Ngày 1/10, lãnh đạo công an TP Điện Biên Phủ cho biết cơ quan này đang vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc một nhà hàng trên địa bàn thành phố có trình báo về việc bị khách hàng “bom” 150 mâm cỗ cưới. Qua quá trình xác minh, cơ quan công an bước đầu đã xác định được những người liên quan đến sự việc này, khi nào có thông tin cụ thể sẽ thông báo chi tiết.
Chiều cùng ngày, khi liên hệ đến số điện thoại được cho là đã đặt cỗ tại nhà hàng nhưng bùng, đại diện gia đình cho biết: “Nói thật sự là việc này có người làm đằng sau, còn gia đình không biết gì cả. Gia đình chúng tôi ở trên thôn bản không biết gì đâu”. Trước câu hỏi về việc đây là số điện thoại đã đặt cỗ nhưng bùng 150 mâm gây xôn xao mạng xã hội, công an đang vào cuộc..., đại diện gia đình đều từ chối trả lời, sau đó tắt máy.
Anh Long – chủ nhà hàng Tâm Phúc cho biết đây chính là số điện thoại của gia đình cô dâu liên hệ đặt cỗ, nhà hàng hiện vẫn đang còn lưu tin nhắn nên không thể nhầm lẫn. Suốt 2 ngày qua, anh Long liên lạc nhiều lần nhưng phía gia đình đều không nghe máy.
Bị khách bom cỗ cưới, chủ nhà hàng phải kêu gọi giải cứu với giá 500.000 đồng/ mâm.
“Hiện chúng tôi đang ở công an để làm việc. Họ nói không biết là nói dối vì toàn bộ tin nhắn từ số điện thoại chúng tôi vẫn còn lưu lại”, anh Long nói.
Theo anh Long, khi đặt cỗ cưới chỉ có 1 mình cô dâu đến, sau đó có cả chú rể. Người thân của cô dâu chỉ liên hệ qua điện thoại, thậm chí trước ngày tổ chức vẫn còn hỏi việc chuẩn bị mâm cỗ đến đâu rồi, vì thế nhà hàng không hề nghi ngờ. Hơn nữa, do cô dâu là khách quen của nhà hàng nên khi gia đình khất không đóng tiền cọc trước nhà hàng mới đồng ý.
“Giờ gia đình tôi cũng muốn biết nguyên nhân tại sao mà cô dâu cũng như chú rể lại làm như vậy. Chúng tôi không có thù oán gì với họ cả”, đại diện nhà hàng Tâm Phúc nói.
Chủ nhà hàng cho hay, thiệt hại 150 mâm cỗ, dựng rạp (phông, bàn ghế) và thuê nhân viên phục vụ cũng mất khoảng hơn 200 triệu đồng. Chiều 30/9, sau khi bị “bom” cỗ, để gỡ gạc vốn, gia đình chị và mọi người đã kêu gọi người dân trên địa bàn TP đến giải cứu cỗ. Số tiền gia đình chị nhận được sau khi thanh lý 150 mâm cỗ là 30 triệu đồng.
Liên quan đế sự việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết dù là giao dịch bằng lời nói, không có giấy tờ nhưng phía gia đình “bom” 150 mâm cỗ vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
“Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quy định về thì hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do vậy, hợp đồng đặt cỗ cưới vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện đúng các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng”, Luật sư Thơm cho hay.
Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền 1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. 2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này. |
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nha-co-dau-bi-to-bom-150-mam-co-len-tieng-chung-toi-o...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn