Mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn của 5 nghệ sĩ Việt, gồm: ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (danh hài Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) và bà Trịnh Kim Chi (NSƯT Kim Chi), ca sĩ Thủy Tiên tố cáo bà nguyễn Phương Hằng (50 tuổi) – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Phó TGĐ Công ty Cổ phần Đại Nam về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự...
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và danh hài Hoài Linh là 2 trong số 5 nghệ sĩ Việt nộp đơn tố cáo nữ đại gia Nguyễn Phương Hằng.
Khi thông tin trên lan truyền trên mạng xã hội, dư luận lần nữa bàn tán xôn xao. Một vài người vừa nghe tin đã vội “kết tội” nữ đại gia Phương Hằng, cho rằng bà sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Số khác khẳng định đây mới chỉ là nộp đơn tố cáo, sau đó cơ quan chức năng mới điều tra cáo buộc trong đơn, vì thế chưa thể kết tội bà Hằng “vu khống”...
Để làm sáng tỏ những tranh cãi trên, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình (TP.HCM).
Luật sư Hùng cho biết, tố cáo là việc công dân theo thủ tục, quy định của pháp luật báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Nữ đại gia Nguyễn Phương Hằng.
“Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (gọi tắt là cơ quan điều tra) phải: lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cơ quan điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”, luật sư Minh Hùng nói.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan điều tra đang thụ lý, giải quyết vụ việc phải chuyển hồ sơ có liên quan cho viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.
Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thời hạn tố tụng, trong đó có thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC. Theo đó, thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là 20 ngày, kể từ ngày cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận tin báo, tố giác.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.
Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định thì viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện trưởng viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Trước khi hết thời hạn nêu trên, cơ quan điều tra phải ban hành một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
“Như vậy, theo quy định pháp luật, thời hạn giải quyết tin báo, tố giác của các nghệ sĩ là 20 ngày và có thể gia hạn tối đa 02 lần, mỗi lần không quá 02 tháng. Tổng thời gian giải quyết tối đa là 04 tháng 20 ngày. Và hết thời gian trên, cơ quan điều tra sẽ trả lời cho 5 nghệ sĩ biết nội dung tố cáo qua các quyết định nêu trên để xác định bà Hằng có dấu hiệu phạm tội hay không”, vị luật sư nhấn mạnh.
Tội Vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với 02 người trở lên; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người đang thi hành công vụ; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. |
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nghe-si-to-cao-ba-phuong-hang-it-nhat-20-ngay-nua-...
Thủy Tiên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn