Theo thông tin báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu tại cuộc họp thường trực Ủy ban ATGT quốc gia diễn ra đầu tháng 12/2016 cho rằng, giá phí dịch vụ sân bay ở Việt Nam đang rất rẻ và hàng không bây giờ là lựa chọn số 1 của người Việt trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay là vô cùng bất hợp lý. “Chuyện hàng không vét hết khách của đường sắt thì chỉ có ở Việt Nam. Nhiều khi chúng ta cứ coi trọng thành tích nên mới bị lệch lạc đi”, Bộ trưởng Nghĩa nhận định.
Phát biểu này của Bộ trưởng Bộ GTVT đã gợi lên nhiều ý kiến trái chiều, có người cho rằng việc “lo” hàng không “vét” khách của ngành đường sắt là tư duy không phù hợp trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này qua đường công văn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “thông tin chưa được phản ánh, cập nhật một cách chính xác, đầy đủ”.
Theo giải thích của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa bày tỏ quan ngại về sự phát triển “nóng” của ngành hàng không là bởi nếu phát triển quá nhanh, không còn phù hợp với quy hoạch sẽ làm mất đi tính bền vững của ngành hàng không nói riêng và cả hệ thống vận tải nói chung. Cụ thể, năng lực thông qua của toàn mạng cảng hàng không, sân bay của Việt Nam là 70,15 triệu hành khách/năm nhưng sản lượng năm 2016 ước lên đến gần 82 triệu lượt hành khách; riêng đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - là nơi chiếm 40% lưu lượng hành khách thông qua của toàn bộ mạng cảng hàng không Việt Nam, sản lượng năm 2016 ước tính đạt 32 triệu lượt hành khách, trong khi công suất thiết kế là 25 triệu lượt.
“Như vậy, sự phát triển này là thiếu tính bền vững bởi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng hàng không chưa theo kịp tốc độ phát triển của vận tải hàng không. Điều này làm phát sinh tình trạng tắc nghẽn, làm suy giảm chất lượng dịch vụ và tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp về an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt là dịp cao điểm như Tết nguyên đán, kỳ nghỉ lễ...,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Ngày càng nhiều người lựa chọn hàng không làm phương thức di chuyển.
Trong khi đó, trong thời gian gần đây, vận tải đường sắt đã bộc lộ những tồn tại, yếu kém như không bắt kịp được với yêu cầu phát triển nhanh chóng của xã hội và nền kinh tế, không thể cạnh tranh được với loại hình phương tiện vận tải khác. Thị phần vận tải đường sắt ngày càng giảm sút, chất lượng dịch vụ vận tải còn hạn chế, chưa thu hút được khách hàng, chưa phát huy được lợi thế vận tải của ngành đường sắt.
“Bộ trưởng cho rằng, đã đến lúc, lãnh đạo của ngành hàng không và ngành đường sắt phải thấy được sự bất cập hiện nay và có những kế hoạch phát triển ngành phù hợp, đồng bộ trong toàn hệ thống. Đối với ngành hàng không, sự phát triển nhanh phải gắn với bền vững, phục vụ nhân dân với mức giá rẻ nhưng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn, an ninh hàng không. Đối với ngành đường sắt, Bộ trưởng yêu cầu Ngành phải mau chóng đổi mới toàn diện để có những bước phát triển vượt bậc, lấy lại vị trí, lợi thế và góp phần quan trọng cùng các phương thức vận tải khác đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã giao các cơ quan tham mưu của Bộ phải tập trung xây dựng khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh vận tải đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũng như các loại hình vận tải.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn