Ngày 22/8, phiên xét xử ông Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thất thoát 9.000 tỷ đồng tiếp tục với phần bào chữa.
Trong phần làm việc buổi chiều, là người đầu tiên bào chữa cho mình sau phần bào chữa của các luật sư, ông Danh khẳng định các nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh và nhân viên ngân hàng dưới quyền của ông đều không có động cơ, mục đích gì trong quá trình tái cơ cấu VNCB. Ông mong HĐXX, VKS xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ.
Ông Danh nói, khi tiếp nhận, VNCB đang thua lỗ nặng nên bản thân đứng trước nhiều khó khăn, áp lực. "Tôi đã từng khát khao tái cơ cấu được ngân hàng này. Tôi không xin giảm nhẹ tội cho bản thân, cho những việc tôi làm sai, mà tôi muốn nói rằng, bối cảnh ngân hàng lúc đó đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không tái cơ cấu được. Tôi đứng ra nhận đã thể hiện tâm huyết của tôi với ngân hàng", ông nói và tha thiết xin cho mình trong khuôn khổ pháp luật được khắc phục hậu quả. "Tôi vẫn tin rằng chúng tôi có thể khắc phục được 100%", bị cáo quả quyết.
Ông Danh sau phiên xử. Ảnh: Hải Duyên.
Liên quan đến việc mua lại cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Tín – Trustbank), ông Danh cho rằng "không muốn dùng chữ bị lừa nhưng đúng thật mình bị lừa". "Không ai bỏ ra 3.600 tỷ mà lại như thế cả. Đến khi tôi nộp khoản tiền này rồi thì nhận được nhiều đơn khiếu nại khiến tôi không lấy tài sản ra được. Khoản này tôi đã trả vào tài khoản tại Ngân hàng Xây dựng thì đề nghị trả lại cho tôi", ông nói.
Đối với quan hệ vay mượn của nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát), ông Danh nói, dù bà Bích và ông Thanh (bố bà Bích) không thừa nhận việc giao dịch nhưng ông "có rất nhiều hình ảnh cho thấy nhiều lần làm việc với họ".
"Nhiều khoản tiền giao dịch cũng lặp đi lặp lại thì không có lý do gì không làm việc với tôi. Câu hỏi ‘tiền đó là tiền gì’ hiện nhóm ông Thanh cũng không trả lời được. Và tôi khẳng định lời khai đó là tiền lãi như lời khai của anh Quyết (Hoàng Đình Quyết, nguyên phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) là hoàn toàn đúng", ông Danh khẳng định.
Theo cựu chủ tịch VNCB, ông luôn mong muốn khắc phục hậu quả, kể từ khi cơ quan điều tra bắt đầu làm việc cho đến nay. Dù bệnh tật nhưng bất cứ lúc nào có cơ hội, ông đều cố gắng hết sức để tìm cách. Trong các cuộc họp khi có cơ hội để làm điều này ông đều tham gia.
"Tôi chắc chắn khắc phục được hậu quả, thậm chí có nhiều doanh nghiệp, mỗi người một chút giúp tôi mảnh đất để cho tôi được xử lý sai phạm. Tôi kính mong HĐXX, đại diện VKS công tâm xem xét cho không chỉ tôi mà những người liên quan đến tôi. Bởi, nếu ai muốn cứu cái gì đó, dành mọi tâm huyết cho nó mà bị sai sót thì cho họ cơ hội được khắc phục sai sót...", ông Danh lạc giọng, bật khóc. Ông cũng khẳng định bản thân không sử dụng một đồng tiền nào trong quá trình tái cơ cấu VNCB.
Còn bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho rằng, sai phạm của bản thân cũng như những người khác là do giai đoạn tiếp quản VNCB gặp nhiều khó khăn. Đến nỗi tất cả các chi phí phải cắt giảm tối đa, tiết kiệm đến từng cuộn giấy vệ sinh, cốc nước... Lương của nhân viên cũng chỉ được hưởng 20% nhưng chỉ hưởng vào cuối mỗi quý. Cán bộ ngân hàng còn không được hưởng các chính sách phúc lợi, không được đi du lịch, không được đi khám bệnh... và có đến 300 cán bộ công nhân viên đã xin nghỉ việc.
"Bị cáo nói như vậy để thấy rõ tâm huyết của những người ở lại. Sự khó khăn của ngân hàng lúc đó thực tế là khó khăn nhất đời mỗi người có thể gặp phải. Không ít người đã chia sẻ thực sự 'không có phương án tái cơ cấu này, các anh không vào đây, thì không biết ngân hàng sẽ đi về đâu. Không biết bao nhiêu vụ khởi tố, không biết bao nhiêu gia đình tan vỡ vì ngân hàng này'", bị cáo Mai nghẹn giọng.
Nguyên Tổng giám đốc VNCB nói thêm, thời điểm đó nhiều cán bộ ngân hàng đã làm việc không kể cuối tuần; ăn, ngủ cũng ôm máy tính trên tay. "Họ hết sức yêu nghề, tâm huyết với nghề. Nhiều người trong số họ đang ngồi đây. Bị cáo luôn mong muốn họ được làm nghề sạch sẽ nhất và không bao giờ muốn nhìn thấy họ ngồi đây", ông Mai trình bày.
Tự nhận bản thân đã làm sai trong việc ủy thác đầu tư cho các công ty của Quỹ Lộc Việt, bị cáo Mai lý giải vì “ngân hàng lúc đó quá đói”, cần tiền chi chăm sóc khách hàng.
Liên quan đến khoản tiền lãi ngoài chi cho nhóm bà Trần Ngọc Bích mà bà Bích khai nhận từ Phạm Thị Trang (Trang Phố núi – giúp ông Danh huy động tiền từ các khách hàng lớn) do Tập đoàn Thiên Thanh trả, ông Mai đề xuất thu hồi để khắc phục hậu quả bất luận bà Bích khai nhận từ ai. Còn về khoản tiền trả cho nhóm Phú Mỹ, bị cáo đề nghị HĐXX tuyên "hợp đồng giữa ông Danh và nhóm Phú Mỹ là vô hiệu, vì đây là nguồn cơn cho tất cả mọi vấn đề".
Kết thúc phần tự bào chữa, bị cáo Mai cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các cán bộ tín dụng.
Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc trong quá trình tham gia tái cơ cấu VNCB đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm thông qua việc ký các hợp đồng khống, cho vay trái quy định, rút trái phép số tiền lớn của VNCB dẫn đến thất thoát không có khả năng thu hồi.
Ngày mai, các bị cáo còn lại tiếp tục với phần tự bào chữa.
Hải DuyênNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn