Có lẽ nhắc đến ẩm thực Hà Nội, người ta nhớ phở đầu tiên với những ngôn từ hoa mỹ dành cho món ăn này, thế nhưng bún mới thực là "mảnh đất" sáng tạo của những đầu bếp Hà Thành.
Bún chả, bún thang, bún riêu, bún ốc, bún hải sản, bún ngan,… mỗi món bún là một chuỗi hương vị được kết thành từ những công thức riêng biệt khiến nhiều người phải nhớ thương. Đặc biệt bún riêu là một thức quà sáng rất đỗi quen thuộc của người Hà Nội. Và có lẽ, chẳng ở đâu bún riêu lại ngon, lại hấp dẫn đến thế khi thưởng thức ở vỉa hè con phố Bát Đàn với phong cách ăn “bưng” độc, lạ trong những ngày nắng dịu đầu mùa như thế này.
Bún riêu cua bưng Bát Đàn nổi tiếng với bún ngon và phong cách ăn đặc biệt.
Bún riêu cua Bát Đàn từ xưa đến nay không chỉ nổi tiếng là một trong những quán ăn ngon mà con nổi tiếng với phong cách ăn bưng có một không hai, bởi vậy mỗi khi nhắc đến quán bún này, mọi người vẫn gọi với cái tên thân thuộc “bún riêu bưng”.
Quán thực chất chỉ là một gánh hàng nhỏ ngay đầu con ngõ sâu hun hút dẫn vào nhà bà chủ. Không gian nhỏ chỉ vài m2 nên chủ quán sử dụng ghế để vừa tiết kiệm diện tích vừa phục vụ được nhiều thực khách nhất.
Không gian quán chỉ vài m2 vỉa hè nên mọi người bê bát ăn cho tiện, nhanh, gọn. Nhiều bà bầu cũng là "con nghiền" của quán.
Lý do quán được gọi là bún riêu bưng là bởi ở đây không có bàn, chỉ có những chiếc ghế vừa và nhỏ làm bàn, làm ghế. Khách đến ăn chủ yếu bưng bát cho nhanh và gọn. Hơn nữa, dưới những bát bún đều có những tờ giấy ăn nhỏ vừa để cầm lau miệng vừa kê dưới bát để cầm cho đỡ nóng nên vì thế “bưng” đã trở thành thương hiệu của quán.
Một bát bún đầy đủ vừa vặn thường có đậu, thịt bò, giò tai cùng rổ rau sống xanh tươi được thái nhỏ ăn vừa miệng. Trong đó, những miếng đậu rán vàng, miếng bò và giò mềm mại, thơm ngon hòa trộn hài hòa với hương vị của bát bún riêu cua truyền thống.
Có lẽ điều mà mọi người thích ăn nhất khi đến quán đó là nước dùng trong, thanh, không hề có mỡ, chua rõ mùi dấm bỗng. Cà chua được bổ múi cau đỏ au bên cạnh những miếng gạch cua vàng thơm, đậm đà được bày đẹp mắt trên bát.
Một bát bún đầy đủ vừa vặn thường có đậu, thịt bò, giò tai cùng rổ rau sống xanh tươi được thái nhỏ ăn vừa miệng.
Thịt bò được chọn phần diềm thăn mềm, ngon, rẻ.
Bún ở đây “ăn điểm” ở nước dùng ngọt thanh rất tròn vị vì vậy, ai ăn xong cũng phải húp trọn cả nước mới thỏa mãn “cái sự sung sướng”.
Đặc biệt, sự khác biệt trong bát bún ở đây là không kèm theo hành phi nên luôn chuẩn vị, không bị mùi thơm của hành lấn át vị thanh thanh nhẹ dịu.
Bên cạnh đó, ớt của quán như được nghiền ra từ ớt quả, dù cho 1 ít đã cay xè lưỡi, nhưng rất hợp với nước dùng để đẩy hương vị riêu cua lên.
Gạch cua vàng đồng thơm, đậm đà.
Với những người muốn tận hưởng trọn vị ngọt thanh của bát bún riêu cua có thể yêu cầu không cho mắm tôm. Còn những người muốn tận hưởng vị đậm đà, ngọt thơm trong từng miếng gạch cua có thể thêm mắm tôm để thưởng thức tròn vị.
Không chỉ độc đáo với phong cách ăn bưng, điều đặc biệt khi đến đây là quán không sử dụng thìa, chính bởi vậy càng khiến cho nhiều người thích thú hơn. Còn gì bằng khi ngồi trên chiếc ghế thấp trước con ngõ nhỏ, bê bát bún riêu cua thơm lừng, nóng hổi thưởng thức, rồi húp xì xụp đến tận những miếng nước cuối cùng, nhắm mắt tận hưởng hương vị để nhớ về một Hà Nội xưa, thời hàng quán sang trọng chưa “mọc lên như nấm” như bây giờ.
Rau xà lách được cắt nhỏ vừa ăn, luôn xanh tươi.
Ngoài ra, một điểm cộng của quán là giá thành khá vừa với túi tiền của mọi người. Mặc dù ở giữa lòng phố cổ nhưng bát bún riêu không chỉ có 15 nghìn, bún riêu cua đậu, bò có giá 30 nghìn và bún riêu cua đầy đủ là 35 nghìn. Cả năm quán đều giữ nguyên giá như vậy và không hề tăng vào những ngày lễ, đặc biệt dịp Tết.
Ngồi nép mình trong con ngõ nhỏ, cô Nguyễn Thị Liên (66 tuổi) vừa thoăn thoát cắt bún, chần thịt bò cho khách vừa chia sẻ, cô bán hàng trên con phố này được 40 năm.
Suốt những năm đó, dù đã đi qua thăng trầm của 2 thế kỷ nhưng quán của cô vẫn không có gì thay đổi, vẫn ở con ngõ nhỏ ấy, vẫn chỗ ngồi quen thuộc chỉ vỏn vẹn vài m2 phục vụ bao lượt khách, bao thế hệ.
Cô Liên ngồi nép mình trong con ngõ nhỏ sâu hun hút, chiều rộng chưa đầy 1m2.
Cô Liên kể, nghề bán bún riêu cua này là của mẹ chồng cô truyền lại. Khi lấy chồng về mảnh đất Bát Đàn này, cô đã phụ mẹ gồng gánh hàng ra ngõ bán. Hồi đó, vì điều kiện chưa đầy đủ như bây giờ nên mẹ chồng cô chỉ bán bún riêu cua không phục vụ mọi người. Mặc dù mẹ là người nấu và làm hàng chính, nhưng qua quan sát, học hỏi mỗi ngày, cô đã dần học được và nấu bún riêu cua ngon như mẹ chồng.
“Trước đây mẹ chồng tôi nấu, mỗi khi bà nấu tôi đều nhìn và rồi tự học hỏi. Tôi luôn nghĩ trong đầu rằng “Con sẽ làm ngon” và rồi tôi cũng làm được.
Hồi đó, ít cua cáy hơn, chỉ bán bún riêu cua không. Về sau điều kiện cũng phát triển, mọi người ăn nhiều hơn tôi lại cho nhiều cua và đương nhiên bát bún riêu cua cũng ngon hơn. Tôi còn nhớ, có lần các em học sinh ăn bảo “Sao cô không cho bò, giò, đậu vào cho ngon và đủ chất”, tôi nghĩ cũng đúng, vậy là từ đó tôi cho thêm và mọi người đón nhận nhiều”, cô Liên chia sẻ.
Góc nhỏ thân quen này gắn bó với cô từ khi về nhà chồng.
Nguyên liệu đều được cô lựa chọn kỹ lưỡng.
Mắm tôm đặc, thơm với màu tím khá đẹp mắt.
Theo cô Liên, tất cả các nguyên liệu làm bún riêu cua đều được cô lựa chọn kỹ lưỡng, chọn những mặt hàng tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo phục vụ thực khách bình dân. Suốt 40 năm qua, mỗi ngày đều đặn, cô dậy lúc 4h30 để làm hàng cho kịp bán lúc 6h30. Cả một năm cô chỉ nghỉ đúng 4-5 ngày Tết, rồi lại tiếp tục tất bật với gánh hàng nhỏ của mình.
“Nguyên liệu làm bún riêu cua đều được tôi chọn kỹ, cua phải lấy hàng ngon bảo họ xay. Bún lấy từ làng bún Phú Đô làm tay, chứ không làm máy. Vì khách đến quán ăn chủ yếu là khách bình dân nên thịt bò tôi lấy thịt bò diềm thăn vừa mềm, ngon, vừa rẻ. Mắm tôm, đậu, giò tai cũng vậy phải lấy hàng chuẩn, ngon. Thời điểm bán chạy nhất của quán là sau Tết, có ngày tôi bán được gần 1 tạ bún, còn mỗi ngày như bây giờ đều đều vài chục cân”, cô Liên cho biết.
Gánh hàng bún riêu cua nhỏ này đã nuôi sống gia đình cô Liên hơn 40 năm nay.
Tâm sự thêm về nghề “làm dâu trăm họ” của mình, cô Liên bảo, nhiều khi gặp khách say rượu, chửi bới, quát tháo, cô cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để yên bề làm ăn, chiều lòng khách. Tuy được nhiều người yêu thích đến ăn nhưng những ngày hè oi bức cô phải bán thêm canh bún để phục vụ.
Mặc dù ngày hè đến gần, gánh hàng rong nhỏ của gia đình cô bị nắng chiếu cả ngày nhưng cô vẫn không nghĩ đến việc chuyển địa điểm. Cô bảo, gánh bún riêu cua nhỏ đầu ngõ đã nuôi sống gia đình cô hàng chục năm nay nên cô sẽ mãi gắn bó với góc nhỏ thân quen này, với phong cách ăn bưng đặc biệt này để mọi người có thể tận hưởng và cảm nhận về một Hà Nội xưa dù mảnh đất Thủ đô này ngày càng hiện đại, tấp nập.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn