1. Thứ quan trọng nhất là kinh nghiệm chứ không phải bằng cấp
Có lẽ bạn đã biết, giống như rất nhiều tỷ phú khác trên thế giới, Evan Spiegel cũng từng bỏ học giữa chừng. Khi chỉ còn vài tín chỉ nữa là kết thúc 4 năm tại Đại học Stanford, Spiegel đã quyết định nghỉ hẳn để tập trung tất cả thời gian, công sức cho dự án Snapchat. Tiết lộ với truyền thông, ông chủ Snapchat cho hay, mặc dù bỏ học nhưng anh vẫn mặc áo cử nhân và chụp ảnh kỉ niệm cùng với lớp học trong ngày Bế giảng.
Spiegel đã bỏ học Đại học Stanford khi chỉ còn vài tín chỉ
Tuy không hề tốt nghiệp Đại học nhưng tỷ phú 26 tuổi này không phải người lười biếng. Anh đã lựa chọn cho mình một vài khóa học khác để nâng cao các kĩ năng cần thiết cho công việc của mình. Spiegel đã hoàn thành một khóa học ở Arts Center College of Design ở Pasadena, và hai khóa học liên thông tại Otis College of Art and Design ở Los Angeles. Tại Đại học Stanford, anh theo học chuyên ngành thiết kế sản phẩm.
2. Nghĩ khác biệt
Spiegel là một “cậu ấm”, sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng không vì thế mà anh ỉ lại vào cha mẹ. Anh đi làm thêm từ khi học trung học và nhen nhóm ý định khởi nghiệp khi chưa tới 20 tuổi. Ý tưởng kinh doanh đến với Spiegel trong kí túc xá, sau một lần Reggie Brown, bạn thân, cũng là người đồng sáng lập Snapchat phàn nàn với tỷ phú trẻ về một bức ảnh mà anh đã cảm thấy hối hận sau khi gửi đi. Ngay lúc đó, Spiegel đã nghĩ tới một ứng dụng chia sẻ tin nhắn hình ảnh có thể tự xóa sau thời gian nhất định. Và, Snapchat đã ra đời.
3. Khi phát hiện ra sai lầm, hãy xin lỗi ngay khi có thể
Là tỷ phú trẻ nhất thế giới khi mới 25 tuổi và có ngoại hình sáng nên Spiegel khá nổi tiếng. Điều này trở thành con dao 2 lưỡi và khiến mọi việc tồi tệ hơn khi loạt email nhạy cảm của Spiegel bị rò rỉ. Đó là những bức ảnh và các đoạn nói chuyện cho thấy một mặt khác của anh: nổi loạn, bất cần, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, kì thị người đồng tính…
Đối mặt với vấn đề này, Spiegel đã ngay lập tức gửi lời xin lỗi, đồng thời thể hiện sự hối hận của bản thân. Anh nói: “Tôi xin lỗi, tôi thực sự hối hận khi đã viết những lời xuẩn ngốc này. [Nhưng] chúng không phả ánh con người tôi ngày hôm nay hoặc quan điểm của tôi đối với phụ nữ”.
Hãy xin lỗi chân thành và mong sự tha thứ khi lỗi lầm bị phát hiện
Spiegel chia sẻ, trong cuộc đời, bạn sẽ mắc rất nhiều sai lầm, bạn sẽ cảm thấy thật kinh khủng khi chúng bị “khui ra”, nhưng tất cả rồi sẽ ổn nếu như bạn xin lỗi sớm nhất có thể và cầu xin sự tha thứ. Bạn không thể xóa bỏ những lỗi lầm mình mắc phải nhưng có thể hối lỗi và hi vọng vào điều tốt đep trong tương lai.
4. Sai lầm có thể trở thành cơ hội tốt nếu bạn phát hiện ra chúng
Khi bắt đầu sự nghiệp, nhận ra cơ hội đến khi nào là điều vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm của Spiegel khi gây dựng Snapchat đó là, đôi khi sai lầm lại mang tới những cơ hội lớn.
Ví dụ, như đã nói ở trên, ý tưởng về Snapchat bắt nguồn từ sai lầm khi gửi hình ảnh của người cộng sự Reggie Brown. Spiegel ngay lập tức hào hứng với câu chuyện và gọi nó là “ý tưởng triệu đô”. Anh đã không sai.
Khi ứng dụng đang trong quá trình phát triển, Spiegel nhận được thư yêu cầu ngừng sử dụng tên gọi Picaboo (“tiền thân” của Snapchat) từ một công ty sách ảnh có cùng tên gọi. Điều này có thể khiến bất cứ công ty nào “chao đảo” nhưng nó thực sự lại mở ra một trang mới cho Snapchat. Quả thực, điều đáng tiếc nhất lại trở thành “điều may mắn nhất” đối với Spiegel.
5. Nếu thất bại ngay từ lần đầu, hãy cố gắng thử lại thêm nhiều lần nữa
Là một doanh nhân, bạn không nên bị ngăn cản bởi những ý nghĩ về thất bại. “Phi vụ” kinh doanh đầu tiên của Spiegel vào năm 2010 là trang web Future Freshman, giúp học sinh trung học đối phó với sự căng thẳng trong quá trình tuyển sinh. Thế nhưng nó đã không thành công, Spiegel cho biết chỉ có khoảng 5 người sử dụng.
Tiếp đó, trước Snapchat, ứng dụng tin nhắn hình ảnh tự xóa mang tên Picaboo cũng là một bước đi thất bại của Spiegel. Ra mắt lần đầu tiên năm 2011, ứng dụng chỉ có 127 người sử dụng, khiến các nhà đầu tư mạo hiểm cũng chẳng thèm ngó ngàng gì tới lời kêu gọi đầu tư từ Spiegel. Tuy nhiên, chàng tỷ phú trẻ vẫn chưa có ý định dừng lại, anh tiếp tục cố gắng thay đổi và hoàn thiện sản phẩm của mình. Tới tháng 12/2011, Snapchat đã có 2.241 người sử dụng và tăng lên tới 20.000 người vào tháng 1/2012.
Spiegel đã đúng khi từ chối lời đề nghị từ ông chủ Facebook
6. Mọi thứ sẽ tốt hơn nếu làm vì đam mê chứ không phải hoàn toàn vì tiền bạc
Khi một ý tưởng tuyệt vời hoạt động tốt, nó sẽ tự thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Một trong số các nhà đầu tư “ngó nghiêng” tới Snapchat chính là Facebook. Ceo Facebook Mark Zuckerberg đã đưa ra mức giá là 3 triệu USD để mua lại Snapchat nhưng Spiegel từ chối vì anh muốn lựa chọn đường đi riêng cho “con cưng” của mình.
Một lần nữa, Spiegel lại chứng minh mình đã quyết định đúng. Anh cho rằng, khi mình đang sở hữu nhưng thứ thực sự giá trị, mình đam mê và dành hết tâm huyết cho nó, hãy theo đuổi nó tới cùng, đừng “bán” nó kể cả khi được giá. Được biết, hiện tại, Snapchat của Spiegel được định giá khoảng 16 tỷ USD, vượt xa số tiền ông chủ Facebook đưa ra trước đó.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn