Lần đầu tiên sau 41 năm, nữ ca sĩ Khánh Ly mới thật sự thực hiện một đêm nhạc riêng dành cho khán giả TP HCM mang tên Khánh Ly – Live concert in Sài Gòn.
Nếu Đà Lạt là vùng đất đưa đến cuộc gặp định mệnh của ca sĩ Lệ Mai (Khánh Ly) với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì Sài Gòn là nơi để tên tuổi Khánh Ly thật sự được đóng dấu trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Vì thế, Sài Gòn luôn là nơi mà ca sĩ Khánh Ly luôn mong muốn trở về . Dẫu trở về với Sài Gòn đã thay đổi, nhưng như ca sĩ này chia sẻ: “Dù không đi lại những con đường xưa, ghé những nơi chốn cũ bởi đã hơn 40 năm, mình cũng thay đổi huống chi cỏ cây, gỗ đá… Nhưng về tới Sài Gòn tôi lại chỉ nhớ ông Trịnh Công Sơn bởi ông Sơn là người “truyền” cho tôi tình yêu với vùng đất này, với tôi như vậy đã là rất đủ. Và bên cạnh ông Sơn bây giờ còn có tấm lòng của người Sài Gòn với mình, đó là điều đáng quý lắm!”.
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn khi ông còn sống
Đêm nhạc sẽ được chia làm ba phần. Phần đầu tiên với chủ đề Hoài niệm sẽ là những tiết mục đóng đinh Khánh Ly trong lòng khán giả, đó là những nhạc phẩm Trịnh Công Sơn thuở Khánh Ly là “nữ hoàng chân đất”. Như ca sĩ Khánh Ly chia sẻ: “Tôi ước mơ được trở về nơi tôi bắt đầu. Tức ngày xưa tôi bắt đầu nhỏ nhoi như thế nào tôi sẽ trở về như vậy, ngày xưa Sài Gòn là nơi tôi đã khởi nghiệp bằng những gì nhỏ nhoi, giản dị, bình thường nhất nên tôi muốn trở lại như thế. Vì tôi cũng nhỏ nhoi như thế, tôi chỉ là hạt cát, hạt bụi của Sài Gòn thôi chứ không có gì lớn lao. Tôi không có gì đặc biệt hơn ai”.
Phần Hoài niệm sẽ là những ca khúc khi Khánh Ly cất lên, người nghe chẳng cần giới thiệu sẽ cũng biết đó là ca khúc gì, và Khánh Ly chính là người đặt dấu ấn cho ca khúc đó. Đó là những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Diễm xưa, Hạ trắng, Như cánh vạc bay, Tuổi đá buồn, Dấu chân địa đàng, Ở trọ…
Sài Gòn với ca sĩ Khánh Ly còn là những ký ức nho nhỏ nhưng dễ chịu: “Người ca sĩ có thể khóc ngay trên sân khấu vì bài hát đã chạm đúng mối thương tâm của họ. Người ca sĩ có thể gặm một khúc bánh mì Bưu Điện, có thể ngồi xuống lề đường ân tô cháo trắng hột vịt muối hoặc dưa mắm, có thể lần mò tới chợ Đa Kao ăn dĩa cơm tấm, có thể ngừng xe đường Duy Tân uống một trái dừa, ghé xe nước mía là một ly hoặc bò vào Nguyễn Tri Phương ngồi trên những chiếc ghế lè tè sát mặt đất ăn nghêu, sò, ốc, hến”.
Sài Gòn trong ký ức ca sĩ Khánh Ly , các ca sĩ thế hệ thời đó lẫn trên những trang sử sách còn là một phần đất nước trong giai đoạn chiến tranh. Vì lẽ đó, phần thứ hai của Khánh Ly - Live concert in Sài Gòn sẽ mang chủ đề Mẹ và quê hương Việt Nam. Đây sẽ là cụm những ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Người già em bé, Ca dao mẹ, Xin cho tôi, Chờ nhìn quê hương sáng chói…
Và phần cuối cùng của đêm nhạc mang chủ đề Tình yêu – Tình người là những ca khúc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Lam Phương, Vũ Thành An, Nguyễn Ánh 9, Anh Bằng... Điều đặc biệt của phần này chính là màn đệm đàn của nhạc sĩ Nguyễn Quang con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 để ca sĩ Khánh Ly hát bản Tình khúc chiều mưa. Đây là lần đầu tiên nhạc sĩ Nguyễn Quang đệm đàn cho ca sĩ Khánh Ly hát kể từ ngày cha anh – nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời. Phần Tình yêu – Tình người cũng là phần nhạc đánh dấu ca sĩ Khánh Ly trình diễn liên khúc tango gồm: Bài tango dĩ vãng (Anh Bằng) và Bài tango cho em (Lam Phương).
Cùng chia sẻ tình yêu với mảnh đất Sài Gòn trong đêm nhạc Khánh Ly - Live concert in Sài Gòn còn có sự góp mặt của các ca sĩ khách mời: Ý Lan, Hồng Nhung, Quang Dũng, Quang Thành và Hồ Ngọc Hà.
Khánh Ly sẽ tự làm người dẫn trong liveshow của bà
Xuyên suốt liveshow sẽ không có MC mà người dẫn chuyện chính là ca sĩ Khánh Ly. “Chính ca sĩ Khánh Ly sẽ kể câu chuyện cuộc đời mình thông qua âm nhạc. Từ cuộc đời dấu ấn thuở “chân trần” cho đến thập niên 1970 và quãng đời âm nhạc sau này. Không có ai kể cuộc đời mình hay hơn chính người đó, và với những đêm nhạc Khánh Ly thì không ai có thể dẫn chuyện hay bằng chính cô. Bởi cô luôn có những kỷ niệm riêng biệt với ca khúc mình hát, với ca sĩ mà mình song ca”, nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ.
Chương trình sẽ gồm 30 tiết mục trong đó phần biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly sẽ là 18 tiết mục. Các ca sĩ khách mời ngoài màn song ca cùng Khánh Ly mỗi người chỉ hát thêm một bài. Riêng phần thiết kế sân khấu cũng là điều làm đau đầu ban tổ chức. Bởi sân khấu cho đêm nhạc với giọng ca Khánh Ly, nếu làm không khéo sẽ dễ bị rơi vào nhàm chán, nhưng “chiêu trò” quá mức thì càng không phù hợp. Đạo diễn Thái Huân, phụ trách đạo diễn chương trình cho biết:
“Phần thiết kế sân khấu sẽ được tối giản để giữ đúng chất mộc mạc như chính dòng nhạc và phong cách của ca sĩ Khánh Ly. Sân khấu hoàn toàn không dùng màn hình LED trình chiếu hình ảnh minh họa và hạn chế tối đa việc dùng kỹ xảo. Điểm nhấn của sân khấu là một hình ảnh thân cây lớn giữa không gian mang dáng vẻ rừng núi như ngụ ý rằng đây là đỉnh cao của Khánh Ly, của âm nhạc và của các nhạc sĩ trong chương trình. Và cũng tuỳ vào ca khúc, sự xuất hiện của khách mời mà “khu rừng” này có thêm nhiều cây phía sau như một sự tiếp nối và không đơn độc của Khánh Ly trong hành trình âm nhạc của cô”.
Lý giải về việc tại sao không chọn Nhà hát TP.HCM hay Nhà hát Hoà Bình mà lại chọn Nhà thi đấu Quân khu 7 cho đêm nhạc Khánh Ly, đạo diễn Thái Huân, cho biết: “Sân khấu của Nhà thi đấu quân khu 7 là nhà hát bên trong chứ không phải sân vận động. Mặt sân khấu rộng và thoáng để khán giả ngồi bất cứ vị trí nào cũng có thể xem tốt buổi diễn. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn mong muốn đêm nhạc sẽ có giá vé thấp hơn để đến với công chúng rộng yêu thích giọng ca Khánh Ly. Vì thế Nhà thi đấu Quân khu 7 hiện là nơi có thể khán giả có vị trí xem tốt nhất dù giá vé thấp; và đây cũng là nơi có sức chứa lớn hơn Nhà hát Hoà Bình hay Nhà hát TP.HCM đủ để ban tổ chức bù chi phí...".
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn