Khi đơn thư “lọt” qua khe cửa…
Khác với nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chấp nhận xem xét cả đơn thư nặc danh hoặc những nguồn tin không rõ nguồn gốc và trong điều kiện có thể sẽ xác minh, tìm cách xử lý. Theo kinh nghiệm của những người làm trong Ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu, những thí sinh sáng giá thường lọt vào “tầm ngắm” của đơn thư tố cáo. Thông tin “tố” có nhiều nguồn nhưng chủ yếu là người nhà, ê-kíp của thí sinh này tố thí sinh kia hoặc từ dư luận bên ngoài.
Ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004, ngay vòng Sơ khảo, hai người đẹp là Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân đã nổi bật hẳn so với các ứng viên khác. Được đánh giá cao về sắc đẹp, trình độ học vấn, ứng xử, nền tảng gia đình… nhưng 1 ngày trước đêm Chung kết, cả hai thí sinh này đều có tên trong hàng loạt đơn nặc danh. Những lá đơn “tố” Nguyễn Thị Huyền bị đánh ghen cạo trọc đầu, Trịnh Chân Trân gian lận Bằng Thạc sĩ. Tiếp nhận thông tin, BTC lập tức cử tổ công tác xác minh khẩn cấp và thu thập đủ chứng cứ đi đến kết luận những đơn thư kia “tố” sai sự thật.
Nhưng đó là những trường hợp dễ xác minh, còn một số lời “tố” khá hóc búa đối với BTC Hoa hậu thì chủ yếu thuộc về thông tin “tố” thí sinh “cặp đại gia”. Ví dụ như trường hợp của Á hậu Lưu Bảo Anh trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2006. Người đẹp miền “gạo trắng nước trong” này trở thành đề tài gây tranh cãi vì rất nhiều đơn “tố” cô “cặp đại gia”, sống thử… Trong thời gian chờ BTC xác minh ở quê nhà Cần Thơ, tinh thần và sức khỏe của Lưu Bảo Anh bị ảnh hưởng ít nhiều. Năm ấy, dù được dự đoán sẽ đăng quang Hoa hậu nhưng tại đêm Chung kết, Bảo Anh có phần trình diễn không thuyết phục, trang phục thiếu nổi bật và người tự tin hơn cô là Mai Phương Thúy đã chiến thắng.
Năm nay, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tiếp tục chứng kiến nhiều phen “đấu tố” khốc liệt. Đầu tiên phải kể đến sự việc hai người đẹp là Nguyễn Thị Thành và Trần Thị Thùy Trang bị “tố” làm răng thẩm mỹ, vi phạm quy chế về “vẻ đẹp tự nhiên”. Sau quá trình xác minh, Nguyễn Thị Thành bị đình chỉ thi Chung kết, còn Trần Thị Thùy Trang mức độ nhẹ hơn, đã xử lý để trở về hiện trạng ban đầu nên chỉ bị nhắc nhở. Tiếp đến là thông tin “tố” thí sinh Lê Trần Ngọc Trân dàn dựng cảnh nhặt rác trên đảo Lý Sơn trong phần thi Người đẹp nhân ái và thi “chui” trong một cuộc thi sắc đẹp ở Nhật Bản năm 2014.
Dù được kỳ vọng nhưng vì “đòn tâm lý”, người đẹp Lưu Bảo Anh đã có màn trình diễn thiếu thuyết phục trong đêm Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2006. Ảnh: TL
Vẫn có chỗ cho sự trong sáng
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về mức độ cạnh tranh của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, thí sinh Trần Thị Phương Thảo tâm sự: “Một đấu trường nhan sắc uy tín bao giờ cũng có sự cạnh tranh nhất định. Mỗi thí sinh luôn cố gắng nỗ lực hết mình, nổi bật nhất cũng là cạnh tranh nhưng lành mạnh. Còn các vấn đề khác, như việc “chơi xấu” nhau hay đơn thư tố cáo nhằm hạ bệ nhau, chiêu trò của các ông bầu… em nghĩ ít nhiều đều có nhưng bản thân em không quan tâm lắm. Khi mình chân thật như những gì mình có thì nó sẽ lan tỏa tình cảm đến những người xung quanh”.
Cô gái đến từ TPHCM cho biết thêm, không biết năm nay cuộc “cạnh tranh ngầm” diễn ra như thế nào, cô chỉ biết rằng mình có nhiều kỉ niệm và tình cảm gắn bó với các thí sinh khác và luôn giữ niềm tin về sự trong sáng. Trong cuộc thi, hình ảnh khiến Phương Thảo rung động nhất là thí sinh Lục Thị Thu Thảo. Suốt hành trình thi Chung khảo phía Nam, chỉ có một đôi giày duy nhất cùng số lượng trang phục hết sức khiêm tốn, tính cách lúc nào cũng hồn nhiên, chân thật. “Không chỉ riêng em mà nhiều thí sinh khác đều cảm nhận được điều này và rất thương yêu bạn ấy”, Phương Thảo nói.
Mức độ cạnh tranh khốc liệt, nhiều chiêu trò “chơi xấu” nhau… khiến công chúng còn đặt câu hỏi: Liệu đơn vị tổ chức, những người “cầm cân nảy mực” của cuộc thi có đảm bảo công tâm trong quá trình xử lý công việc? Tâm sự về câu chuyện hậu trường này, nhà thơ Trần Hữu Việt, thành viên Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 tâm sự: “Tôi cũng nghe nói rằng một số thành viên trong BTC, các giám khảo có nhận được tin nhắn, đơn thư, điện thoại… với đủ mọi chủ đề, từ tố cáo đến “xin tạo điều kiện”, thậm chí là “dọa dẫm”.
Nhưng cá nhân tôi thì chẳng thấy gì! Có thể vì người ta nghĩ thành viên Ban giám khảo như tôi chẳng quyết định được hoặc tôi là “cái mặt không chơi được”, khó để thuyết phục chăng? Tóm lại là tôi không nhận được những lời “đàm phán” mà kể cả có nhận được thì tôi cũng không quan tâm, không có thẩm quyền giải quyết. Mọi tố cáo, đơn thư chính danh hay nặc danh đã có BTC xử lý, kết quả cuộc thi là do cả hội đồng, được chấm qua nhiều vòng nên không nói trước được gì”.
“Nàng thơ xứ Huế” xin rút lui khỏi Hoa hậu Việt Nam 2016
Người đẹp xứ Huế Lê Trần Ngọc Trân.
Ngay từ khi bắt đầu tham gia Hoa hậu Việt Nam 2016, thí sinh Lê Trần Ngọc Trân (Thừa Thiên Huế) đã vướng phải khá nhiều tin đồn. Đầu tiên là việc chỉnh sửa nhan sắc, gian lận trong việc quay clip từ thiện, thiếu thân thiện với công chúng...
Nhưng phải đến khi một đoạn clip được tung lên mạng cho biết, cô từng thi “chui” cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thế giới 2014 diễn ra tại Nhật Bản thì những lời bào chữa đã không còn tác dụng. Ngoài ra, Ngọc Trân còn bị “tố” giả mạo chữ ký của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) để không bị phạt. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã khẳng định với báo chí rằng, chưa có bất kỳ người đẹp nào giả mạo chữ ký của ông để tham gia cuộc thi quốc tế. Dù là thông tin trên mạng xã hội nhưng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã tiến hành xác minh.
Vài ngày trước đêm Chung kết, thí sinh Lê Trần Ngọc Trân đã bất ngờ gửi thư cho BTC xin rút lui khỏi cuộc thi. Trong thư, Ngọc Trân viết: “Gần đây, có một số thông tin về việc em đi thi Hoa hậu người Việt thế giới ở Nhật Bản vào năm 2014 và đạt giải Hoa hậu Mộc ở đêm Bán kết, nhưng đã không xin phép các cơ quan chức năng trước khi đi. BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng đang thẩm tra, xác minh để giải quyết việc này”. Tuy nhiên, cô khẳng định không giả mạo chữ ký của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, vì cuộc thi đó không yêu cầu thủ tục xác nhận từ cơ quan quản lý.
Ngọc Trân viết: “Ở cuộc thi năm ấy, em đã dần nhận thấy nó không phù hợp và đã xin rút khỏi trước Chung kết (chứ không phải đã đoạt ngôi Á hậu ở Chung kết như vài nguồn tin trên mạng), em vẫn nhận thức đó là lỗi sai của mình. Sau khi rời khỏi cuộc thi và về Việt Nam, em đã suy xét lại bản thân và cố gắng rèn luyện mình trong học tập và làm việc. Khi thấy mình đủ độ trưởng thành, em quyết định dự thi Hoa hậu Việt Nam 2016.
Tuy nhiên, sau khi có những thông tin nói trên, xem kỹ lại các quy định của Nhà nước và những nội quy, thể lệ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, em cảm thấy việc không tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về đi thi Hoa hậu ở nước ngoài của mình 3 năm trước nên em bằng lá thư này, em xin phép BTC cuộc thi cho em được dừng thi, rút khỏi vòng Chung kết”.
Đây là điều khá đáng tiếc với bản thân Ngọc Trân cũng như BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Tuy nhiên, sự rút lui một cách muộn màng này của “nàng thơ xứ Huế” cũng đang nhận được nhiều sự chỉ trích của công chúng bởi cô đã thiếu thành thật trong việc cung cấp thông tin cá nhân cho BTC, cố tình che giấu cho đến khi bị tố cáo mới thừa nhận...
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn