Rút kinh nghiệm sâu sắc sau một thời gian “đào” Bitcoin. Tranh: Martin Sutovic (Slovakia).
“Ôm” do hám lời
Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50)- Công an Hà Nội cho biết, trong thời gian cận Tết Đinh Dậu 2017, đơn vị này đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo của các cá nhân về việc họ bị chiếm đoạt khoảng 30 tỷ đồng vì đầu tư tiền ảo Bitcoin.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại úy Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng Đội 6 - PC50 Công an Hà Nội cho biết, quá trình điều tra bước đầu cho thấy: Tội phạm “đặt bẫy” các nạn nhân bằng cách đánh vào tâm lý hám lời, bỏ tiền ít mà lãi suất cao. Ban đầu, đối tượng trả lãi cho các nhà đầu tư rất sòng phẳng, nhưng khi nhà đầu tư “dính bẫy”, đầu tư nhiều tiền, huy động tiền của người thân, bạn bè, đi vay lãi để đầu tư vào Bitcoin thì đối tượng điều hành sẽ đánh sập hệ thống, xóa dữ liệu nhà đầu tư và chiếm đoạt số tiền, rồi biến mất.
“Bitcoin cũng là loại tiền huy động vốn tương tự hệ thống đa cấp khác. Khi người chơi đông, đầu tư nhiều tiền thì người nào có nhiều thành viên “dưới chướng” sẽ được hưởng tỷ lệ % nhiều hơn. Ví dụ, tại một nhánh huy động nào đó, người chơi hẹn “nạn nhân” tham gia với số tiền 10 triệu đồng trong 10 ngày sẽ kiếm được 20 triệu đồng. Nếu người tham gia huy động được thêm 1 người tham gia sẽ được thêm 5 triệu đồng” - đại úy Nguyễn Minh Hoàn nói.
Cũng ông Hoàn, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định tất cả các hệ thống máy chủ có thể cung cấp mã điện tử nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, vì thế chỉ xử lý được những người xác định được tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc vi phạm quy định sử dụng mạng máy tính. Quá trình đấu tranh, cơ quan công an đã bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng chân rết tại Việt Nam nhưng chính họ cũng là nạn nhân của việc lừa đảo tiền ảo Bitcoin.
Đối tượng Nguyễn Minh Phương cùng hai đồng phạm đã lừa đảo 140 tỷ đồng của các nạn nhân.
Từ nạn nhân thành tội phạm
Đại úy Hoàn phân tích: “Sở dĩ người huy động bị bắt và xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vì khi bên A môi giới nhận tiền của bên B thì có giấy biên nhận. Nhưng bên A chỉ là người cung cấp mã đăng nhập chứ không phải làm ra tiền và A không biết người trên mình là ai, ở đâu? Đến khi hệ thống mạng đầu tư bị sập, hoặc đến ngày phải trả lãi như đã giao hẹn với bên B, bên A lại không có tiền để trả, lãi lớn nên bên A phải chịu trách nhiệm. Vì giấy biên nhận vẫn còn, bên A trở thành đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cũng có trường hợp nhà đầu tư tiền ảo Bitcoin đã tự biến mình từ nạn nhân thành kẻ phạm tội. Vụ việc điển hình gần đây là: Tô Tuyết Nhung (SN 1973, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) được Cao Quang Tùng (SN 1978, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) giới thiệu và bày cách đầu tư kinh doanh Bitcoin. Nghe Tùng nói “bùi tai”, Nhung nhờ Tùng mua giúp 2 Bitcoin với giá quy đổi là 34 triệu đồng, lãi suất 2,5%/ngày.
Cuối tháng 9/2016, được Tùng mời tham gia hội thảo khách hàng, Nhung lại nhờ Tùng làm thủ tục mua 50 Bitcoin, quy đổi ra tiền Việt là 850 triệu đồng. Số tiền lãi vẫn chuyển đều đặn về tài khoản Bitcoin của Nhung. Thấy kinh doanh sinh lời cao, Nhung đã rủ thêm 3 người bạn tham gia đầu tư. Theo đó, ba người này đã chuyển tổng cộng 400 triệu đồng nhờ Tùng mua Bitcoin.
Khi hệ thống này bị sập, Nhung và đồng bọn đã đi tìm Tùng và Đào Công Việt (SN 1988, trú tại Hà Đông, Hà Nội) - người được cho là đầu tổng của hệ thống để đòi lại tiền. Ngày 2/1/2017, nhóm của Nhung đã hẹn gặp Tùng và Việt tại quán cà phê trên địa bàn phường Trung Hòa, Cầu Giấy. Tại đây, Nhung và đồng bọn đòi Tùng, Việt phải trả 1,3 tỷ đồng nhưng cả hai nói không có nên bị nhóm của Nhung đánh và ép viết giấy vay nợ.
Phát hiện trong tài khoản Bitcoin của Việt còn 8 Bitcoin (quy đổi thành tiền là 180 triệu đồng), Nhung yêu cầu Việt chuyển cho Nhung và lấy 20 triệu đồng tiền mặt của Việt. Khi nhóm của Nhung đưa Việt đến chỗ người nhà ở để lấy tiền thì bị Đội Cảnh sát đặc nhiệm - Phòng CSHS, Công an Hà Nội bắt giữ.
Công an khuyến cáo người dân không nên tham gia giao dịch, thanh toán tiền ảo trên mạng Internet không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm. Người tham gia giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách khi giao dịch với tội phạm.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục nhận được phản ảnh về việc nhiều nạn nhân tố cáo bị lừa đảo hàng chục tỷ đồng thông qua đầu tư tiền ảo tại Hà Nội, Gia Lai, Đồng Nai. Quá trình điều tra, C50–Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây huy động vốn công nghệ cao với số tiền chiếm đoạt lên đến 140 tỷ đồng, đồng thời bắt giữ đối tượng cầm đầu Nguyễn Minh Phương (39 tuổi, trú tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai), cùng hai đồng phạm. Tại Nghệ An, cơ quan chức năng phát hiện một số đối tượng đã tổ chức hội thảo về tiền ảo tại khách sạn Phương Đông với sự tham gia của 250 người. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn