Tâm sự của vợ chồng cụ ông 70 tuổi lao mình xuống dòng nước lũ cứu nữ sinh

Thứ sáu - 23/12/2016 09:02

Tâm sự của vợ chồng cụ ông 70 tuổi lao mình xuống dòng nước lũ cứu nữ sinh

Tuổi già sức yếu nhưng hai cụ nhìn thấy nữ sinh bị nước cuốn trôi vẫn xả thân cứu bất chấp tính mạng gặp nguy hiểm.

Hai người hùng

Năm ngày trôi qua, nữ sinh Nguyễn Thị Thúy Hằng (19 tuổi, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) là sinh viên năm hai, trường cao đẳng Y tế Huế, vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi có người nhắc đến vụ việc  suýt mất mạng vì lũ . Giọng run run, Hằng kể, sáng 15/12, nước lên nhưng vẫn điều khiển xe máy đến trường. Đến trưa, nước dâng cao. Em điều khiển xe máy chạy trên đường ven sông Như Ý về nhà. Càng đi, nước càng ngập sâu và chảy siết.

Đi được một đoạn, do nước ngập sâu, Hằng sợ nên dừng lại gọi điện nhờ cha chèo ghe ra đón. Vài phút sau, một nhóm thanh niên điều khiển xe máy chạy ngang bảo: “Mọi người vẫn chạy xe được đó”. Trong lòng sợ sệt nhưng thấy xe của nhóm thanh niên vẫn qua đoạn nước sâu được nên em nổ máy, tăng ga.

 

Vợ chồng cụ Phước bên nữ sinh Hằng.

Đi đến đoạn nước sâu, Hằng hoảng loạn khi dòng nước xô xe ngã. Cả em lẫn xe bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi . “Lúc ấy, em cố kêu cứu nhưng không thể. Em cũng nghĩ đến việc, mình sẽ không thể sống sót”, nữ sinh viên chia sẻ. Im lặng trong giây lát, em nói tiếp: “Rất may, lúc ấy, vợ chồng cụ Phước, bà Nguyệt ở gần đó phát hiện, chạy ra cứu. Nếu không, có lẽ em đã qua đời rồi”.

Ngồi cạnh đó, bà Phan Thúy Nguyệt (68 tuổi, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp lời: “Tôi và chồng đang ở trong nhà, nghe tiếng xe máy chạy ngang đoạn nước chảy xiết nên định ra cảnh báo. Vừa ra đến nơi, tôi đã thấy có một thiếu nữ bị lũ cuốn trôi chỉ còn nổi lên chiếc mũ bảo hiểm. Ngay lập tức tôi hô cứu”.

Nghe vậy, chồng bà là cụ Nguyễn Thanh Phước (73 tuổi) vội chạy ra. “Lúc ấy, chỉ có suy nghĩ phải cố gắng cứu người bị nạn nên tôi lao xuống dòng nước. Tôi cố bơi đến chỗ cháu Hằng nhưng nước chảy siết quá cứ đẩy tôi ra xa. Sau cùng, tôi cũng bắt được, đẩy để cháu Hằng ngoi lên trên thở. Tôi đưa cháu lên khỏi mặt nước tổng cộng bốn lần”, cụ kể.

Dù rất cố gắng nhưng cụ Phước vẫn không thể đưa Hằng vào đến bờ. Lúc này, sức cụ yếu dần. Cụ sợ cả hai người sẽ bị dòng nước nhấn chìm nên dùng chút sức tàn bơi vào bờ. Lúc cách bờ chừng vài sải tay, con trai cụ đưa chiếc sào để cụ nắm rồi kéo vào bờ.

Cùng lúc này, có một nhóm thanh niên đi bắt chuột đến, vội vào giúp bà Nguyệt cắt sợi dây cột ghe. Bà bơi ghe ra chỗ nước sâu. Khi ấy, Hằng chìm, chỉ còn mỗi chiếc mũ bảo hiểm nổi lên trên mặt nước. Nhóm thanh niên vội túm lấy chiếc mũ bảo hiểm, tì vào mạn ghe, còn bà Nguyệt cố gắng bơi ghe vào bờ.

Khi vào đến nơi, nữ sinh ngất lịm. Bà Nguyệt cùng nhóm thanh niên sơ cứu nhưng nữ sinh vẫn nằm im. Bà vội đi lấy rơm, đốt và hơ phía sau lưng sưởi ấm. Bất ngờ, Hằng động đậy, miệng rên. “Lúc ấy, tôi cứ nghĩ, cháu nó chết rồi. Nghe tiếng rên của cháu mà tôi không cầm được nước mắt”, cụ kể.

Cuộc sống khó khăn

Cụ Phước cho biết, thời chiến tranh, nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, cả hai cụ đều ra mặt trận. Cả hai từng chịu nhiều thương tật. Cụ Phước từng bị cầm tù bốn năm ở Côn Đảo. Từ chiến trường kháng chiến chống Mỹ trở về, hai cụ gặp gỡ, kết hôn. Bà Nguyệt cấn thai, hạ sinh đứa con gái đầu lòng lành lặn.

Mong muốn có đứa con trai nối dõi, mệ lại cấn thai. Đứa trẻ thứ hai cũng theo nguyện ước của hai vợ chồng. Nhưng, họ đau đớn khi đứa trẻ sinh ra bị nhiễm chất độc dioxin. Rồi, ba đứa con trai nữa ra đời cũng bị căn bệnh như anh trai.

 

Cụ Phước bên chiếc ghe cứu người

Rất buồn nhưng vợ chồng cụ Phước hàng ngày vẫn tảo tần với ba sào ruộng. Ngoài ra, vợ chồng cụ còn bắt mớ cá, mớ tôm để cải thiện bữa ăn. Cuộc sống khó khăn vẫn trôi qua trong êm đềm. Đến nay, cô con gái đầu đã lấy chồng. Hai cụ vẫn lao động để nuôi bốn đứa con bệnh tật.

Hiện tại, vợ chồng cụ Phước được trợ cấp hàng tháng theo diện chế độ cựu chiến binh. Cụ đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Thủy Thanh. Ngoài ra, bốn đứa con bệnh tật cũng được hỗ trợ mỗi người mỗi tháng 1 triệu đồng.

Bà Nguyệt kể, hôm xảy ra sự việc, thấy chồng lao xuống nước cứu người, bà bảo con trai đưa cho mình con dao để cắt sợi dây neo chiếc ghe để giúp. Thế nhưng, con trai lại đưa cho bà chiếc chổi. “Con tôi khù khờ. May mà có nhóm thanh niên đi ngang, nếu không mất mạng người rồi”, cụ nói.

Ông Trần Duy Việt (Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh) cho biết, đã nhận được thông tin về trường hợp cứu người của vợ chồng cụ Phước và những người khác. Phía chính quyền đã đến thăm hỏi, động viên, biểu dương hành động dũng cảm này. Phía UBND xã đã lập hồ sơ đề xuất cơ quan cấp trên tặng bằng khen biểu dương cụ Phước và những người có hành động cứu người trong lũ.

Nguồn tin: eva.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây