thải theo tiêu chuẩn. Do đó, từ năm 2014 đến nay, bệnh viện thuê Công ty Việt Xanh (Bình Dương) đến thu gom.
Bà Huỳnh Thị Kim Loan, Điều dưỡng trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, cho biết, do đơn vị hợp đồng 2 ngày mới đưa một xe đến thu gom nên bệnh viện đã đưa số rác thải y tế vào kho lạnh (diện tích 25m2) để ướp lạnh, lưu trữ. “Cứ 2 ngày thì có 500-600kg rác thải y tế ở kho lạnh. Xe của đơn vị thu gom cứ tầm 9-11h sáng thì đến bệnh viện cân số lượng rác sau đó vận chuyển đi xử lý”, bà Loan cho biết.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, do chưa có hệ thống xử lý tiên tiến tại chỗ nên mỗi tháng tốn kém 200-250 triệu đồng cho việc thuê thu gom, xử lý. “Thay vì xử lý ngay thì không có vi khuẩn nào xâm nhập, phát triển được. Do 2 ngày mới đưa đi một lần nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan truyền sang môi trường sống”.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Để giải quyết thực trạng nói trên, trước đó Bộ Y tế đã đồng ý triển khai dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, với tổng mức đầu tư hơn 55 tỷ đồng (vốn vay ODA của ngân hàng thế giới là hơn 48 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh khoảng 7 tỷ đồng). Dự án có công suất xử lý 500kg/ngày (gồm 2 máy xử lý); cải tạo hệ thống xử lý chất thải lỏng công suất 900m3/ngày đêm…
Tuy nhiên, khi dự án đang khởi động xây nhà chứa rác thì hơn 60 hộ dân sống quanh bệnh viện đã có đơn kiến nghị tập thể, bày tỏ lo lắng dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường. Trước sự việc này, kể từ tháng 8/2016 đến nay, UBND TP Nha Trang đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với người dân để giải quyết các vướng mắc, giải thích cho người dân hiểu về hệ thống này. Theo nguồn tin chúng tôi, cuộc họp mới nhất vào cuối tháng 9 vừa qua, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, người dân vẫn đề nghị di dời hệ thống này ra khỏi khu dân cư.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Công Thiềm (68 tuổi, đường Quang Trung, TP Nha Trang), một người dân sống ở gần bệnh viện, chia sẻ: “Tôi đã tham dự cuộc đối thoại về hệ thống này. Nhiều người không đồng ý với hệ thống này chứ không phải riêng mình tôi. Vì dự án nằm gần khu dân cư nên ai cũng lo sẽ ô nhiễm về sau, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt”.
Theo ông Thiềm, người dân cho rằng nên đưa hệ thống xử lý này ra khu vực phía Bắc TP Nha Trang vì có quỹ đất rộng, ít dân cư. “Dù thế nào cũng phát tán ra ngoài, dù không mùi cũng ảnh hưởng, không ảnh hưởng trước mắt thì cũng ảnh hưởng lâu dài”, ông Thiềm bày tỏ.
Trao đổi với PV Dân trí vào ngày 7/10, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế dùng cho Bệnh viện đa khoa tỉnh này là thiết bị Sterilwave (do Pháp sản xuất) sử dụng công nghệ vi sóng, tích hợp máy cắt bên trong khoang xử lý. Đây là thiết bị xử lý chất thải rắn y tế hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường (thiết bị này không phải là lò đốt). “Thiết bị tự động xử lý chất thải rắn y tế thành chất thải tương tự rác thải sinh hoạt. Trong quá trình vận hành, không phát sinh khói, không phát sinh mùi, không phát sinh các chất thải thứ cấp gây ô nhiễm”, ông Minh nhấn mạnh.
Người dân lo lắng hệ thống sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, tại bệnh viện tỉnh này được đầu 2 máy xử lý (trong đó 1 máy dự phòng). Trong trường hợp nếu xảy ra hỏng hóc thì sẽ đưa máy dự phòng vào hoạt động, đảm bảo rác được xử lý liên tục.
“Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại dùng cho bệnh viện đa khoa tỉnh trước khi đưa vào sử dụng phải được chạy thử và kiểm định chất thải đầu ra. Sau khi kiểm tra đạt tất cả các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thiết bị mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng, vận hành”, ông Minh khẳng định.
Theo Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, hiện UBND tỉnh chưa có chỉ đạo về việc di chuyển hệ thống này đi khu vực khác. “Nếu đưa di nơi khác thì khi vận chuyển xe phải chạy lòng vòng, nếu không may vương vãi thì ảnh hưởng đến người tham gia giao thông”, ông Minh nêu thực trạng.
Được biết, ngoài bệnh viện tỉnh Khánh Hòa (2 máy), thì tại các bệnh viện ở TP Cam Ranh, huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa mỗi nơi đặt 1 máy. “Hiện tại các nơi đã làm gần xong, lắp đặt thiết bị và đang chạy thử, còn ở thị xã Ninh Hòa đã xét nghiệm đảm bảo đầu ra. Trước đó, ở tỉnh Long An đã triển khai hệ thống này khoảng 3 năm nay nhưng chưa hỏng hóc, không ảnh hưởng đến môi trường”, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa khẳng định.
Dự án triển khai ở gần 40 tỉnh, thành trên cả nước
Được biết, dự án nói trên thực hiện gần 40 tỉnh, thành trên cả nước theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó có Khánh Hòa. Theo Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, vị trí đặt thiết bị ở bệnh viện tỉnh Khánh Hòa cách nhà dân tối thiểu là 32m, đảm bảo được an toàn về môi trường.
Trong khi tại Pháp, toàn bộ các mẫu kiểm nghiệm cách 5m đều đạt quy chuẩn; tại Anh, toàn bộ các chỉ tiêu trong và ngoài 10m đều đạt tiêu chuẩn và không gây ô nhiễm không khí. “Vấn đề ở đây là người chưa hiểu, chưa đồng tình. Trong khi, ở bệnh viện tỉnh đặt 2 thiết bị và mỗi thiết bị chỉ 2m2, khoảng bằng cái máy giặt”, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho hay.
Viết Hảo
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn