Biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nan giải nhất của các quốc gia trên thế giới khi hậu quả nó để lại vô cùng khôn lường. Việc trái đất ấm lên, lớp băng ở 2 cực tan ra có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người. Bên cạnh đó, việc biến đổi khí hậu còn có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, thậm chí là làm tan rã các mầm bệnh từ thời tiền sử đang nằm trong lớp băng vĩnh cửu.
Theo ông Vladimir Romanovsky, giáo sư địa vật lý tại Đại học Alaska (Mỹ), cho biết: "Các vi sinh vật có thể tồn tại trong không gian đông lạnh trong một thời gian rất dài. Khi băng tan, các hạt đất đã từng đóng băng, vật chất hữu cơ và vi sinh vật vốn bị đông lạnh hàng thiên niên kỷ có thể bị rã đông, sau đó được dòng nước đưa lên bề mặt. Đó là cách những vi sinh vật này có thể lây lan vào môi trường hiện nay".
Jean-Michel Claverie, giáo sư danh dự về gen tại Trường Y thuộc Đại học Aix-Marseille (Pháp), đưa ra giả thuyết: "Khi bạn đặt một hạt giống vào đất đã bị đóng băng hàng nghìn năm, không có gì xảy ra cả. Nhưng khi bạn làm ấm đất lên, hạt giống có thể nảy mầm. Điều đó tương tự như những gì xảy ra với virus".
Trước đó, phòng thí nghiệm của giáo sư Jean-Michel Claverie đã hồi sinh thành công virus Siberia có tuổi đời ít nhất 30.000 năm. Nhóm nghiên cứu của ông đã lấy một mẫu virus 30.000 năm tuổi trong lớp băng mang về phòng thí nghiệm. Ngay sau khi được làm ấm, loại virus này lập tức sống lại mặc dù đã "ngủ đông" 300 thế kỷ.
Hiện nay, những virus cổ đại như trên chỉ có thể tấn công các sinh vật đơn bào, nhưng hàng chục nghìn năm trước, rất có thể nó đã tấn công vào chuỗi thức ăn cao hơn.
Giáo sư Jean-Michel Claverie cho biết: "Người Neanderthal, voi ma mút, tê giác lông cừu đều mắc bệnh và nhiều con đã chết. Một số loại virus gây bệnh cho chúng có lẽ vẫn còn trong đất".
Vào mùa hè năm 2016, một đoàn người du mục chuyên chăn tuần lộc đã đồng loạt bị ốm vì một căn bệnh bí ẩn. Mọi người bắt đầu truyền tai nhau về dịch bệnh vốn đã biến mất từ năm 1941.
Trong lần cuối cùng xuất hiện, nó đã cướp đi sinh mạng của một cậu bé và 2.500 con tuần lộc trong vùng. Các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu và tìm tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn than, gây ra bệnh than - một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính. Chúng đã thoát ra từ xác tuần lộc rã đông và xác nạn nhân tử vong vì dịch bệnh 75 năm trước. Birgitta Evengard, nhà nghiên cứu vi sinh lâm sàng tại Đại học Umea (Thụy Điển), nói: "Bệnh than là minh chứng cho thấy vi khuẩn có thể nằm yên trong lớp băng vĩnh cửu hàng trăm năm và hồi sinh".
Báo cáo về Bắc Cực năm 2018 cũng suy đoán rằng, các mầm bệnh từng gây kinh hoàng trong lịch sử như Cúm Tây Ban Nha, đậu mùa, dịch hạch vốn đã bị xóa sổ, có thể được lưu trữ trong lớp băng tan.
Giáo sư Jean-Michel Claverie cho rằng mối nguy thực sự nằm ở các tầng sâu hơn, nơi các mầm bệnh chưa được biết đến đã không nhìn thấy ánh sáng ban ngày trong 2 triệu năm trở lên, có thể bị phơi nhiễm do hiện tượng ấm lên toàn cầu.
"Với việc khai thác công nghiệp ở Bắc Cực, tất cả các yếu tố nguy cơ đều có ở đó, bao gồm mầm bệnh và những người mang chúng", giáo sư nói.
Sự hồi sinh của các vi khuẩn hoặc virus cổ đại vẫn còn là suy đoán, nhưng những tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng sự lây lan của những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sốt rét, sốt xuất huyết, zika, giết chết nửa triệu người mỗi năm, là vô cùng rõ ràng.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/trai-dat-am-len-co-the-giai-phong-nhung-virus-co-dai-...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn