Đây là quan điểm của TS Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) đưa ra tại cuộc giao lưu trực tuyến: Đường đi của lãi suất năm 2017 diễn ra chiều 28-3.
Ông Độ có niềm tin rằng lãi suất sẽ không tăng mạnh trong năm nay, thậm chí cả trong năm sau, vì nếu tăng sẽ gây nên rất nhiều hệ luỵ tiêu cực cho nền kinh tế và Chính phủ sẽ không để điều này xảy ra. Vì vậy, việc gửi tiền kỳ hạn ngắn và đợi đáo hạn với lãi suất cao hơn chưa chắc đã phải là ý hay.
TS Nguyễn Đức Độ.
Còn TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, việc một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) mới đây không phải là vấn đề mới. CCTG bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1994 với mục tiêu để các TCTD huy động vốn trung hạn để đa dạng hóa hình thức huy động vốn của mình.
CCTG cũng cho phép lãi suất hết sức linh hoạt. Ví dụ hiện nay, các đơn vị phát hành cho phép lãi suất ban đầu, hay năm thứ 2 ở mức cố định, sau đó mới thả nổi. Chính vì thế, trong bối cảnh Việt Nam huy động vốn trung dài hạn khó khăn thì đây là một công cụ hữu hiệu.
Ông Lực cũng lưu ý đối với khách hàng, người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận CCTG . Không nên nhầm tưởng lãi suất người ta công bố, ví dụ 8 – 8,8%/năm là cố định suốt thời gian huy động mà chỉ là trong thời gian đầu, sau đó các NH sẽ thả nổi dựa trên lãi suất trung bình của các ngân hàng lớn cộng với biên độ. Cần biết rõ điều đó để không xảy ra tranh chấp với ngân hàng.
CCTG cũng được trả lãi sau, trả lãi cuối kỳ có nghĩa là khác với việc trả lãi hàng tháng hay hàng quý. Lãi suất 8,5%/năm trả cuối kỳ quy đổi ra cũng chỉ bằng 7,6% nếu theo hình thức trả hàng tháng, hàng quý. Dù thế nào, đây là công cụ tích cực cho cả phía ngân hàng lẫn phía người dân và thị trường tài chính .
TS Cấn Văn Lực.
Theo ông Lực, gần đây, có hiện tượng ngân hàng tăng/ giảm lãi suất huy động. Qua khảo sát có thể thấy có một số ngân hàng cỡ trung, cỡ nhỏ tăng lãi suất huy động ở phân khúc trung, dài hạn. Một số ngân hàng lớn khác cũng chú trọng huy động vốn trung, dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn.
Bởi vì Thông tư 06 của NHNN quy định từ năm nay, hệ thống ngân hàng chỉ được phép dùng 50% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, vì vậy họ phải chuẩn bị nguồn vốn trung – dài hạn để đảm bảo tỷ lệ này.
Tóm lại, hiện tượng này là tùy thuộc vào nhu cầu vốn của thị trường. Nhìn chung, lãi suất nhích lên nhưng không nhiều, dù cũng là một áp lực đối với thị trường năm nay.
Liệu động thái này có lan tỏa ra hệ thống, giống như cuộc đua lãi suất những năm trước hay không? TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, nếu như nguyên nhân chính khiến các ngân hàng tăng lãi suất vừa qua là do tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa tiền gửi và tiền cho vay, thì tình hình có lẽ chưa quá nghiêm trọng vì khi các ngân hàng đáp ứng được yêu cầu về tỉ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay dài hạn, họ sẽ ngừng tăng lãi suất.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân dẫn đến tăng lãi suất là do thiếu tiền tiết kiệm về tổng thể trong nền kinh tế, thì mọi thứ lại khác. Huy động vốn trong năm 2016 đã tăng quá nhanh, đạt đến 18,38% và cao hơn nhiều mức 13,59% của năm 2015.
Nếu so với tốc độ tăng thu nhập của cả nền kinh tế, được đo bằng mức tăng trưởng GDP danh nghĩa là 7,3% trong năm 2016, có thể thấy rằng trong năm 2016 người gửi tiền tiết kiệm đã phần nào ứng trước tiền gửi của năm 2017 và vì vậy huy động vốn trong năm 2017 khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2016.
Năm nay, Chính phủ dự định chỉ bội chi ngân sách 178,3 nghìn tỉ đồng, thấp hơn mức 254 nghìn tỉ đồng năm 2016. Hơn nữa, các khoản vay đảo nợ cũng bắt đầu giảm khi kỳ hạn vay dài hơn. Đây là những yếu tố có tác động giảm sức ép lên lãi suất.
“Tôi tin rằng, dù có hay không có thêm sức ép, thì lãi suất tại Việt Nam hiện nay đã ở mức cao và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Vì vậy, NHNN sẽ bằng mọi giá giữ cho lãi suất ít nhất là không tăng trên diện rộng"- Ông Độ chia sẻ.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn