Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân được chuyển đến viện chiều 7/10 trong tình trạng tỉnh táo, da xanh, niêm mạc nhợt, mạch quay tai trái không bắt được. Vết thương ở tay trái đã được băng ép, cầm máu.
Nguyên nhân mất máu do mảnh kính sắc lẹm đã cứa đứt rời động mạch cánh tay trái. May mắn bệnh nhân này đã được sơ cứu cầm máu tại y tế cơ sở.
Qua thăm khám, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân có vết thương mạch máu cánh tay trái và tiến hành mổ cấp cứu ngay để xử trí thương tích. Ca mổ do bác sĩ hai khoa Phẫu thuật mạch máu và Phẫu thuật tạo hình cùng tiến hành.
Các bác sĩ đã phát hiện các tổn thương nguy hiểm do kính sắc gây ra, bệnh nhi bị đứt rời động mạch cánh tay, đứt rời dây thần kinh giữa, gân cơ nhị đầu, thấu khớp khửu (bên trái). Kíp phẫu thuật đã tiến hành nối động mạch, thần kinh dưới kính vi phẫu, nối gân cơ, khâu bao khớp. Sau mổ, bệnh nhân ổn định, tay hồng ấm, mạch quay bắt rõ.
Trước đó tại Hà Nội, chỉ trong ba ngày từ 23/9 đến 25/9 đã có hai người chết vì mất máu trầm trọng do tai nạn tương tự, liên quan đến xe chở tấm tôn cồng kềnh trên đường phố. Trong đó có trường hợp cháu bé 8 tuổi đi xe đạp va vào xe chở tôn, tấm tôn mỏng, sắc đã cứa đứt động mạnh cảnh cổ khiến nạn nhân mất máu nhanh chóng, khi đưa vào bệnh viện đã không thể cứu sống vì sốc mất máu.
TS Dương Đức Hùng, BV Bạch Mai cho biết, các tai nạn do vật sắc nhọn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, từ mảnh tôn, kính cửa vỡ. Do tính chất sắc nhọn nên gây vết thương sâu, cắt đứt mạch máu của động mạch rất nhanh sẽ gây mất máu cho người bệnh.
Trung bình cơ thể người lớn có khoảng 4-5 lít máu. Mỗi một nhịp tim máu sẽ được đẩy đi khoảng 50-60ml, do đó nếu bị tổn thương về mạch máu (đặc biẹt ở động mạch cảnh 2 bên cổ) mà không được sơ cứu kịp thời, thì chưa đến 2 phút sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Để đưa bệnh nhân đến viện trong thời gian ngắn ngủi đó là không tưởng. Vì vậy, những người có mặt tại hiện trường tai nạn cần làm mọi cách để cầm máu cho bệnh nhân càng nhanh càng tốt trước khi đưa đi cấp cứu. Việc sơ cứu cầm máu này có ý nghĩa quyết định sự sống - chết của bệnh nhân. "Đừng vì suy nghĩ, có 10 phút đến viện mà ôm người bị nạn lên xe chở đi luôn, mà hãy bình tĩnh sơ cứu. Khi đã cầm được máu, vết thương chảy máu chậm hơn, người bệnh sẽ có cơ hội sống nhiều hơn", TS Hùng nói.
Khi gặp phải nạn nhân có tổn thương, vết cắt vào mạch máu, người dân có thể dùng bất cứ mảnh vải nào (có thể dùng áo, khăn, hoặc một sấp giấy) để áp chặt vào vết thương, buộc chặt phía trên vết thương và quan sát xem máu có chảy hay không. Nếu máu vẫn chảy có nghĩa là sự sơ cứu chưa thành công.
Riêng hai mạch cảnh ở cổ thì việc băng gạc phải rất cẩn thận vì có thể làm bệnh nhân ngạt thở trước khi sốc mất máu. Khi đó, người dân nên đặt 1 que ở phía đối diện vết thương và băng chặt, điều này có thể tạo khe hở để bệnh nhân không ngạt thở. Cũng có thể dùng ngay bàn tay của bệnh nhân đặt trên vết thương và băng. Sau đó cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu lại đúng cách, không nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế quá xa, gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.
Hồng Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn