Thảo luận ở tổ chiều 25/5, các ĐBQH bày tỏ quan điểm Chính phủ cần có những biện pháp cụ thể hơn cho nông dân, tránh tình trạng nông sản bị dư thừa dẫn đến các cuộc “giải cứu” trong thời gian qua.
“Không đưa vấn đề này thấy mình có lỗi với cử tri, với bà con nông dân.” Đại biểu Nguyễn Văn Giàu, Trưởng ban Đối ngoại Quốc hội, đoàn ĐBQH An Giang mở đầu khi nói đến điệp khúc được mùa mất giá đối với nông sản. “Các ĐBQH nói điệp khúc được mùa mất giá. Tôi nhớ là cụm từ này được nói đến 3 nhiệm kỳ rồi, nhưng vẫn không giải quyết được, dẫn đến tình trạng như vừa rồi thì không thể chấp nhận được”.
Để chấm dứt tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng Chính phủ cần có những dự báo, dự tính để cảnh báo cho nông dân. Chỉ cần đưa ra dự báo và thông tin thị trường sẽ có thay đổi. Ít nhất phải có phương án dự phòng, cấp đông sản phẩm, hay chế biến đồ hộp,..
“Cứ nói giải cứu, may mà là giải cứu lợn, chứ đụng vào bò, ngan, gà, vịt thì nguy, vì cứ giải cứu anh này thì lại dư thừa anh khác. Cái này chúng ta đủ khả năng dự báo và đủ sức cảnh báo, vậy tại sao chúng ta không làm được?”.
ĐBQH Nguyễn Văn Giàu, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, nhưng các cơ quan bên dưới lại vào cuộc chậm trong việc ra được chính sách cho nông dân. Chưa có những cảnh báo cho nông dân, phản ứng thiếu hiệu quả về thị trường. Cũng với quan điểm cần phải có hệ thống cảnh báo cho nông dân, nhưng ĐB Sơn cho rằng trách nhiệm của chính quyền là phải cung cấp thông tin, phải sòng phẳng với cái đó.
Theo Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, trong việc tiêu thụ nông sản, vai trò của nhà nước còn chưa chủ động trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ, việc kết nối cũng không được thực hiện thành công.
“Chính phủ đã có những giải pháp nhưng chưa rõ nét và chuyển biến chậm, các bộ ngành nên sớm tháo gỡ vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tránh tình trạng cứ sản phẩm nào ế là chỉ đạo giải cứu, cách đối phó như vậy không mang tính chiến lược, nếu không có giải pháp rõ nét sẽ không chỉ là con lợn mà còn là con bò, hay những sản phẩm khác, và Chính phủ không thể nào xử lý theo kiểu đương đầu với từng sự vụ như thế”.
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.
Đại biểu Nguyễn Văn Pha, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tỏ ra gay gắt: “Rõ ràng chúng ta không làm được nhiều cho người nông dân. Ở đâu cũng có phòng, sở Nông nghiệp nhưng công tác dự báo là kém”.
Trong khi đó, Đại biểu Hồ Thanh Bình, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng hiện chưa có cơ quan nào của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể ngồi lại để đánh giá, phân tích dữ liệu thị trường, qua đó đưa ra dự báo thị trường. Thiếu sót này khiến năm ngoái con lợn được tung hô là hướng đi thoát nghèo, nhưng đến năm nay chúng ta lại phải đi lo giải cứu lợn.
Ông Hồ Thanh Bình cho rằng đây là quy luật kinh tế, gốc của vấn đề là chúng ta đang đi đến sản xuất thừa, không chỉ với lợn, với dưa hấu mà cả với sản phẩm lúa gạo. Do đó, cần phải thay đổi tư duy đánh đồng giữa sản xuất lúa gạo với vấn đề an ninh lương thực.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn