Ngân hàng trước áp lực tăng vốn và chia cổ tức

Thứ hai - 10/04/2017 16:32

Ngân hàng trước áp lực tăng vốn và chia cổ tức

Tăng vốn đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với hầu hết các ngân hàng. Đại diện nhiều nhà băng đang thấp thỏm...

Cổ tức lại người có, kẻ không

Một loạt nhà băng đang lên kế hoạch dự kiến mức chia cổ tức. Tại Vietcombank (VCB), dự kiến mức cổ tức năm 2016 là 10% như mục tiêu đề ra. Ngân hàng Quân đội (MBB) tỷ lệ chia cổ tức cho cổ đông dự kiến sẽ là 6% và 4% bằng cổ phiếu. Vietinbank dự kiến chia cổ tức 2016 cũng 7%, bằng với 2015, BIDV dự kiến mức cổ tức 7%, NamABank dự kiến chia cổ tức  bằng 2015 ở mức 5%, KienLongBank dự kiến mức cổ tức 8%, LienVietPostBank dự kiến mức cổ tức là 6%...

Tuy nhiên, một số nhà băng có vẻ vẫn “bảo thủ” quan điểm tiếp tục giữ lại lợi nhuận tăng vốn. Một lãnh đạo Techcombank thừa nhận, năm nay, nhà băng kiên trì không chia cổ tức, thậm chí còn có kế hoạch tăng vốn tiếp. “Đợt đầu năm, Techcombank từng dự kiến có thể sẽ lên sàn niêm yết vào quãng giữa năm 2017. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thời điểm này chưa hẳn đã phù hợp nên dự kiến một năm nữa mới lên sàn”, vị này nói.

Năm 2017, dù muốn hay không, các ngân hàng buộc phải lo tăng vốn.

Trước khả năng cổ đông có thể rất bất bình khi ngân hàng lãi to mà không chịu chi 1 đồng cổ tức nào, đại diện Techcombank nói: “Nếu đã là cổ đông của Techcombank và xác định gắn bó thì mọi người hãy kiên trì. Tôi tin là sau này sẽ được bù đắp xứng đáng”. Hiện, cổ phiếu của Techcombank được giao dịch ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu trên sàn UpCom. Tuy nhiên, khả năng thông tin không chia cổ tức sẽ tiếp tục tạo “ấm ức” với nhiều cổ đông.

Eximbank và Sacombank dự kiến tiếp tục không chia cổ tức. Sacombank thì lỗi hẹn do gánh nặng nợ xấu từ Ngân hàng Phương Nam chuyển qua, khiến chi cổ tức là điều vượt quá khả năng. Còn tại Eximbank, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc cho biết, kết thúc năm 2016, lợi nhuận trước thuế và trước dự phòng rủi ro của ngân hàng ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, song do dự phòng cả năm lên đến nghìn tỷ đồng để kéo giảm nợ xấu về dưới 3% nên lợi nhuận còn lại (sau trích lập) chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng trước thuế. “Quan điểm của HĐQT và Ban điều hành Eximbank là phải trích lập dự phòng đầy đủ để đảm bảo an toàn”, ông Quyết nói. 

Đồng loạt lo tăng vốn

Một trong những lý do chính khiến các ngân hàng tăng vốn trong năm 2017 là thời điểm áp dụng Basel II đang đến gần. Theo đó, các ngân hàng được đưa vào thí điểm Basel II phải bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR). Tỷ lệ này thường được dùng để bảo vệ những người gửi tiền trước rủi ro của ngân hàng và tăng tính ổn định cũng như hiệu quả của hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo  tài liệu trình đại hội cổ đông tới đây, Techcombank sẽ trình xin thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2017 với tổng tài sản gần 280 ngàn tỷ đồng; tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng lên gần 14.000 tỷ đồng thông qua chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ nắm giữ hiện tại.

Còn tại ĐHCĐ thường niên 2017, LienVietPostBank đã thống nhất thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.040 tỷ đồng, lên 7.500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trong năm 2015 và lợi nhuận sau thuế của năm 2016.

Ngân hàng ACB cũng lên kế hoạch tăng vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng, từ mức hơn 10.200 tỷ đồng hiện nay. Trong tờ trình gửi cổ đông chuẩn bị họp vào ngày 10/4, lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc tăng vốn là cấp thiết, vì “các quy định mới của NHNN đều gắn với tỷ lệ giới hạn an toàn, chẳng hạn như cấp tín dụng với vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ. Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng gia tăng các giới hạn liên quan đến cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung, dài hạn để tài trợ cho các hoạt động tín dụng… và rằng, việc tăng vốn sẽ giúp ACB nâng cao năng lực tài chính…”.

Tương tự, để chuẩn bị cho đại hội diễn ra vào cuối tháng 4/2017, HĐQT ngân hàng Vietcombank sẽ thông qua nội dung tăng vốn điều lệ. Tại thời điểm 31/12/2016, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng 35%, lên 35,9 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng khác như TMCP Phương Đông (OCB) có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2016 với vốn chủ sở hữu của ngân hàng tính đến 31/12/2016 tăng lên đạt 26.588 tỷ đồng. VPBank thì dự kiến đại hội cổ đông vào ngày 10/4, đại diện ngân hàng này cho biết, muốn tăng vốn tổng cộng hơn 4.800 tỷ đồng so với năm 2016. Sau đợt tăng vốn đầu năm, thời gian còn lại ngân hàng cần tăng thêm khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng nữa.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Để bảo đảm yếu tố này, việc tăng vốn cấp 1 từ chính cổ đông ngân hàng là rất cần thiết và chắc chắn sẽ tốt hơn phát hành trái phiếu với lãi suất cao trên thị trường. Còn khả năng tăng vốn được đánh giá thành hay bại phụ thuộc vào 3 yếu tố: Thị trường chứng khoán , khả năng tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, và phương án tăng vốn.

Theo giới quan sát, các NHTM  đang thiếu vốn do chưa tăng vốn được và cũng chưa được tăng vốn trong mấy năm gần đây. Tổng tài sản của các ngân hàng dự kiến tăng tới 18%/năm, do vậy các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn để bảo đảm hệ số an toàn vốn. Hiện nay, hệ số này được quy định là 9%.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây