Các nhà nghiên cứu từ Đại học Otago, New Zealand, đã tiếp nhận 41 bệnh nhân tiểu đường vào một thử nghiệm kéo dài 2 tuần. Theo các khuyến nghị hiện nay, tất cả các bệnh nhân được yêu cầu đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, một nửa được yêu cầu đi bộ ngay sau bữa ăn, trong khi nửa còn lại có thể đi bất cứ khi nào tùy thích.
Tất cả các đối tượng được trang bị máy đo tốc độ và các thiết bị để đo hoạt động thể lực và đường huyết. Kết thúc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu thấy nhóm đi bộ sau bữa ăn giảm đường huyết sau ăn nhiều hơn so với nhóm đi bộ tùy thích - sự khác biệt trung bình là 12%.
"Hầu hết kết quả này đến từ mức giảm 22% rất có ý nghĩa về đường huyết khi đi bộ sau bữa ăn tối, là lúc carbohydrate nặng nhất, và tiếp đó là thời gian ít vận động nhất", TS Andrew Reynolds, tác giả nghiên cứu giải thích.
Như được ghi nhận trong nghiên cứu, những lợi ích của mức giảm này không chỉ giới hạn ở bữa ăn tối, vì tập thể dục sau bữa ăn có thể giúp người bệnh "tránh phải tăng tổng liều insulin hoặc tiêm insulin thêm vào giờ ăn để giảm nồng độ glucose sau khi ăn ".
“Tăng liều insulin có thể đi kèm với tăng cân ở bệnh nhân tiểu đường týp 2, nhiều người trong số họ vấn đã thừa cân hoặc béo phì."
Mặc dù nghiên cứu này có quy mô nhỏ và sẽ cần xác minh thêm, song các tác giả hy vọng phát hiện này giúp hoàn thiện hơn nữa các hướng dẫn quản lý bệnh tiểu đường.
"Lợi ích của hoạt động thể chất sau bữa ăn gợi ý cần sửa đổi các hướng dẫn hiện hành để cụ thể hóa hoạt động sau bữa ăn, nhất là khi bữa ăn có lượng carbonhydrate lớn," các tác giả kết luận.
Tương tự như New Zealand, Hội tiểu đường Mỹ khuyên bệnh nhân tiểu đường nên tập thể dục ít nhất 30 phút một ngày, năm lần một tuần. Và tuy không nêu bật cụ thể lợi ích của tập thể dục sau bữa ăn, họ lưu ý rằng điều này có thể giúp những người bận rộn tìm ra thời gian để tập thể dục.
Cẩm Tú
Theo Medical Daily
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn