Bây giờ, vợ chồng ông Thú đã có trong tay cơ ngơi tiền tỷ gồm một trang trại tổng hợp nuôi lợn, gà, dê, bò… rộng hơn 2ha; một cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và mua bán nông sản, mỗi năm cho doanh thu gần 3 tỷ đồng… Nhìn cơ ngơi ấy rất ít người biết được rằng, 15 năm trước, vợ chồng ông Thú là những người dân vạn đò có cuộc sống lênh đênh cùng dòng nước sông Gianh…
Gian nan lên bờ… tìm kế sinh nhai
30 tổ ong mật trong khuôn viên trang trại của ông Thú mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Ảnh: Phan Phương
Ông Thú kể, cũng như những đứa trẻ vạn đò khác, ông có một tuổi thơ cơ cực gói gọn trong 5m2 của con đò, cũng là ngôi nhà và phương tiện kiếm ăn của bố mẹ. Cuộc sống vạn đò cơ cực đâu chỉ chuyện ăn, chuyện ở. Thiệt thòi nhất với những đứa trẻ vạn đò như ông Thú là cảnh thất học truyền đời…
Hôm tôi gọi điện cho ông Thú để hỏi thêm thông tin thì được biết ông đang đưa một người làng đi chữa bệnh tận trong Huế. “Không phải bà con của tui mô, thằng Phạm Đức Hạnh ở cùng làng, gia đình hắn khó khăn, bọ mạ (bố mẹ - NV) hắn không được lanh lẹ cho lắm, tui thấy thương nên đưa nó đi viện…” – ông Thú trả lời nhẹ nhàng qua điện thoại. |
Năm 1992, ông Thú lập gia đình nhưng 2 vợ chồng ông phải sống cảnh vạn đò sông nước thêm 8 năm nữa. Đến năm 2000, sẵn có “chức” Phó thôn Vạn Đò với gần 100 hộ dân, ông Thú quyết định làm đơn gửi lên xã Đồng Hóa và huyện Tuyên Hóa xin cho bà con được lên bờ. Đơn của ông Thú đã được lãnh đạo xã Đồng Hóa, lãnh đạo huyện Tuyên Hóa chấp nhận, nhưng để đưa được gần 100 hộ dân với hơn 500 con người lên bờ không phải là một chuyện dễ dàng.
“Đa số bà con trong thôn Vạn Đò đều muốn lên bờ, nhưng vì nghề nghiệp của người dân đều gắn với sông nước nên họ yêu cầu nếu lên bờ phải được ở gần sông. Trong khi đó, quỹ đất theo yêu cầu của bà con không còn, vì vậy bà con dù rất muốn nhưng cứ chần chừ mãi không ai chịu lên bờ…” – ông Thú nói.
Chưa ai chịu lên bờ thì ông Thú lên trước để làm gương. Theo chính sách của xã Đồng Hóa, gia đình ông Thú được cấp đất ở đồi Cỏ May, một vùng đất hoang hóa, cằn cỗi nằm sát núi đá vôi mà nhiều người chê nên còn sót lại. Nhớ lại những ngày đầu lên bờ đầy khó khăn, ông Thú kể, ngày lên bờ, vợ chồng ông chỉ có hơn chục triệu vừa bán chiếc đò. Số tiền đó chỉ đủ để ông dựng tạm căn lều nhỏ để chui ra chui vào. Và cuộc sống mới của gia đình ông bắt đầu…
Ông Thú khoe những quả trứng sạch của mình.
Làm ruộng cả đêm
Sau khi có chốn “an cư”, vợ chồng ông Thú bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên cho sự nghiệp làm trang trại của mình. “Nói làm trang trại cho oai, thực ra lúc ấy vợ chồng tui cũng chỉ bắt đầu làm từ cái chuồng đơn giản nhất, lúc đầu thì thả 1 - 2 con giống, sau tăng dần lên. Không có tiền đầu tư, vợ chồng tui chủ yếu bỏ sức để làm. Từ cuốc đất khai hoang trồng khoai, trồng sắn để có cái làm thức ăn cho lợn, đến việc làm chuồng, vợ chồng đều tự tay làm cả. Ban ngày làm không xong, vợ chồng tôi thắp đèn làm cả đêm…” – ông Thú nhớ lại.
Chuồng làm xong, ông Thú vay bà con, Hội Nông dân để mua giống về thả. Thế nhưng lứa lợn đầu tiên đó ông Thú trắng tay, cụt cả vốn vì đàn lợn mắc dịch bệnh chết hết. Không bỏ cuộc, ông Thú quyết định bỏ công đi học lớp sơ cấp thú y; các lớp kỹ thuật về chăn nuôi, cách phòng ngừa dịch bệnh cho lợn.
Sau khi “tầm sư học đạo” xong, ông Thú quyết định cầm sổ đỏ vay 150 triệu đồng từ ngân hàng để trở lại với công việc chăn nuôi lợn. Nhờ đã biết cách nuôi khoa học, đàn lợn của gia đình ông Thú không ngừng tăng lên hàng năm, mỗi năm đem về cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng. “Năm vừa qua, giá lợn giảm sâu, vợ chồng tôi quyết định không tăng đàn lợn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn duy trì nuôi 30 con nái để có nguồn giống chăn nuôi và hỗ trợ bà con quanh vùng” – ông Thú cho biết.
Không dừng lại ở việc chăn nuôi lợn, những năm gần đây vợ chồng ông Thú còn mở rộng trang trại với con vật nuôi có giá trị kinh tế khác. Trong khuôn viên nhà ông Thú đang nuôi gần 30 tổ ong lấy mật, đưa lại thu nhập hàng năm hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy ngọn đồi trước nhà có tiềm năng nuôi dê, vợ chồng ông mua 6 con dê giống về chăn thả, sau gần một năm số lượng đàn dê đã tăng lên hàng chục con. Ngoài ra, vợ chồng ông Thú còn nuôi thêm hàng chục con bò, hàng ngàn con gà thả vườn mỗi năm. Để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi của mình, vợ chồng ông Thú trồng thêm 6 sào sắn, 4 sào cỏ và 2 sào ngô… Những năm gần đây, số tiền lãi thu được từ chăn nuôi, vợ chồng ông mạnh dạn mở rộng đầu tư vào kinh doanh.
Hiện gia đình ông Thú có một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, kết hợp thu mua nông sản cho người dân trong vùng. Việc buôn bán thuận lợi, kinh tế gia đình ông khá giả hẳn lên, con cái được học hành đàng hoàng, thành đạt. Ông Thú có 4 người con thì con trai đầu là giáo viên, người con thứ 2 đang học ở Học viện Biên phòng, người con thứ 3 đang học đại học sư phạm và con út học lớp 12. “Cũng nhờ được lên bờ mà con tui đã được học hành đến nơi đến chốn, đó là điều mà vợ chồng tui nghĩ là đúng đắn nhất khi quyết định lên bờ” – ông Thú tâm sự.
Trang trại của vợ chồng ông Thú thường xuyên được các đoàn đến tham quan, học hỏi.
Chuyện vui về cặp tên: Ông Thú, bà Cầm
Ở vùng nông thôn này, người làng thường ghép tên vợ với chồng để gọi một gia đình nào đó cho thuận tiện. Vậy nhưng với gia đình ông Thú, bà con xóm làng vì kính trọng cái tình của vợ chồng ông mà luôn tránh, không gọi như vậy. Vì vợ ông Thú có tên là Cầm (Hoàng Thị Cầm) mà ghép với tên ông thì rất chướng tai, nên bà con tránh. Bao năm vật lộn với quê nghèo, vợ chồng ông Thú đã gây dựng được cho mình một cơ ngơi tiền tỷ. Thế nhưng với người dân trong vùng, đặc biệt là với những người dân vạn đò một thời lênh đênh sông nước, vợ chồng ông Thú không chỉ giàu tiền mà còn giàu nghĩa.
Sau khi lên bờ, có cuộc sống ổn định, ăn nên làm ra, vợ chồng ông Thú đã quay lại vận động hàng trăm người dân vạn đò khác cùng lên bờ lập làng, lập nghiệp. Những ngày đầu lên bờ đầy khó khăn, những người dân vạn đò đã được vợ chồng ông Thú hỗ trợ con giống, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, cho mua chịu vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… để ổn định cuộc sống.
Mỗi khi nhắc đến vợ chồng ông Thú, ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân một thời sống kiếp vạn đò bảo, đó là ân nhân của gia đình ông. “Những năm gần đây, bà con chúng tôi sản xuất nông nghiệp cứ đầu vụ thì đến nhà bác Thú lấy vật tư, con giống về làm, cuối vụ thu hoạch nông sản lại được bác ấy thu mua cho với giá ổn định nhất. Cái tình, cái nghĩa ấy không phải ai cũng có…” - ông Thanh nói.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn