GS, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, điều ông trăn trở nhất là đời sống của nông dân vẫn còn khổ, dù GDP có tăng lên. “Chúng ta tự hào 12 mặt hàng nông sản xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng lúa xuất khẩu được 3 tỷ USD thì chi hết 2,9 tỷ. Đó là nền nông nghiệp gia công, cơ bắp, chúng ta phụ thuộc nước ngoài từ thức ăn, cây, con giống, thuốc trừ sâu, phân bón…”- GS Long nói và đặt vấn đề: Vậy khoa học công nghệ (KHCN) nông nghiệp Việt Nam đã đi đúng hướng chưa?
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của tập đoàn VinGroup. Ảnh: Bình Phương.
Theo ông Long, lực lượng khoa học hiện vẫn dựa vào Nhà nước là chính. Tuy nhiên, một tổng kết mới đây cho thấy, trong năm, những giống lúa phổ biến nhất, sử dụng nhiều nhất chính là giống lúa của các DN, các nhà khoa học đã nghỉ hưu nghiên cứu. Một bất cập khác là dù có giống tốt, nhưng khâu tổ chức sản xuất rất kém. Viện nghiên cứu ngô có giống cho năng suất 10-12 tấn/ha nhưng bình quân năng suất ngô cả nước chỉ khoảng hơn 4 tấn/ha. “Chúng ta tự hào có hàng trăm giống lúa tốt, nhưng chưa có thương hiệu gạo quốc gia nào cả… Chiến lược KHCN đề ra chưa thật trúng, manh mún nên vẫn chưa có sản phẩm quốc gia”, ông Long nói.
“Nếu nông nghiệp đi theo mô-típ cũ, thất bại là cái chắc, vì không thể sản xuất lớn với 13,8 triệu hộ, 78 triệu mảnh ruộng”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Vị viện sĩ cũng cho rằng, sản xuất tốt nhưng vấn đề đầu ra, tiêu thụ, vai trò của Bộ Công Thương lại rất mờ nhạt. “Bà con làm ra bao nhiêu sản phẩm, mà không biết tiêu thụ đi đâu. Như rau quả, ở miền Bắc giá rất rẻ, trong khi miền Trung đắt 3-4 lần, vấn đề xuất phát từ khâu lưu thông”, ông Long nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nguồn trí tuệ khoa học, nhân lực trong các hội, hiệp hội chưa được tận dụng. Hay, hệ thống máy móc, cơ sở nghiên cứu ở nhiều viện đầu tư hàng triệu USD rồi bỏ đó, trong khi các tập đoàn, DN lớn muốn kết hợp sử dụng thì không được, rất lãng phí.
GS Long cho rằng, nếu coi nông nghiệp là trụ đỡ, cần phải có Viện Hàn Lâm khoa học nông nghiệp (cả nông, lâm, thủy sản, thủy lợi…) mới xứng tầm, có cơ chế “cởi trói” cho nhà khoa học, họ không muốn bao cấp.
Theo TS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện trưởng Viện nuôi trồng thủy sản II, ngành nuôi trồng thủy sản đang tồn tại nghịch lý: Tôm bán bao nhiêu cũng hết, nhưng không thực sự đáp ứng được nhu cầu, do “dịch bệnh rất nan giải” trong khi cá tra có thể nuôi được tới cả 2 triệu tấn/năm thường khó bán, giá rẻ. TS Hảo cho rằng, ngành thủy sản vẫn rất “đau đầu” với khâu giống. Để có cá tra giống, phải mất 3 tháng ươm và hiện chưa có DN nào đầu tư bài bản, chủ yếu vẫn do người dân tự làm. “Hiện các viện nghiên cứu có cơ sở trang thiết bị tốt, nhưng kinh phí không có. Do vậy, cần có cơ chế để cùng DN khai thác làm con giống trong điều kiện Việt Nam gần như nhập toàn bộ tôm bố mẹ”-TS Hảo đề xuất.
Nền nông nghiệp “cơ bắp” kém hiệu quả bấy lâu nay cần phải chuyển đổi sang một nền nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thay đổi cơ chế đặt hàng
GS Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, thời gian tới, KHCN cần chuyển theo hướng đặt hàng nghiên cứu. “Cần tận dụng các nhà khoa đã và đang công tác trong các viện cùng tư vấn để đặt hàng, không chỉ dựa vào nhóm đề xuất ở tỉnh, ở DN, rất nguy hiểm và có thể có lợi ích nhóm ở đây”, GS Quý nói.
Theo GS Quý, Việt Nam có thể giảm từ 3,8 triệu ha xuống còn 3 triệu ha lúa để chuyển đổi cây trồng khác hiệu quả hơn. Vậy Bộ NN&PTNT sẽ đặt hàng các nhà khoa học, tìm ra giống lúa năng suất 8-9 tấn/ha, nhưng vấn đề là phải có lúa cho chất lượng gạo ngon. “Bây giờ bộ cấp tiền từ A-Z để làm. Nếu không đạt thì phải trả lại tiền, thế mới ra thành quả. Nhà khoa học họ cũng tự trọng cao lắm, họ làm không hẳn vì tiền, vì thế, đề tài đưa ra, các nhà khoa học nghiên cứu kỹ, cùng với các cộng sự mới bắt tay làm được hay không. Như thế chúng ta tránh được được hiện tượng, kiểu nghiên cứu trả bài, rồi đề tài đút ngăn kéo”, GS Quý nói.
GS Quý cũng kiến nghị, cần đánh giá lại thực trạng KHCN với từng cây, con, xem những cây con đó giống má, tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thế nào và xem nó nằm ở đâu so với thế giới để đưa công nghệ vào.
Trong khi đó, GS Long cũng cho rằng, Việt Nam cần đào tạo đội ngũ quản lý nông nghiệp chuyên nghiệp. “Không biết có lớp nào đào tạo ông giám đốc sở nông nghiệp hay ông chủ nhiệm HTX chưa, tôi nghĩ là chưa”, ông Long nói.
Viện sĩ Long cũng đề xuất, Bộ trưởng NN&PTNT cần có bộ phận tổng hợp, tiếp nhận các thông tin về khoa học nông nghiệp có thể qua đường dây nóng. “Thông tin về khoa học nông nghiệp của DN, nông dân, hằng ngày sẽ được cập nhật để Bộ trưởng nắm được điều hành….thậm chí nhà khoa học đang ngủ vẫn có thể nhắn tin cho đồng chí Bộ trưởng khi nghĩ ra ý tưởng hay”- GS Long đề xuất.
GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng, nếu đầu tư công nghệ cao, phải chọn vùng ít bão để tránh rủi ro. Chẳng hạn, ở Bắc tỉnh Hưng Yên hầu như chưa năm nào có bão, còn đầu tư công nghệ vào Quảng Bình, bão đánh một trận là tan hết.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nếu nông nghiệp đi theo mô-típ cũ, thất bại là cái chắc, vì không thể sản xuất lớn với 13,8 triệu hộ, 78 triệu mảnh ruộng. Trong khi đó, yếu tố khoa học kỹ thuật, từ sản xuất, chế biến, thương mại ở cấp thấp. Tiếp thu các ý kiến nhà khoa học, ông Cường cho biết, sẽ mở kênh tiếp nhận đóng góp của các nhà khoa học, đồng thời, sẽ tổ chức các diễn đàn chuyên sâu, từ cây ăn quả, chăn nuôi…để tiếp thu ý kiến, nhằm đổi mới KHCN của ngành.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn