Sau 8km đi bằng xe cấp cứu, bệnh nhi phải di chuyển bằng ca nô của lực lượng quân sự huyện An Lão để chuyển viện
Sáng 1.12, bé Nguyễn Thiện Minh (4 tháng tuổi, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) được gia đình chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm y tế (TTYT) huyện An Lão trong tình trạng khóc liên tục. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bé Minh bị lồng ruột, phải phẫu thuật gấp nhưng điều kiện trung tâm y tế địa phương không cho phép và cần phải chuyển viện khẩn cấp xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn (cách gần 32km).
Tuy nhiên, thời điểm chuyển viện, nước lũ gây ngập nhiều khu vực ở huyện An Lão. Tuyến đường từ huyện An Lão đi qua địa phận huyện Hoài Ân để tới Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn có cả chục điểm ngập, nhiều nơi bị ngập sâu gần 2m.
Chuyển bệnh nhi đi cấp cứu trong lũ dữ
Xác định bệnh nhi đang nguy hiểm đến tính mạng, ca trực cấp cứu của TTYT huyện An Lão nhanh chóng chuyển bé Minh lên xe cấp cứu để bắt đầu hành trình chuyển viện. Cùng đi trên xe có cha mẹ, cậu ruột bé Minh và anh Phạm Văn Thuần, điều dưỡng trưởng, khoa Cấp cứu hồi sức TTYT huyện.
“Sáng qua, trực điều dưỡng khoa cấp cứu hồi sức không phải ca của tôi mà một điều dưỡng nữ. Tuy nhiên, trước diễn biến mưa lũ phức tạp, đoạn đường chuyển viện nhiều nơi bị ngập sâu, chia cắt nên tôi ý kiến lãnh đạo trung tâm xin đi thay điều dưỡng nữ và được đồng ý”, điều dưỡng Thuần cho hay.
Trước khi xe cấp cứu lăn bánh, lãnh đạo TTYT gọi điện báo cáo Chủ tịch UBND huyện An Lão về trường hợp chuyển bệnh nhi trong nước lũ. Sau đó, UBND huyện điều động lực lượng cứu hộ cùng phương tiện túc trực tại các điểm ngập để sẵn sàng chuyển bệnh nhi bằng ca nô.
Theo điều dưỡng Thuần, 8h40 ngày 1.12, xe cấp cứu xuất phát và chạy được 8km, đến khu vực suối Bà Nhỏ (thôn Trà Cong, xã An Hòa, huyện An Lão) đường bị ngập hơn 1,5m, ô tô không thể đi được. Lúc này, ca nô của lực lượng quân sự huyện An Lão đã tức trực tại điểm ngập và chuyển bệnh nhi vượt khoảng 8km trong lũ dữ.
“Trong 8km này chúng tôi phải vừa đi bằng ca nô vừa phải đi bằng thuyền nan. Nhiều khu vực nước chảy siết và cạn, ca nô không đi được nên phải di chuyển bằng thuyền nan”, điều dưỡng Thuần cho hay.
Nhiều khu vực nước chảy siết và cạn, ca nô không di chuyển được nên bệnh nhi được chuyển bằng thuyền
Đến khu vực hết ngập nước (địa phận giáp ranh huyện An Lão và huyện Hoài Ân), bệnh nhi cùng người nhà và điều dưỡng được một xe khách 16 chỗ chạy tuyến Quy Nhơn – An Lão đang bị kẹt trong nước ngập chở, tiếp tục hành trình chuyển viện. Tuy nhiên, xe này chạy được khoảng 3km, đến địa bàn xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân đường bị ngập sâu, phương tiện này phải dừng lại. Người nhà bệnh nhi cùng điều dưỡng Thuần phải lội bộ trong nước.
“Chúng tôi lội nước mà như chạy bộ trên đường khô ráo vậy. Vừa lội nước, vừa cầm bình truyền dịch đang truyền cho bệnh nhi và phải chạy đua với thời gian vì lúc này bệnh nhi mệt, có dấu hiệu xấu” điều dưỡng Thuần cho hay.
Lần chuyển bệnh nhân cấp cứu lịch sử
Sau gần 1km lội bộ trong nước ngập trên đường, bệnh nhi được một người dân tốt bụng ở xã An Hảo lấy xe tải chở xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn.
“Nước ngập tứ bề, trắng xóa cả đoạn đường. Ngồi trên xe tải ai cũng lo sợ. Riêng mẹ bệnh nhi thì liên tục khóc, tôi phải trấn an chị rằng cháu sẽ được cứu”, điều dưỡng Thuần kể tiếp.
Di chuyển được khoảng 4km, đến khu vực xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) đường ngập sâu gần 2m, xe tải không thể chạy được.
Và tiếp đến bệnh nhi được chuyển viện bằng xe tải
Thời điểm này, lãnh đạo UBND huyện An Lão đã gọi điện thông báo với lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân về trường hợp chuyển bệnh nhi trên con đường ngập nước nhờ hỗ trợ. Ngay khi tiếp nhận, lực lượng cứu hộ huyện Hoài Ân cùng ca nô trực tại khu vực ngập sâu để chuyển bệnh nhi.
“Khu vực này là ngập nặng nhất. Nước lũ chảy rất siết, ca nô có thể bị lật bất cứ lúc nào. Hơn 32 năm làm trong ngành y nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia chuyển bệnh nhân vượt trong lũ dữ như thế này. Ca chuyển cấp cứu lịch sử trong nghề của tôi”, điều dưỡng Thuần cho biết.
Vượt hơn 2km trong lũ, ca nô đã đưa bệnh nhi cùng người nhà đến khu vực cầu bến Muồng, xã Ân Mỹ. Lúc này, xe cấp cứu của Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn đã có mặt nhanh chóng chuyển bệnh nhi vượt quãng đường gần 6km còn lại không bị ngập nước về bệnh viện. Bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn vào lúc 13h30 cùng ngày, sau hành trình gần 32km trong lũ.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, sau khi thăm khám, bệnh nhi có dấu hiệu bị hoại tử ruột nên được chuyển cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn và được các bác sĩ phẫu thuật sau đó.
Hiện tại sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và đang chờ ngày xuất viện.
Do mưa lũ trong những ngày qua nên trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 4 người chết gồm: Phan Hồng Kiệt (32 tuổi, ngụ huyện An Lão), Võ Văn Sượt (48 tuổi, ngụ huyện Hoài Nhơn), Nguyễn Thị Hoa ( 43 tuổi, ngụ xã Cát Tài, huyện Phù Cát) và Trần Thị Lệ Thủy (14 tuổi, ngụ huyện Tây Sơn). Ngoài ra, còn có 3 người khác bị thương do mưa lũ gây ra. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn