Hơn nữa, nhiều người có chiếc răng khôn mọc sát bên trong, nếu vệ sinh răng miệng không sạch sẽ dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nguy cơ sâu răng và ảnh hưởng đến các răng khác. Tuy nhiên, việc nhổ răng khôn phải có sự chỉ định của bác sĩ và ở các cơ sở y tế uy tín, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Mất ăn, mất ngủ vì chiếc răng
Vừa qua, anh Nguyễn Phúc An (26 tuổi, ở phố Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) phải ngậm ngùi bước sang tuổi mới với “món quà” đặc biệt là… chiếc răng khôn mới mọc. Theo anh An, trước sinh nhật 3 ngày, mỗi lúc đánh răng, anh lại thấy buốt khi đưa bàn chải vào phần hàm dưới bên phải. Soi gương thì thấy, phần lợi đó đang bị nứt ra và một chiếc răng mới đang “đùn” lên. Đến đêm cận ngày sinh nhật, anh trằn trọc không ngủ được vì chiếc răng bắt đầu gây đau nhức.
“Đêm ấy, tôi không tài nào ngủ được, cứ xoay qua xoay lại vì bị chiếc răng nó “hành”. Không nghĩ chồng bị đau răng, vợ tôi còn quay sang trêu, tưởng tôi háo hức đón bữa tiệc sinh nhật nên mất ngủ. Thật tình, chưa bao giờ tôi thấy mọc chiếc răng nào lại khó chịu như chiếc răng này. Cảm giác ê buốt, thậm chí sờ nhẹ bên ngoài má cũng thấy đau”, anh An than thở.
Anh An cho biết thêm, trong ngày sinh nhật, anh đã phải từ chối nhiều lời mời liên hoan của các bạn bè, đồng nghiệp vì đau răng không còn hứng thú ăn uống gì nữa. Cũng vì chiếc răng gây đau đớn nên anh đã có một bữa tiệc sinh nhật với khẩu phần đặc biệt là thức ăn mềm và loãng. Anh An nói: “Các cụ nói quả không sai, không cái khổ nào bằng bị đau răng. Cố ăn miếng bánh kem cho có không khí ngày sinh nhật mà cũng đau. Lúc ấy không chỉ ê ẩm chiếc răng mới mọc mà cả hàm dưới bên phải dường như bị cứng lại, không muốn nhúc nhích nữa. Đúng là một sinh nhật nhớ đời”.
Tìm hiểu trên các trang mạng, anh An được biết chiếc răng mới mọc của mình có thể nhổ bỏ. Tuy nhiên, anh vẫn chưa dám quyết định có đi nhổ hay không vì để lại hậu quả xấu. Anh bảo: “Bình thường răng lung lay, nhổ thì không sao. Đằng này, răng mới mọc mà đi nhổ cũng sợ. Hơn nữa, tôi nghe nói, sau khi nhổ răng cũng có nguy cơ biến chứng, có trường hợp tử vong nên vẫn đang phân vân chưa dám quyết định”.
Giống trường hợp của anh An, hơn một năm trước, chị Nguyễn Thu Hoài (ở Văn Lâm, Hưng Yên) cũng từng bị chiếc răng khôn “hành hạ”. Sau khi đã dùng các phương pháp dân gian như: Chườm đá, nhai hành tây, uống nước mía pha gừng... để giảm đau nhức nhưng không đem lại hiệu quả, chị Hoài quyết định đến bệnh viện khám và điều trị dứt điểm. Sau khi được bác sĩ chỉ định nhổ, chị đồng ý tiến hành phẫu thuật chiếc răng mà chị cho là phiền phức đó.
Chị Hoài chia sẻ: “Bác sĩ nói chiếc răng số 8 của tôi bị mọc lệch nên gây đau đớn. Nên nhổ đi để tránh ảnh hưởng đến răng số 7 và để lại hậu quả sau này. Tôi cũng nghĩ, mang tiếng là răng “khôn” mà chưa thấy khôn lên tí nào, chỉ thấy phiền phức, gây đau nhức mà thôi. Thế nên, nhổ đi là tốt nhất”.
Chị Hoài tiết lộ, chi phí để nhổ chiếc răng khôn của chị là 2,2 triệu đồng, chưa kể tiền mua thuốc. Sau khi nhổ, chị mất 1-2 tuần để uống và bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó, phần hố răng dần dần hồi phục. Từ đó đến giờ, chị không còn bị đau hay bất cứ triệu chứng nào từ chiếc răng đã nhổ gây nên cả.
Chỉ nhổ khi có sự chỉ định của bác sĩ
Chia sẻ về răng khôn, GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, hiện nay số lượng bệnh nhân đến khám và nhổ răng khôn khá nhiều. Trong đó, có nhiều bệnh nhân lệch cả mặt vì răng khôn mọc lệch nhưng kéo dài không được điều trị kịp thời. Theo GS.TS Trịnh Đình Hải, răng khôn thường mọc trong lứa tuổi 18 - 30. Việc răng này có gây hại hay không tùy thuộc vào hướng mọc của nó. Nếu khoảng cách từ răng số 7 đến phần cuối của xương hàm đủ chỗ cho răng khôn mọc thẳng bình thường sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong trường hợp không đủ chỗ, răng khôn buộc phải mọc lệch, mọc xiên hoặc mọc ngầm gây đau đớn và có thể để lại nhiều hậu quả nếu không được xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trịnh Đình Hải, việc có nhổ răng khôn hay không phải phụ thuộc vào sự chỉ định của bác sĩ. Theo đó, bác sĩ sẽ khám kỹ lưỡng để có cái nhìn tổng thể về sự phát triển và những thay đổi của hàm răng, từ đó đưa ra các quyết định với từng bệnh nhân cụ thể. Trong trường hợp răng khôn mọc lệch gây đau đớn, bác sĩ sẽ chỉ định nên nhổ vì thực chất, chiếc răng này cũng ít có tác dụng trong việc nhai thức ăn.
Ngoài ra, nhiều người có chiếc răng khôn mọc sát bên trong, nếu vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nguy cơ sâu răng và ảnh hưởng đến các răng khác. Răng mọc lệch, mọc ngầm chiếm đến 20% tỷ lệ tai biến các bệnh về răng hàm mặt. Nếu chỗ viêm lan rộng sẽ khiến một bên mặt sưng to, không há miệng được, không ăn uống được. Bệnh nhân còn có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau nhức cả vùng mặt. Không ít trường hợp biến chứng răng khôn đã dẫn đến hỏng cả răng số 7 và buộc phải nhổ cả 2 răng này.
Theo các chuyên gia, sau khi nhổ răng khôn, tình trạng chảy máu là điều khó tránh khỏi. Để làm giảm vấn đề này, bệnh nhân chỉ cần nhét chặt bông ở phần hổng của chiếc răng đã nhổ. Thay bông cho đến khi cầm máu thì dừng lại. Khoảng 2-3 ngày, phần răng đã nhổ có thể gây sưng và đau. Tình trạng này sẽ giảm dần nếu người bệnh dùng thuốc đầy đủ, đúng liều. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể bị sốt sau khi nhổ răng. Tuy nhiên, bệnh nhân không cần quá lo lắng về biểu hiện này. Điều người bệnh cần lưu ý là tránh để nhiễm trùng xung quanh chiếc răng mới nhổ, nguy cơ dẫn đến những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Các chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế những rủi ro do mọc răng khôn, khi có triệu chứng, người bệnh nên đến thăm khám sớm để được tư vấn về vệ sinh, chăm sóc, hoặc nhổ chiếc răng khôn sớm để tránh các biến chứng. Sau khi phẫu thuật nhổ răng khôn, bệnh nhân cần tuân thủ theo sự dặn dò của các bác sĩ để phần lợi sau khi nhổ nhanh chóng được phục hồi. Không nên súc miệng quá mạnh trong vòng 6 giờ sau khi nhổ răng. Không nhai thức ăn vào phần răng mới nhổ, tránh tình trạng thức ăn bám lại phần hố răng, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các vi khuẩn, gia tăng tình trạng viêm nhiễm. Sau khi nhổ răng, nên ăn thức ăn mềm trong khoảng 1-2 ngày đầu, không ăn đồ cứng, khó nhai và phải thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ tại ổ răng sau mỗi bữa ăn. Trong trường hợp tình trạng sưng, đau kèm sốt kéo dài, nên đến gặp chuyên gia nha khoa để được tư vấn hướng xử lý kịp thời.
Mất mạng vì nhổ răng khôn
Theo tin trên tờ Daily Mail, năm 2015, một nữ sinh 17 tuổi, người Mỹ đã tử vong sau khi nhổ răng khôn. Cụ thể, sau khi tiến hành nhổ chiếc răng số 8, huyết áp của nữ sinh này đột nhiên tăng cao, nhịp tim giảm. Các nha sĩ đã lập tức chuyển cô lên một bệnh viện lớn để thực hiện các biện pháp cấp cứu, tiến hành phẫu thuật đặt ống dẫn trong não của bệnh nhân nhằm giảm tích nước và sưng. Tuy nhiên, tình hình của cô gái vẫn tiếp tục xấu đi và tử vong sau đó vài giờ. Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô gái có thể là do cơn suy tim sau quá trình can thiệp nhổ chiếc răng khôn của cô gái trẻ này.
Mai Thùy
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn