Hà Nội: Học sinh được hỗ trợ học phí cao nhất 108.500 đồng/tháng
Ngày 8/10, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội chính thức ký Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông thành phố Hà Nội năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có hiệu lực từ 15/10/2021.
Cơ chế hỗ trợ được áp dụng với các đối tượng là trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (không bao gồm cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài); học viên đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Theo đó, mức hỗ trợ bằng 50% mức học phí hàng tháng của năm học 2021-2022 do HĐND thành phố quy định (với cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên) tương ứng với hình thức học thực tế của tháng, tương ứng với từng vùng, từng cấp học.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, đối với cấp học nhà trẻ, mẫu giáo (không bao gồm trẻ em mầm non 5 tuổi), THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT, học sinh học tại khu vực thành thị được hỗ trợ 108.500 đồng/tháng khi học tại trường và 81.400 đồng/tháng nếu học online.
Học sinh học tại khu vực nông thôn nhận hỗ trợ 47.500 đồng/tháng học trong thời gian tại trường, 35.600 đồng/tháng trong thời gian học online.
Mức hỗ trợ đối với học sinh học tại các xã miền núi là 12.000 đồng/tháng học khi tại trường và 9.000 đồng/tháng khi học online.
Với trẻ em mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS, giáo dục thường xuyên cấp THCS, học sinh học tại khu vực thành thị được hỗ trợ 77.500 đồng/tháng cho thời gian học tại trường, 58.100 đồng/tháng cho thời gian học online.
Học sinh học tại khu vực nông thôn được hỗ trợ 37.500 đồng/tháng khi học tại trường, 28.100 đồng/tháng khi học online. Mức hỗ trợ tương ứng cho hai hình thức học này đối với học sinh tại các xã miền núi là 9.500 đồng/tháng và 7.100 đồng/tháng.
Đối với đối tượng đã được hưởng chế độ giảm 70% hoc phí, cấp học nhà trẻ, mẫu giáo, THPT, GDTX cấp THCS trên địa bàn thành thị, nông thông và xã miền núi, mức hỗ trợ cao nhất là 32.600 đồng/tháng học trực tiếp và thấp nhất là 2.700 đồng/tháng học online.
Đối với cấp học trẻ em mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS, GDTX cấp THCS trên địa bàn thành thị, nông thôn và xã miền núi, mức hỗ trợ cao nhất là 23.300 đồng/tháng học trực tiếp và thấp nhất là 2.200 đồng học online.
Đối với đối tượng được giảm 50% học phí ở địa bàn thành thị, nông thôn và xã miền núi, mức hỗ trợ tối đa là 54.300 đồng/tháng học trực tiếp và 4.500 đồng/tháng học online.
Đối với các đối tượng đã được hưởng chế độ không phải đóng học phí, miễn phí sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết này.
Thời gian hỗ trợ được tính theo thời gian học sinh học thực tế, tối đa không quá 9 tháng/năm học 2021-2022. Nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ ngân sách cấp thành phố.
Bắt quả tang 2 hiệu trưởng trên chiếu bạc
Ngày 9-10, ông Phạm Hữu Năm, Chủ tịch UBND xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xác nhận có vụ việc trên.
Theo đó, vào đêm 7 rạng ngày 8-10 (thời điểm đang diễn ra trận bóng đá giữa Việt Nam và Trung Quốc), các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã ập vào một nhà dân ở thôn Phú Sơn, xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn, bắt quả tang một nhóm người đang có hành vi đánh bạc.
Đáng chú ý, trong nhóm bị bắt trên chiếu bạc này có 2 hiệu trưởng của trường Tiểu học Các Sơn A và Các Sơn B.
"Công an huyện và Công an tỉnh trực tiếp bắt quả tang và tạm giữ hình sự 11 người. Trong các "con bạc" tham gia, có 2 Hiệu trưởng Tiểu học thuộc xã Các Sơn và 1 giáo viên THPT. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa được tiếp cận báo cáo cụ thể" - ông Năm thông tin.
Hiện vụ án đang được Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra, mở rộng.
(Theo Người lao động)
Lộ giá dịch vụ xe ghép “thông chốt” đưa người từ quê lên Hà Nội
Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội tuy nhiên vẫn tiếp tục siết chặt các chốt ra vào thành phố. Các phương tiện giao thông công cộng và hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh vẫn chưa hoạt động trở lại.
Trong khi đó, nhiều người dân ngoại tỉnh sau thời gian dài “nghỉ dịch” muốn trở lại Hà Nội để tiếp tục công việc hoặc ngược lại, những người ở thành phố muốn quê đều chưa thể đi lại tự do. Đa số lựa chọn phương tiện di chuyển bằng xe máy.
Nắm bắt được nhu cầu của số đông người dân ngoại tỉnh, thời gian gần đây trên nhiều nhóm kín trên mạng xã hội như: Xe ghép chuyến; xe tiện chuyến đi Hà Nội và ngược lại hoặc trong nhóm hội đồng hương một số tỉnh gần Hà Nội như Phú Thọ; Nam Định; Hải Dương; Thái Bình; Bắc Ninh… xuất hiện nhiều bài đăng giới thiệu dịch vụ xe ghép “đón tận nơi, trả tận nhà”.
Dịch vụ xe ghép đưa đón người từ quê lên Hà Nội nở rộ trên các diễn đàn mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Những xe này thường là xe ô tô 4 – 16 chỗ nhưng chỉ nhận từ 2 – 4 khách/lượt. Trong bài đăng giới thiệu dịch vụ, các nhà xe ghi “ưu tiên người đi khám bệnh, chuyên gia đi công vụ, du học sinh hồi hương, đón tiễn cách ly, sân bay…”.
Khách đi xe ghép thường phải trả từ 500.000 – hơn 2 triệu đồng/lượt, tùy loại dịch vụ kèm theo và tùy địa điểm khác nhau. Ví dụ đi từ Phú Thọ lên Hà Nội có giá từ 500.000 – 700.000 đồng/lượt chưa bao gồm phí xét nghiệm nhanh Covid-19. Theo đó, khách hàng phải tự chi trả tiền xét nghiệm nhanh giá khoảng 240.000 đồng/lần; xét nghiệm PCR khoảng hơn 700.000 đồng/lần.
Như vậy, giá thành của cả chuyến đi khách hàng phải trả ít nhất từ 700.000 – 1.500.000 đồng/người/lượt, mức giá này cao gấp nhiều lần so với thời điểm thường (khoảng 60.000 – 120.000 đồng/người/lượt).
Tuy giá cao, nhưng nhiều người không ngại chi trả số tiền này để được di chuyển trong thời điểm dịch. Chị Thanh Hoa (35 tuổi) chia sẻ: “Tôi mặc kẹt ở quê hơn 2 tháng, đến khi Hà Nội nới lỏng giãn cách mới tìm cách để lên vì có nhiều công việc cần giải quyết. Đắt vẫn phải đi vì không biết bao giờ xe khách mới được chạy trở lại. Mà xe ghép cũng không phải lúc nào cũng sẵn chỗ, tôi phải đợi 3 ngày mới tới lượt”.
Dịch vụ xe ghép chỉ trở số người hạn chế nên khách muốn đi phải đặt trước nhiều ngày. Mỗi nhà xe thường chỉ có một chuyến chạy trong ngày. Khách đi xe được đón tận nhà sau đó chở tới điểm qua chốt kiểm định, khách phải xuống đi bộ một đoạn sau đó bên kia chốt (phía Hà Nội, hoặc địa phận tỉnh) sẽ có xe khác đến đón.
Liên hệ với một nhà xe ở Phú Thọ, người này cho biết: Một tuyến đường sẽ có hai xe đón – đưa tận nơi: một xe trong địa phận tỉnh, một xe đón ở địa phận Hà Nội, khách chỉ phải đi bộ một đoạn đường ngắn. Do Hà Nội hiện tại vẫn được coi là vùng dịch tài xế từ Hà Nội về tỉnh sẽ phải cách ly nên buộc phải bố chi như vậy.
Một số nhà xe và loại xe khác sẽ đi thẳng tuyến từ tỉnh về Hà Nội mà không khách không cần chuyển xe qua chốt.
(Theo Dân Việt)
Ngành BHXH nỗ lực chi trả gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đến người lao động
Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong những ngày đầu tháng 10 này, cơ quan BHXH 63 tỉnh, thành phố đã huy động lực lượng, bố trí đội ngũ cán bộ, viên chức tích cực rà soát dữ liệu, lập danh sách NLĐ đủ điều kiện hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN để gửi đến các doanh nghiệp (DN) cho NLĐ kịp thời rà soát, bổ sung thông tin.
Cơ quan BHXH nỗ lực chi trả tiền hỗ trợ từ gói 30 nghìn tỷ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động
Theo quy trình, khi nhận được danh sách NLĐ đề nghị nhận hỗ trợ đã được bổ sung thông tin, trong đó có thông tin về số tài khoản ngân hàng do DN gửi, cơ quan BHXH sẽ nhanh chóng chuyển tiền hỗ trợ đến NLĐ theo các mức hưởng tương ứng với thời gian tham gia BHTN của NLĐ.
Những ngày này, không quản ngày đêm, kể cả trong ngày nghỉ, các cán bộ, viên chức, NLĐ ngành BHXH tỉnh Phú Yên ai cũng khẩn trương, tập trung rà soát, cập nhật, đối chiếu… đảm bảo chuyển tiếp hồ sơ nội bộ nhanh nhất có thể nhằm giúp NLĐ sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Riêng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính được tăng cường lực lượng vừa tiếp nhận, hướng dẫn NLĐ cài đặt ứng dụng VssID để đối chiếu quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của bản thân, vừa nhập hồ sơ vào phần mềm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, giúp NLĐ không mất thời gian, công sức giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH.
Kết quả, theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến hết ngày 7/10/2021, toàn tỉnh đã có 1.336 lao động đã được đơn vị, DN đăng ký thủ tục nhận hỗ trợ; riêng lao động dừng đóng BHTN đã có 1.008 người đăng ký. Với quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ của BHXH tỉnh, dự kiến, số người được hưởng chính sách hỗ trợ lần này sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới…
Cũng theo ghi nhận tại TP.HCM, dù là những ngày cuối tuần nhưng nhiều quận, huyện trên địa bàn TP vẫn đang rất nỗ lực rà soát, tiến hành triển khai gửi danh sách NLĐ tham gia BHTN cho các DN để thực hiện đối chiếu, xác nhận thông tin để kịp thời chi hỗ trợ, giúp NLĐ sớm có thêm chi phí vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp này.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP cho biết, địa phương là nơi bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên số lao động thất nghiệp cũng lớn nhất cả nước. BHXH TP.HCM đã sơ bộ thống kê, hiện TP có khoảng gần 3 triệu lao động, bao gồm lao động làm việc tại 84.000 DN và lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHTN được hưởng gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN lần này, với kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 23% so với toàn quốc.
(Theo Báo Giao thông)
Khách bay từ TP.HCM về Hà Nội phải cách ly tập trung 7 ngày
UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ GTVT về việc mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến Hà Nội.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký nêu, rõ, hành khách bay từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội phải có chứng nhận tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng, hoặc có giấy xác nhận khỏi Covid-19 không quá 6 tháng (trường hợp chưa đủ điều kiện tiêm chủng đi cùng người thân thì theo hướng dẫn của Bộ). Đồng thời, phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ 5K, khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến.
Khách bay từ TP.HCM về Hà Nội sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày
Đặc biệt, hành khách phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của thành phố và cơ sở lưu trú (khách sạn) do Hà Nội công bố. Hành khách tự đảm bảo các chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định.
Sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày. Hà Nội sẽ công bố các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở lưu trú, khách sạn phục vụ cách ly và chi phí liên quan để người dân tự chọn.
Trường hợp công tác công vụ, lực lượng tham gia phòng chống dịch về Hà Nội thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
Với hành khách từ sân bay Đà Nẵng về Nội Bài và lưu trú tại TP Hà Nội, cũng đáp ứng các tiêu chí trên, nhưng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú/nhà trong thời gian 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 trước khi kết thúc cách ly và tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú/nhà 7 ngày tiếp theo.
Với hành khách đi từ sân bay Nội Bài cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT.
Với sân bay Nội Bài, Hà Nội yêu cầu tổ chức phân luồng hành khách đến và lưu trú tại Hà Nội, hành khách chỉ đến Nội Bài và đi về các tỉnh, thành khác; hành khách đến thực hiện công vụ... để phục vụ công tác phòng chống dịch và đón công dân.
Các hãng hàng không phải quy trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị bán vé, chỉ bán cho khách có đủ điều kiện được bay theo quy định, chỉ cho phép khách đủ điều kiện lên máy bay. Nếu để lọt hành khách đến sân bay điểm đến không đủ điều kiện phải chịu trách nhiệm chở khứ hồi hành khách quay trở lại điểm đi.
Hành khách tham gia chuyến bay phải cam kết về trách nhiệm phòng chống dịch Covid-19 và các chi phí xét nghiệm, cách ly (nếu có) theo quy định của địa phương khi mua vé máy bay.
UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT chưa xem xét việc vận chuyển hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội và tiếp tục nghiên cứu, thống nhất, phối hợp đảm bảo an toàn với các chuyến bay về sân bay quốc tế Nội Bài.
(Theo Báo Giao thông)
Nam sinh 15 tuổi ở Hà Nội co giật, bất tỉnh sau khi hút thuốc lá điện tử: Gia đình nói gì?
Nam sinh 15 tuổi được người nhà phát hiện ngã từ trên ghế đập đầu xuống nền cứng kèm theo co giật 3 – 4 lần, mỗi cơn kéo dài 3 – 5 phút, nguyên nhân do nạn nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử.
Ngày 9/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc do hút thuốc lá điện tử.
Mới đây nhất, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đ.X.Đ. (15 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn tối đa.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng đặt ống nội khí quản và thực hiện các biện pháp cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê chưa rõ nguyên nhân.
Báo Công Lý dẫn lời chia sẻ của gia đình cho biết, khoảng 13h cùng ngày, người thân phát hiện Đ. ngã từ trên ghế đập đầu xuống nền cứng kèm theo co giật 3 - 4 lần, mỗi cơn kéo 3 - 5 phút.
Với tình trạng trên, sau khi tiến hành chụp CT Scanner sọ loại trừ tổn thương não, xét nghiệm khí máu cho kết quả bình thường, các bác sĩ cai an thần để bệnh nhân tự thở qua ống và tỉnh trước khi rút ống nội khí quản.
Sau khi tỉnh lại, bệnh nhân cho biết đã hút thuốc lá điện tử có bơm tinh dầu tự mua trên thị trường. Hiện sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định.
Nhậu xong, 7 người ra chốt phong tỏa “kiếm chuyện” với lực lượng trực
Sáng 9-10, Công an tỉnh Kiên Giang cho hay cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam bảy người về tội chống người thi hành công vụ.
Những người này bị bắt sau khi đã hoàn thành cách ly và điều trị khỏi bệnh COVID-19.
Các nghi can từ trái qua: Hoài, Phú, Tỷ, An, Hưng, Thạch và Thanh. Ảnh: VĂN VŨ
Bảy người bị bắt tạm giam cùng ngụ tại phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, gồm: Nguyễn Tuấn Hoài (31 tuổi), Danh Phú, Lý Hưng (cùng 27 tuổi), Danh Tỷ, Nguyễn Văn An (cùng 25 tuổi), Lý Hùng Thanh (20 tuổi) và Danh Thị Ngọc Thạch (21 tuổi).
Trước đó, tối 18-9, sau khi tụ tập uống rượu, Hoài và Phạm Phú Liêu (28 tuổi) đi bộ ra chốt trực khu phong tỏa ở đầu hẻm số 77, đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường Vĩnh Lạc có lời lẽ xúc phạm và hăm dọa lực lượng trực chốt.
Lý do là nhiều lần các đối tượng mua rượu, bia vào khu vực phong tỏa nhưng đều bị bảo vệ trực chốt không cho.
Thấy hai người đã say nên lực lượng trực chốt khuyên can và yêu cầu Hoài, Liêu về nhà ngủ. Tuy nhiên, Hoài đã tự ý đi ra ngoài khỏi khu vực phong tỏa và tiếp tục dùng lời lẽ xúc phạm, hăm dọa lực lượng trực chốt.
Lúc này, một cán bộ Công an đã giữ Hoài lại, những người còn lại thấy vậy liền xông ra ngăn cản, chửi bới gây mất an ninh trật tự.
Nhận tin báo từ lực lượng trực chốt, Công an phường Vĩnh Lạc đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường mời những người vi phạm về trụ sở làm việc. Tại công an phường, nhóm này dùng cây và đá tấn công lực lượng Công an nên đã bị khống chế bắt giữ.
Qua xét nghiệm có một trong số bảy đối tượng dương tính với virus SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đưa đi điều trị và cách ly tập trung các đối tượng còn lại.
(Theo Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh)
.content .btn-cv19-link *{box-sizing:border-box}.content .btn-cv19-link{max-width:700px;margin:20px auto}.btn-cv19-link{border-top:1px solid #dfdfdf;margin:20px 0}.btn-cv19-link p{display:flex;padding:15px 0 0;margin:0 -5px !important}.btn-cv19-link p a{flex:0 0 33.33%;max-width:33.33%;padding:0 5px;position:relative}.btn-cv19-link p a img{vertical-align:middle;height:36px !important}.btn-cv19-link p a:before{content:"";position:absolute;top:-16px;left:0;width:100%;height:2px;background:#e28aa5;transition:all ease .5s;transform:scale(0)}.btn-cv19-link p a:hover:before{transform:scale(1)}
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tin-tuc-24h-lo-gia-dich-vu-xe-ghep-thong-chot-dua-...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn