Sau nhiều ngày lần lữa, một ngày đầu tháng 3, anh Lê Thái Kỳ (ở thành phố Odessa) quyết định gọi đứa con trai lớn 22 tuổi vừa tốt nghiệp đại học và đang làm cho một công ty máy tính ở Ukraine vào phòng và nói: "Tình cảnh chiến sự như vậy, con phải quyết định ngay. Nếu con muốn ở lại, bố sẽ ở lại cùng con. Nhưng không thể để mẹ và em Mỹ Linh tự về Việt Nam được".
Lê Anh - tên tiếng Việt của cậu con trai - mang nửa dòng máu Việt, nửa dòng máu Ukraine thẳng thắn: "Con tự ở đây được. Thanh niên trai tráng mà bỏ chạy đi, con không muốn. Con sẵn sàng ở lại. Bố cứ đưa mẹ và em đi". Lúc này, chị Lê Lena vợ anh gạt phắt: "Nếu đi thì đi cả nhà, còn không thì ở lại cùng chết với nhau".
Trong lòng anh Kỳ lúc này đầy sự giằng xé, bởi lựa chọn nào với anh cũng đều không muốn. Để lại đứa con trai ở một đất nước loạn lạc vì chiến tranh, không biết kết cục sẽ thế nào. Nếu hai bên cứ đánh phá dữ dội như ở Kharkov và Mariupol, thì cũng mất liên lạc. Còn ở lại cả nhà thì không biết sống chết ra sao?
"Nhưng Mỹ Linh mới có 3 tuổi rưỡi, nó phải có quyền được sống chứ", anh Kỳ nói lớn rồi quyết định ngày mai (7/3), đúng 10h phải rời khỏi Odessa, vì chuyến đi này cũng là chuyến vét. Nhiều người Việt ở Odessa đã rời nhà từ tuần trước, gia đình anh Kỳ là một trong những gia đình ở lại cuối cùng. Nếu không đi chuyến này, cơ hội rời khỏi đây sẽ ngày càng khó khăn bởi Odessa là thành phố chiến lược về kinh tế, có tầm quan trọng chiến lược đối với các lực lượng Nga.
Đó là những giây phút căng thẳng của gia đình anh Lê Thái Kỳ - người Việt sinh sống ở thành phố Odessa trong những ngày xung đột vũ trang tại Ukraine.
Gia đình anh Kỳ cũng như hàng nghìn cư dân Ukraine nói chung, những người Việt Nam nói riêng, đã tìm cách tháo chạy, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu, dẫn tới những ngày sống trong sự chia cắt, không biết sống chết ra sao. Anh Kỳ buộc phải để lại đứa con trai đầu - đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ đất nước của họ; đưa vợ và con gái nhỏ trở về Việt Nam lánh nạn.
"Thật khó tưởng tượng quyết định nào khó khăn hơn thế. Nhưng tình cảnh như này buộc tôi phải quyết định để đứa con trai ở lại", anh Kỳ nói với phóng viên Dân Việt, giọng vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau chuyến đi đầy giằng xé bởi sự chia cách.
Sang Ukraine học tập cách đây hơn 30 năm, anh Kỳ lấy vợ người bản địa, hai vợ chồng anh chị có hai người con. Bao nhiêu năm lập nghiệp và sống ở đây, anh Kỳ đã coi Ukraine là quê hương thứ hai. Anh cũng chưa từng nghĩ, sẽ có ngày mình phải bỏ lại tất cả ở mảnh đất này.
Odessa nơi anh sinh sống là thành phố cảng, lớn thứ ba Ukraine - một trong những cầu nối giao thông hàng hải lớn nhất cả nước và khu vực với nhiều khu cảng lớn. Thành phố có sân bay và cơ sở chỉ huy hải quân. Những ngày qua, quân đội Nga chủ yếu nã pháo vào các cảng biển, còi báo động phát mỗi ngày.
Anh kể với phóng viên Dân Việt, từ khi chiến sự bùng phát, anh rất quan tâm đến các đầu mối liên lạc, tình hình di chuyển và hướng dẫn các thủ tục biên giới được người Việt tại Ucraine chia sẻ nhiều trên các diễn đàn. Nhiều người thân, bạn bè của anh ở khắp nơi cũng gọi điện hỏi thăm, nhiều lần khuyên anh rời khỏi Ukraine. Nhưng cũng như một số gia đình khác, anh nấn ná chưa quyết định vội bởi anh cứ hy vọng "chắc sẽ ổn thôi".
Nhưng nghe tin chiến sự dồn dập từ các nơi, Nga không kích hàng loạt mục tiêu ở thủ đô Kiev, đồng thời chặn đường ra biển Azov của quân đội Ukraine, rồi có nhiều thông tin cho rằng thành phố Mariupol, phía nam Ukraine, đang bị lực lượng Nga bao vây, anh Kỳ đã quyết định phải rời bỏ đất nước.
Cả tối hôm đó, chị Lê Lena vợ anh cứ bần thần, xếp quần áo vào vali rồi lại bỏ ra khiến anh cũng sốt ruột, anh vừa phải an ủi, vừa phải liên tục giục chị.
Ngày 7/3 - buổi sáng cuối cùng phải rời khỏi Odessa, chị Lê Lena nhất quyết không chịu đi. Chị cứ ngồi khóc lóc, không chịu sửa soạn quần áo, thần kinh căng thẳng. "10h phải đi thì vợ tôi lên cơn đau tim, không thở được phải gọi xe cấp cứu. Nhưng gọi xe cấp cứu ở bệnh viện công không được vì họ bảo tình hình chiến sự rối ren, không có xe, cuối cùng phải gọi cho một bệnh viện tư nhân, với giá rất đắt. Sau khi nhân viên y tế tiêm xong, taxi cũng đã chờ sẵn, tôi cứ thế tống vội mấy bộ quần áo cho vào va li, đứa con gái cũng chỉ kịp khoác tạm chiếc áo bên ngoài rồi đi đến điểm tập kết", anh Kỳ nhớ lại thời điểm căng thẳng trước khi rời khỏi nhà.
Lúc này, cả đoàn người Việt cũng đã trên xe chờ sẵn, nhiều người tỏ ra sốt ruột. Một số người chạy xuống và bốc đồ đạc lên để xe nhanh chóng chuyển bánh.
Xe chạy khỏi thành phố. Trên đường, hầu hết cửa hiệu, nhà hàng, công sở đóng cửa. Tình hình hỗn loạn, xe hơi ken đặc các con đường, rồi những xe bọc thép và xe quân sự. Các bao cát được chia ra, xếp thành những bức tường cát dựng lên tại các lối vào thành phố, những cửa ra vào hay trên cửa sổ của mỗi ngôi nhà, trên những con phố. Tại các giao lộ, các xe đều bị chặn lại để kiểm tra. Âm thanh của tiếng còi xe và tiếng người nháo nhào bỏ chạy khiến mọi người có cảm giác thật khủng khiếp.
"Cảnh sát đeo súng kiểm soát rất kỹ các xe ra vào thành phố, họ sợ có vũ khí. Xe chúng tôi hôm đó khá may mắn đi đường tắt nên không phải xếp hàng, không phải qua phà. Đi từ chiều, rồi cả đêm hôm đó thì đến được biên giới", anh Kỳ nhớ lại chuyến đi đầy khó khăn để thoát khỏi vùng chiến sự.
"Tình cảnh của những người chạy loạn lúc đó rất thương tâm", anh nói. Hàng nghìn người cố vượt qua những đường biên giới tắc nghẽn hàng chục km, chờ đợi hàng giờ trong giá lạnh trên ô tô. Nhiều người đã phải lầm lũi mang vác đồ đạc tối thiểu, đi bộ cả đêm trong trời tuyết và lạnh để đến biên giới, với mong mỏi được đến một nơi nào đó xin tị nạn.
Họ chen lấn, đông nghịt, những gương mặt thất thần, bất an. Có người dường như không biết phải phản ứng như thế nào trước những tình cảnh đang xảy ra, vì thiếu giấy tờ hay thủ tục mà chưa thể rời khỏi Ukraine được. "Tôi chỉ còn cảm giác sợ hãi", một người phụ nữ đã tuyệt vọng thốt lên giữa cái lạnh cắt da, cắt thịt ở biên giới, anh kể.
"Qua biên giới có những cảnh rất đau lòng. Nhiều người đàn ông tiễn vợ và con xong thì phải quay trở lại. Một người đàn ông đã bật khóc khi bị buộc phải giao lại 2 con nhỏ cho người lính biên phòng tại chốt rồi phải quay lại Ukraine, không biết khi nào được gặp lại con. Chúng còn quá nhỏ. Vì là người Việt Nam nên chúng tôi được ra khỏi biên giới dễ dàng", anh Kỳ kể, giọng vẫn chưa hết xúc động. "Không biết có trở về nữa không, tôi không muốn đi nhưng ở lại thì vô cùng nguy hiểm"- một người phụ nữ nói trong sự bất lực trong lúc chờ đợi để vượt qua biên giới.
Đến Rumani, cả đoàn người trong đó có gia đình anh Kỳ được người Việt và các hội hỗ trợ người lánh nạn tổ chức đón tiếp rất nhiệt tình, bố trí nơi ăn ở, đưa về những nơi dành cho người Việt Nam tị nạn. Chỗ ở của người tị nạn có khi là sân bóng rổ, có khi là ký túc xá sinh viên, điều kiện vật chất thiếu thốn. Các tình nguyện viên người Việt đã đem đồ ăn, thuốc men và chăn ấm. Nhiều người sau khi nhận được sự giúp đỡ và đồ cứu trợ của người Việt, xúc động bật khóc.
Vợ chồng anh Kỳ và con gái may mắn được đưa vào một ngôi nhà đang xây dở. Hàng chục người chen chúc, trải đệm xuống dưới sàn, ở chung với nhau mấy ngày để chờ có chuyến bay cứu trợ người Việt Nam. Ở chung với gia đình anh, có vài gia đình và một số bạn trẻ sang châu Âu lánh nạn.
Ngày 16/3, gia đình anh cũng như nhiều người Việt Nam khác đã được đưa lên chuyến bay về nước, thoát khỏi vùng chiến sự.
"Ra đến sân bay, lại nghe có những tin nơi này nơi kia bị bao vây, lúc đó cảm xúc của tôi rất lẫn lộn. Đưa được vợ và con nhỏ lên máy bay là cảm giác an toàn, nhưng vẫn đầy sự giằng xé, không biết số phận của đứa con trai thế nào. Nếu có gì xảy ra mình cũng không can thiệp được, con trai thì còn trẻ", anh Kỳ nói với phóng viên Dân Việt, giọng vẫn còn hoang mang. Bởi chính anh lúc này cũng còn chưa biết ngày nào mình sẽ được gặp lại con.
Về Việt Nam, nỗi vui mừng được "thoát chết", trở về gặp lại người thân, xen lẫn với nỗi lo cuộc sống tiếp theo. Cũng như rất nhiều gia đình người Việt sang sinh sống tại Ukraine, khi chạy loạn, cả gia đình anh Kỳ đã bỏ lại toàn bộ nhà cửa, tài sản, xe cộ...
"Chúng tôi chỉ biết đặt tính mạng lên hàng đầu. Tài sản mang theo không có gì ngoài mấy bộ quần áo, một chút nhu yếu phẩm, thuốc men và chút ít tiền mặt còn lại", anh Kỳ nói.
Anh bảo dù là người Việt, nhưng 30 năm sống ở Ukraine, lấy vợ Ukraine nên anh đã quen cuộc sống bên đó. Giờ về Việt Nam, anh cũng chưa biết bắt đầu cuộc sống như thế nào.
"Trước mắt vợ chồng tôi đang tính thuê nhà ở đâu mà sống, vì sống nhờ họ hàng chỉ vài ngày thôi chứ không sống lâu được. Nhưng rồi, khó khăn bao nhiêu cũng có thể vượt qua được, nếu chúng ta còn sống", anh Kỳ nói, giọng đầy hy vọng.
Nguồn: https://danviet.vn/gio-phut-can-nao-cua-nguoi-cha-viet-de-con-lai-noi-chien-su-ukraine-...
An ninh hình sự
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn