Chiều 25/8, Giám đốc Công an Quảng Nam, đại tá Nguyễn Viết Lợi nhận được nhiều câu hỏi của báo chí liên quan trách nhiệm của lực lượng biên phòng, hải quan trong vụ phá hơn 110m3 gỗ pơ mu ở vùng rừng giáp ranh giữa Việt Nam và Lào.
Hiện 3 cán bộ kiểm lâm và một cán bộ hải quan đang bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trước nghi vấn có sự tiếp tay của biên phòng, hải quan với lâm tặc, đại tá Lợi cho biết hiện chưa có đủ tài liệu để khẳng định. "Mục tiêu của chúng tôi là phải làm rõ để trả lời trước dư luận, Chính phủ", ông Lợi nói và thừa nhận trong vụ án này việc phối hợp với lực lượng biên phòng tại cửa khẩu làm "không tốt".
Đại tá Lợi dẫn chứng, khi cơ quan điều tra nhận được thông tin trên đất Lào cách biên giới Việt Nam chừng vài trăm mét có điểm chứa gỗ nghi có liên quan vụ việc, công an đã đề nghị biên phòng dẫn qua vì công an được quyền qua biên giới thu giữ gỗ. Tuy nhiên, "các anh ấy máy móc ở chỗ là phải báo cáo thủ trưởng".
Theo ông Lợi, nguyên tắc khi dẫn qua biên giới, biên phòng phải báo cáo thủ trưởng, nhưng vụ này nếu nhanh nhạy, làm tốt và chỉ cần gọi điện cho chỉ huy trưởng để căn cứ tình hình thực tế quyết định, thì đã khác.
Lực lượng biên phòng cửa khẩu La Dêê sau đó đã không gọi điện mà vẫn làm biên bản báo cáo thủ trưởng như thường lệ, dẫn đến việc ngày hôm sau lãnh đạo mới nhận được văn bản rồi cử người dẫn công an qua biên giới. "Nói ngăn cản thì không đúng, nhưng phối hợp chưa tốt", đại tá Lợi nhấn mạnh.
Nhiều phách gỗ pơ mu được phát hiện, với khối lượng ước tính trên 110m3. Ảnh: Công Thành.
Về việc thu gỗ trong trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang và gần trụ sở biên phòng, đại tá Lợi cho biết đang đưa mẫu đi giám định. Hiện Công an tỉnh Quảng Nam toàn quyền điều tra vụ án. Tuy nhiên nếu có liên quan đến biên phòng thì công an không được điều tra.
Phương pháp điều tra vụ án này, theo đại tá Lợi là "chậm cho chắc". "Nếu có đủ tài liệu cho thấy cán bộ hải quan dính vào thì công an dứt khoát sẽ xử lý. Đây là món nợ với dân, phải sớm trả lời được những câu hỏi này", đại tá Lợi nói trước khi buổi họp báo kết thúc.
Lực lượng chức năng vào rừng kiểm tra số pơ mu bị đốn hạ. Ảnh: Công Thành.
Trong vụ án phá rừng ngày, công an đã khởi tố 9 người, còn 11 người đang bỏ trốn. Giám đốc Công an tỉnh cho hay đang nóng lòng để có câu trả lời về người đứng đằng sau phi vụ này song các nghi phạm mới bị bắt giữ, cần thời gian để thu thập chứng cứ, hỏi cung.
"Ngày 19/8, trinh sát bắt Tiêu Hồng Tư là người cung cấp tiền cho vụ phá rừng nhưng anh ta chưa khai có liên quan đến biên phòng hay hải quan", ông Lợi thông tin.
Diễn biến vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam Ngày 9/7, cơ quan chức năng phát giác bãi tập kết hơn 280 phách gỗ pơ mu với khối lượng nằm gần Trạm Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang). Đến ngày 15/7, Hạt kiểm lâm Rừng phòng hộ Nam Sông Bung khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Công an huyện Nam Giang. Sau đó, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện hàng trăm phách pơ mu cất giấu sát Trạm Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang và trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang. Ngày 19/7, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang bị đình chỉ công tác. Một ngày sau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng đoàn công tác vào hiện trường và yêu cầu lập ban chuyên án. Số gỗ pơ mu thu được ở thời điểm này hơn 590 phách với khối lượng hơn 44,3 m3. Ngày 21/7, đồn trưởng, chính trị viên và đồn phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang bị đình chỉ công tác. UBND tỉnh Quảng Nam ngày hôm sau đã báo cáo vụ việc lên Thủ tướng. Công an tỉnh Quảng Nam cũng rút hồ sơ từ Công an huyện Nam Giang để điều tra. |
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn