Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cả mẹ và con, bữa ăn của người mẹ phải đa dạng, số lượng thức ăn đầy đủ, cân đối và có giá trị dinh dưỡng (ưu tiên thức ăn có nhiều protein và canxi).
Chế độ chăm sóc và chế độ dinh dưỡng của bà mẹ để đảm bảo đủ sữa cho con bú và phục hồi nhanh sức khỏe sau sinh cần chú ý như sau:
Nghỉ ngơi tại giường
Sau khi sinh, người mẹ cần nghỉ ngơi tại giường trong 1 ngày đầu, những ngày sau có thể dậy và đi lại nhẹ nhàng và sau 1 tuần có thể làm việc nhẹ nhàng. Cho trẻ bú sớm trong vòng 30 phút sau khi sinh, bú sớm giúp sữa mau về, giúp co hồi tử cung, mẹ đỡ chảy máu. Giữ vệ sinh cá nhân sau sinh cũng rất quan trọng: vệ sinh vùng kín bằng nước sôi để nguội (ấm), lau người thay quần áo mỗi ngày, sau 1 tuần tắm bằng nước ấm cho sạch sẽ, thoải mái. Ăn đủ chất dinh dưỡng, không ăn kiêng khem, uống nhiều nước hoa quả để chống táo bón.
Về dinh dưỡng
Theo bảng nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về năng lượng hàng ngày cho phụ nữ sau sinh cho con bú, năng lượng khẩu phần cần đạt là 2.550Kcal/ngày, vì bữa ăn đạt đủ năng lượng sẽ đảm bảo lượng sữa được tiết đủ cho con. Theo dân gian có một số thức ăn lợi sữa, đó là những thức ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp cho phụ nữ sau sinh phục hồi sức khỏe và cung cấp chất dinh dưỡng để tạo sữa cho con bú như: cháo móng giò (móng giò hầm với gạo nếp đậu đen hay đậu xanh), ăn cơm nếp với thịt gà, canh đu đủ xanh nấu với thịt gà,... thực chất những món ăn này là cung cấp thêm năng lượng từ gạo và thêm đạm động vật đảm bảo bổ sung dinh dưỡng đủ cho bà mẹ tiết sữa.
Sau khi sinh, bà mẹ cần được nghỉ ngơi và chăm sóc đặc biệt để phục hồi sức khỏe và nuôi con bú.
Ngoài cơm (và các lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn cho bà mẹ cho con bú cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo giúp cho việc tạo sữa và duy trì sức khỏe. Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng, lạc. Đây là những thức ăn có giá rẻ hơn thịt nhưng có lượng đạm cao, lại có lượng chất béo nhiều giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong dầu. Chất đạm động vật như: thịt các loại, trứng, sữa, cá, tôm, cua,... Theo nhu cầu lượng protein là 70-80g/ngày, protein động vật/protein tổng số ≥ 35%. Số lượng protein có thể ước tính là 100g thịt/cá cung cấp khoảng 20g protein, 100g đậu phụ cung cấp 10g protein. Chất béo cần cung cấp 25-30% năng lượng khẩu phần, nên dùng các chất béo không no có nhiều nối đôi có nhiều trong rau xanh, một số dầu thực (dầu cá, ô lưu,..), một số loại cá béo. Chất béo rất quan trọng cho sự phát triển trí não và thị lực của trẻ. Hàng ngày nhu cầu lipid của bà mẹ cho con bú là từ 55-65g/ngày, tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng số là 60%.
Vitamin và chất khoáng
Vitamin và chất khoáng rất cần thiết với bà mẹ cho con bú. Ngoài việc bổ sung thông qua bữa ăn hàng ngày bằng các thực phẩm giàu vi chất như: canxi, vitamin D, sắt, kẽm... Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá và sữa. Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, các loại nhuyễn thể, trong ngũ cốc, đậu đỗ các loại và vừng lạc. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, hải sản. Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém. Sữa, gan, trứng... là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng được hấp thu và dự trữ trong cơ thể. Các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ, là những thức ăn có nhiều caroten còn gọi là tiền vitamin A, vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A. Ăn đa dạng các loại thực phẩm, thay đổi món ăn thường xuyên, nhiều loại thức ăn, bữa ăn sẽ có đủ các vitamin và chất khoáng. Bà mẹ cho con bú cần uống 1 liều vitamin A 200.000UI trong vòng một tháng sau sinh để đảm bảo cung cấp vitamin A qua sữa.
Tóm lại, hàng ngày bà mẹ cho con bú cần lượng thực phẩm bao gồm: ngũ cốc 450-500g, trứng 40-50g, đậu và chế phẩm từ đậu 50-100g, cá và thịt từ 80-100g, rau từ 300-400g, hoa quả từ 100-200g, dầu mỡ 20g. Một ngày, nên ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ, hạn chế ăn đồ nướng và rán. Người mẹ cần uống nhiều nước từ 2,0-2,5 lít/ngày (8-10 cốc) để lượng sữa tiết ra nhiều hơn (trên 85g nước trong 100ml sữa mẹ) nên dùng sữa, nước trái cây, nước rau luộc, nước đun sôi để nguội. Trong thời gian nuôi con bú, hạn chế uống nước trà, nước ngọt có ga, rượu, cà phê, các loại gia vị (hành, tiêu, ớt, tỏi,...). Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo lắng, buồn phiền, giận dữ, mất ngủ. Khi cho con bú, nếu phải dùng thuốc phải hỏi ý kiến của thầy thuốc, không được tự động dùng thuốc vì có thể nguy hại cho con và có thể làm cạn nguồn sữa.
Cây mít rất thân thuộc với người Việt Nam. Trái mít giàu dinh dưỡng, các bộ phận của cây mít, trái mít nếu biết sử...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn