Lợn tăng giá, dân vẫn lo lắng
Từ khoảng tháng 8 năm 2016, giá lợn trên cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng bắt đầu rớt giá thê thảm. Lợn rớt giá khiến người dân nuôi lợn nhỏ lẻ và nhất là các trang trại lâm vào tình cảnh lao đao, lỗ vốn.
Bắt đầu từ khoảng đầu tháng 7/2017, giá lợn bắt đầu có dấu hiệu tăng dần và lên giá đột biến. Đến thời điểm này ở trong khoảng từ 41 – 44 ngàn đồng/ kg giá lợn hơi. Tuy nhiên, giá lợn tăng như vậy, nhưng người dân lại vừa mừng vừa lo.
Bà Trần Thị Cương bên đàn lợn
Bà Trần Thị Cương (52 tuổi, thôn Yên Thành, Cẩm Yên, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang ngồi trò chuyện với Phóng viên thì chỉ trong một khoảng thời ngắn đã có hai người đi mua lợn hơi chạy qua nhà dừng lại hỏi mua lợn. Tuy nhiên, đáp lại chỉ là các lắc đầu “không có lợn bán nữa” của bà.
Hiện nay, bà Cương còn 50 con lợn trong chuồng có trọng lượng từ 15 – 30 kg. “Thời điểm giá xuống thấp thì có lợn nhưng bán không được, này mãi cũng không ai chịu mua cho. Khi đó tôi đã bán một lần 20 con với giá 18 ngàn đồng/kg, 20 con với giá 20 ngàn đồng/kg, bị lỗ đến 40 triệu. Còn đến thời điểm này giá lợn tăng lên, đang ở mức 43 ngàn đồng/kg thì không còn lợn để mà bán”, bà Cương nói.
Theo bà, lợn không còn nhiều để bán do một thời gian dài giá lợn xuống quá thấp, người dân không dám nuôi. Lợn nái đẻ lứa nào hầu hết người dân đem đi “đổ” hoặc đi cho hết vì bán không được. Có những thời điểm giá lợn quá thấp, người dân trong làng thi nhau mổ thịt lợn nái bán để vớt vát chút vốn chứ không dám để nuôi. Vì vậy, hiện tại khi giá lợn tăng thì không mấy nhà còn có để bán, cũng không còn vốn để đầu tư tái đàn.
“Bây giờ bất ngờ giá lợn tăng, nếu tăng đàn mà giá lợn xuống tiếp thì biết làm thế nào? Người nông dân chỉ biết làm mấy sào ruộng và nuôi lợn, lợn đắt thì còn được, lợn rẻ thì bà con sẽ vất vả lắm”, bà Cương lo lắng.
Đối với các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, lợn tăng giá là một dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cũng như những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, hiện nhiều chủ trang trại chưa muốn tăng đàn.
Anh Nguyễn Văn Hiệu, chủ trang trại lợn tại thôn Minh Lạc (xã Cẩm Yên, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết thời điểm giá xuống thì hầu hết các trang trại đều gặp nhiều khó khăn như về tiền mua thức ăn, lương công nhân, lãi suất ngân hàng… Bây giờ thời điểm giá lên, đã có một bộ phận người chăn nuôi tăng đàn với hi vọng ba bốn tháng tới giá lên đột biến.
Tuy nhiên, một số trại lớn trước đây trung bình có từ 300 - 600 con thì thời điểm giá thấp đã giảm đàn hơn 50%. Bây giờ giá tăng thì lại không có lợn để bán. Vì vậy, dù giá đã tăng, về mặt tài chính các trang trại cũng đang gặp khó khăn chứ không phải đang được thuận lợi nên muốn tăng đàn cũng chưa tăng ngay được vì không có tiền.
Riêng trang trại của anh Hiệu, trước đây khi giá lợn còn tốt, trang trại của anh có 50 lợn nái và 500 thịt, vào thời điểm khó khăn giảm xuống còn 30 nái và 300 lợn thịt.
Tuy nhiên, bây giờ anh cũng chưa muốn tăng đàn ngay. “Tôi chưa muốn tăng trong thời điểm này, vì lý do là thời điểm vừa rồi là khủng hoảng thừa, khi mình tăng thì cái thừa vẫn còn đó. Thực tế bây giờ số lợn con nuôi lên được lợn thịt thì lợn vẫn đang thừa, chưa có thiếu nên bây giờ nếu tăng là “chết”. Hiện tại người hỏi mua nhiều nhưng các trại cũng đang găm lợn lại chưa bán chờ thêm giá lên. Hiện tại lợn siêu nạc đã bán 45 rồi”, anh Hiệu cho biết.
Khuyến khích người dân chưa tăng đàn ồ ạt
Thời điểm hiện tại lợn đã tăng giá nhưng người chăn nuôi vẫn đang không khỏi băn khoăn lo lắng trước câu hỏi nên tăng đàn, thả nuôi lại hay chưa. Nếu có thì cũng chưa dám nuôi nhiều trở lại mà vẫn cầm chừng, quan sát biến động thị trường giá lợn.
Lợn tăng giá nhưng người dân không còn lợn để bán
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện tại tổng đàn lợn của toàn tỉnh là hơn 400 ngàn con, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là hơn 480 ngàn con. Đến đầu tháng 7/2017, giá lợn có xu hướng tăng và sau đó tăng đột biến. Đến nay, giá lợn rơi vào khoảng 41 – 44 ngàn đồng/kg giá lợn hơi. Với giá bán này, hiện tại người dân đã có thể lãi 700 ngàn đồng một con. Đây là một tín hiệu đáng mừng sau một thời gian người chăn nuôi lợn bị lỗ do lợn rớt giá kéo dài.
Theo ông Hùng, sở dĩ giá lợn tăng lại là do các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người nuôi lợn trong thời gian qua, khuyến khích người dân giảm đàn và đặc biệt là do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, thời điểm này giá lợn tăng, nhưng chi cục chăn nuôi thú y tỉnh khuyến cáo người dân cần tiếp tục theo dõi biến động thị trường, chưa nên ồ ạt tăng đàn để giảm thiểu thiệt hại. Vì thực tế, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của thị trường nội địa không tăng, số người tham gia sản xuất chăn nuôi lợn lớn, giá lợn vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trước tình trạng hiện nay nhiều trang trại vẫn đang găm lợn chờ giá cao hơn nữa mới bán, ông Hùng cho rằng với giá cả hiện tại, người dân có lãi tầm 700 ngàn/ con và lợn đã đến thời điểm xuất chuồng thì nên bán. “Vì giá cả sẽ còn nhiều biến động, có khi tăng liên tục, đột ngột rồi lại giảm. Khi giá giảm thì rủi ro càng cao, nhất là khi đó lợn càng to. Vìvậy, lợn đến thời điểm xuất chuồng thì không nên găm mà nên bán để tái đầu tư sản xuất”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, thực tế ngành nông nghiệp đã có những dự báo khoảng tháng 8/2017, giá lợn sẽ tăng lên mức giá khoảng 30 ngàn đồng/kg, đến tháng 9, tháng 10/2017 sẽ tăng lên trong khoảng 40 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 7 giá lợn đã tăng một cách bất ngờ.
“Để tăng lên lợn 50 ngàn đồng/kg và duy trì mức giá này ổn định trong thời gian dài là khó. Vì thị trường lớn nhất và duy nhất vẫn là Trung Quốc. Vài năm trở lại đây họ đã tổ chức lại sản xuất đáp ứng được phần nào nhu cầu thị trường của họ… nên để duy trì giá cao trong thời gian dài là khó. Tôi hi vọng sẽ duy trì được mức giá trên 40 ngàn đồng/kg là người dân có lãi. Còn việc giá lợn tăng cao đột biến thì cần cảnh giác…”, ông Hùng cho biết.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn