Khi ăn quả cherry nhất thiết phải bỏ hạt tránh ảnh hưởng sức khỏe . Ảnh: T.G
Suýt tử vong vì hạt quả cherry
Mới đây ông Matthewa Crème sống tại Blackpool (Anh) đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn 3 nhân của hạt anh đào (cherry). Theo như nạn nhân kể, sau khi
ăn anh đào, anh đã làm vỡ hạt bên trong quả. Nhìn thấy trong hạt là lớp nhân có kết cấu và mùi vị giống hạnh nhân, anh nghĩ rằng đây là loại hạt có thể ăn được và anh ăn thêm hai hạt nữa. Chỉ sau 10 phút, anh bắt đầu cảm thấy đau đầu, cơ thể nóng lên, hôn mê… người nhà nhanh chóng đưa anh đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng. Theo bác sĩ, anh bị ngộ độc do ăn hạt cherry.
Trước thông tin này, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, quả cherry về cơ bản rất có lợi cho sức khỏe chứ không độc. Thủ phạm chính gây ra ngộ độc không phải là phần thịt quả cherry mà là hạt cherry và lá. Hạt cherry thuộc top 10 thực phẩm độc hại chúng ta hay ăn. Trong Đông y, hạt anh đào có tính ấm, hơi độc vẫn được sử dụng để chữa trị một số bệnh có tác dụng giải độc, thúc sởi mọc, phát hãn, bài nùng, tan nhọt. Tuy nhiên, chỉ được dùng ngoài, nếu uống trong phải bào chế cẩn thận. Chẳng hạn chữa mụn nhọt, hạt bắt buộc phải mài với giấm rồi mới được bôi.
Theo các nhà nghiên cứu, trong hạt cây cherry có chứa cyanogenic hoặc cyanide-forming glycosides có thể hình thành amygdalin khi nhai chúng. Đây là hợp chất khi vào hệ tiêu hóa sẽ thành cyanua hydrogen. Chất xyanua là loại chất độc hại thường dùng trong công nghiệp, tuy nhiên nó cũng xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm người dân thường dùng như măng hay sắn. Chất này được hấp thu nhanh vào cơ thể, ức chế rất nhanh, mạnh với hô hấp tế bào và có thể gây tử vong.
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), ngộ độc cherry chỉ xảy ra khi nhai vỡ hạt. Trong trường hợp nuốt phải một vài hạt cherry cũng sẽ không gây ngộ độc. Khi bị nghiền nát, nhai, hoặc thậm chí bị trầy xước thì mới sản sinh axit prussic (hydrogen cyanide) một chất cực độc đối với cơ thể con người.
Khi ở liều thấp, nó gây mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, choáng váng,… Nặng hơn có rối loạn ý thức, hôn mê, ngừng thở, tụt huyết áp, co giật. Các triệu chứng xuất hiện nhanh sau khoảng 30 phút ăn. Còn ở liều cao, chất độc này làm rối loạn hô hấp, hạ huyết áp, đau đầu, hôn mê, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nếu được điều trị sớm, kịp thời sẽ không để lại di chứng.
Ngoài loại hạt quả cherry, một số loại quả giàu giá trị dinh dưỡng nhưng nếu ăn hạt cũng sẽ nguy hại như hạt táo, lê, mận… Để đảm bảo an toàn, khi ăn cần loại bỏ hạt. Với trẻ nhỏ, tốt nhất người lớn nên loại bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn vì chúng thường tò mò dễ nuốt hoặc cắn vỡ hạt…
Lợi ích từ quả cherry
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết, quả anh đào có vị ngọt, tính ấm là một trong những loại thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa. Ngoài ra, nó còn chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng như chất xơ, kali, đồng, magiê cũng như mangan, sắt, canxi, kẽm và phốt pho nên rất tốt cho sức khỏe.
Lượng vitamin A trong quả anh đào gấp 20 lần trong quả việt quất hoặc dâu Tây. Ngoài ra quả cherry còn chứa beta-carotene-vitamin đặc biệt rất có lợi cho hệ miễn dịch, thị lực và làn da. Làm cho giấc ngủ sâu vì trong quả có chứa chất melatonin, một loại hormone có vai trò điều chỉnh quá trình thức - ngủ, giúp điều hòa giấc ngủ. Người ta thường uống 01 ly nước ép cherry không đường vào buổi sáng và tối để giải quyết tình trạng mất ngủ.
Các anthocyanidin trong cherry có tác dụng ức chế hoạt tính của men xanthine oxydase (men can thiệp vào tiến trình tạo axit uric trong cơ thể). Các thử nghiệm lâm sàng ghi nhận: Dùng mỗi ngày 200g cherry có tác dụng rất hữu hiệu để làm giảm axit uric trong máu giúp bệnh nhân bị gout giảm các cơn đau.
Ngoài ra, loại quả này cũng có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường vì trong quả cherry chứa chất anthocyanidin có thể làm tăng insulin. Hoạt chất này có tác dụng chuyển hóa gluxit, gluco có trong máu nên dễ ràng giảm thiểu hữu hiệu các dấu hiệu gây ra bệnh tiểu đường.
Tuy cherry có rất nhiều lợi ích nhưng lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo, mọi người không nên ăn quá nhiều một lúc. Ăn quá sẽ không tốt có thể dẫn tới tình trạng đầy hơi. Lượng dùng một ngày nên khoảng 200g.
Để mua được quả cherry đúng là hàng nhập khẩu, người tiêu dùng cần mua ở những nơi chứng minh được nguồn gốc nhập khẩu qua giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm , có ghi rõ ngày tháng lô hàng xuất đi từ nước nào và đến thành phố nào. Khi chọn, mọi người nên tránh quả mềm, dập hoặc ủng. Loại quả chất lượng có màu đỏ tươi, đỏ thẫm và cuống màu xanh. Cũng nên tránh những quả cứng và nhỏ vì thường ít nước và ít mùi thơm.
Hiện nay, trên thị trường thường xuất hiện loại cherry đội lốt hàng “xịn” khiến người tiêu dùng khó phân biệt được thật giả. Theo những nhà chuyên cung cấp cherry nhập khẩu thì cherry nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Australia có vỏ ngoài sáng bóng, màu đỏ sẫm hoặc đỏ tươi, trái rất chắc, phần cuống còn màu xanh, mọng nước, nhưng không mềm nhũn, ăn rất giòn có vị ngọt thanh dịu. Ngược lại, cherry Trung Quốc có màu đỏ tươi nhưng nhạt, cầm vào quả thấy mềm. Khi ăn sẽ thấy nhũn, vị hơi chua.
Món ăn, thức uống, bài thuốc có anh đào: - Phòng ngừa và làm giảm viêm khớp, gout hiệu quả: Quả anh đào 200g. Ăn hoặc ép nước chia uống trong ngày. - Chống ôxy hóa và phòng ung thư: Quả anh đào (tùy dùng). Ăn hoặc ép nước, chia uống trong ngày. - Giúp ổn định tim mạch, tiểu đường: Quả anh đào (tùy dùng). Ăn hoặc ép nước chia uống trong ngày. - Chữa đau bụng kinh, tắc kinh: Rễ cây anh đào. Sắc uống. - Chữa bỏng: Quả anh đào tươi. Giã, ép lấy nước bôi đắp vết bỏng. - Trị giun đũa: Rễ cây anh đào 10-20g. Sắc uống. - Chữa rắn và côn trùng cắn: Lá cây anh đào, rượu. Giã, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp vết thương. - Chữa mụn nhọt: Hạt anh đào, mài với giấm (bắt buộc) rồi mới được bôi. Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng |
Không chỉ thơm ngon, ngọt, quả dứa còn chứa rất nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, nhưng không phải ai ăn dứa cũng tốt.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn