Anh Võ Quý H kể: “Mỗi lần tôi đến thăm con gái là mẹ nó không cho vào nhà. Tôi gửi cho cháu cái gì cô ấy cũng trả lại vì cho rằng tôi muốn đầu độc con…”.
Sự việc phức tạp
Vụ việc chị N "nhốt" con gái 11 tuổi trong nhà nhiều năm, không cho đi học và giao lưu với bên ngoài đã gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua. Việc cần thiết nhất hiện nay vẫn là giúp đỡ hai mẹ con chị N, đặc biệt là bé H thoát khỏi cảnh bị "nhốt".
Tuy nhiên, qua tìm hiểu và đánh giá của các chuyên gia luật pháp, chuyên gia về bảo vệ trẻ em thì đây là một sự việc phức tạp và cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan hữu trách, đồng thời quan trọng nhất vẫn là sự hợp tác từ phía gia đình.
Sáng 23/12, trao đổi với Báo Gia đình & Xã hội, bà Ninh Thị Hồng (Uỷ viên thường vụ, Thường trực Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) đánh giá: "Đây là sự việc mà chính mẹ đẻ đã vi phạm quyền trẻ em mà lại ngay giữa Thủ đô. Tuy chưa thể xác định chính xác trẻ có bị hành hạ, đánh đập không hoặc ở mức độ nào nhưng nếu không giải quyết kịp thời thì sẽ gây những hậu quả không tốt đối với em bé này. Cần có những biện pháp giải quyết để bảo vệ em bé, nhất là quyền được đi học, giao lưu với bạn bè và tiếp xúc với môi trường xung quanh".
Hai mẹ con chị N rất ít khi ra ngoài và không giao lưu với người khác.
Tuy nhiên, theo bà thì đây là sự việc phức tạp vì chính người mẹ mắc phải những biểu hiện không bình thường nên việc xử lý sẽ không đơn giản.
Theo bà Hồng, một số chuyên gia luật pháp đưa ra những biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật nhưng đó là áp dụng với người bình thường. Trường hợp này, người mẹ có những biểu hiện không bình thường nên không thực hiện được.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh những người có biểu hiện không bình thường này lại có thể gây nguy hiểm cho xã hội, trường hợp này lại là một mình đứa trẻ sống cùng người mẹ nên sẽ rất nguy hiểm.
Quan trọng vẫn là gia đình
Nói về hướng xử lý vụ việc này, bà Hồng phân tích: Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xem xét và tác động những người trong gia đình hoặc người thân quen của chị N để đưa chị này đi khám và chữa bệnh. Đồng thời, lúc này, chính quyền sẽ gửi cháu H cho người bố đẻ để chăm sóc.
Tuy nhiên, đây là vụ việc mang tính chất dân sự chứ không phải là hình sự, trong khi người mẹ này đang có quyền nuôi con. Trong trường hợp này, những cơ quan có quyền là chính quyền địa phương, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc Bộ Lao động Thương binh & Xã hội… phải xử lý theo hướng thuyết phục, tác động bằng nhiều biện pháp để đưa chị N đi khám, chữa bệnh. Nếu không thuyết phục được thì người bố phải thay đổi quyền nuôi con.
Mọi người xung quanh, kể cả người thân đều không thể tiếp xúc với chị N và bé H cũng có biểu hiện lầm lì, sợ người lạ.
"Trừ trường hợp ông bố đưa ra những bằng chứng để xin tòa án giành lại quyền nuôi con thì hiện giờ khó mà có giải pháp nào để tách cháu bé ra khỏi người mẹ. Đây là trường hợp cháu bé bị xâm hại quyền nhưng trước mắt là ở mức độ không được đi học, chưa rõ được những dấu hiệu có bị hành hạ dã man hay không nên không thể can thiệp hình sự mà phải tác động và thuyết phục theo phương diện dân sự và hôn nhân - gia đình.
Còn nếu trường hợp những người hàng xóm nghe thấy tiếng cháu bé la khóc, hay thấy dấu hiệu của đánh đập thì phải lập tức gọi ngay công an đến để có biện pháp xác minh. Khi đó thì mới xử lý được" - bà Hồng phân tích.
"Chỉ riêng chính quyền thì không làm được"
Thực tế, sự việc này đã được chính quyền địa phương và các cơ quan hữu trách phát hiện từ nhiều năm nay nhưng vẫn không thể giải quyết được, chủ yếu do khó khăn trong việc tác động chị N và phía thân nhân thì cũng "bó tay". Trong khi đó lại chưa có một cơ chế cụ thể nào để giải quyết việc này.
Liên hệ với Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng) cho rằng, công tác xã hội phải áp dụng trên từng trường hợp, hoàn cảnh. Đây là trường hợp rất đặc biệt. Trước mắt, phải cố gắng tiếp cận với hai mẹ con chị N. Thứ hai, để giải quyết trường hợp này thì vẫn phải đặt nguyên tắc lợi ích của trẻ em lên hàng đầu. Trường hợp này phải cân nhắc, nhiều người cho rằng nên tách bé H ra nhưng thực tế chưa thể xác định được mức độ bất bình thường về mặt tâm thần, trí tuệ của người mẹ và em bé này như thế nào.
" Việc em bé không được đi học thì đã bị vi phạm quyền nhưng chưa xác định được các dấu hiệu xâm hại khác. Phải có sự tiếp cận của các nhà tâm lý, nhà khoa học chứ riêng chính quyền thì không làm được. Đây là trường hợp rất đặc biệt, việc lập tức tách đứa bé ra thì có khi lại gây hại. Hiện chính quyền địa phương đang hết sức cố gắng để tháo gỡ nhưng chưa tìm ra cách nào để giải quyết tốt nhất và chúng tôi đang tiếp tục theo dõi…"
Đã từng có cuộc "giải cứu" do các luật sư, nhà báo phối hợp với chính quyền và gia đình nhưng do đến cuối cùng lại không đồng thuận nên kế hoạch thất bại!
Cụ thể hơn về cơ chế bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường hợp này, bà Ninh Thị Hồng cho biết: Hiện tại cũng chưa có quy định cụ thể nào để giải quyết và chủ yếu là vận dụng các quy định đã có về Quyền trẻ em, Luật Dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình.
Riêng đối với Luật trẻ em sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2017, có đưa ra quy trường hợp trẻ em bị bạo hành nghiêm trọng thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tách trẻ ra khỏi môi trường bị bạo hành.
Tuy nhiên, theo bà Hồng thì bé H lại không thuộc trường hợp trên. Bởi ngoài việc không được đi học và tiếp xúc với bên ngoài thì những dấu hiệu bị bạo hành nghiêm trọng vẫn chưa thể khẳng định.
"Vì vậy, với trường hợp này thì vẫn không xử lý được theo quy định trong luật sắp tới, vẫn phải tuân theo quy định của hôn nhân – gia đình. Trong dự thảo bàn về nghị định hướng dẫn Luật trẻ em tới đây thì chúng tôi sẽ phải bàn về vấn đề này để xem xét trường hợp trẻ em rơi vào hoàn cảnh này thì nên có biện pháp xử lý cụ thể như thế nào".
Trong sự việc bé gái 11 tuổi bị mẹ "nhốt" không cho đi học, dư luận đã đặt ra những câu hỏi mang tên "người thân": Tại sao gia đình lớn của mẹ con cháu H lại bỏ mặc họ suốt chừng ấy năm mà không tác động, giúp đỡ gì?.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn