Năm 2001, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (trước đây là Bộ Y tế) đã ban hành Quy định về Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản, cấm các cơ sở y tế và các chuyên gia thực hiện bất kỳ hình thức mang thai hộ nào. Việc buôn bán tinh trùng, noãn, hợp tử và phôi cũng bị cấm. Các cơ sở y tế có thể bị phạt tới 30.000 nhân dân tệ (hơn 107 triệu đồng) nếu vi phạm. Tuy nhiên, quy định này lại có một lỗ hổng, đó là nếu nhờ người đẻ thuê ở nước ngoài thì sẽ không phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Trung Quốc.
Theo tờ The Paper đưa tin, trong những năm gần đây, dịch vụ đẻ thuê bắt đầu nở rộ ở Trung Quốc. Tại tỉnh Quảng Đông, hơn 1.000 công ty môi giới đã mọc lên trong 4 năm qua.
Mới đây, một blogger trực tuyến đã đăng tải một đoạn video phơi bày sự thật về nạn đẻ thuê tại Trung Quốc, thu hút sự chú ý lớn, thậm chí còn lọt top tìm kiếm trên mạng xã hội Weibo.
Theo đoạn video này, hiện có hơn 400 đại lý đẻ thuê tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, khoảng 90% trong số đó là các tổ chức nhỏ và các cá nhân tự kinh doanh. Trong số đó, 10 đại lý đẻ thuê hàng đầu ở Quảng Châu có thể nhận được hơn 100 đơn đặt hàng mỗi năm.
Ảnh minh họa.
Cũng theo đoạn video này, những người phụ nữ nhận đẻ thuê có biệt danh là "Egg Girl". Tùy theo trình độ học vấn, ngoại hình và một số yếu tố khác của người đẻ thuê, giá cho mỗi lần dao động từ 35.000 nhân dân tệ (hơn 124 triệu đồng) đến 100.000 nhân dân tệ (hơn 356 triệu đồng), mức cao nhất có thể lên đến 680.000 nhân dân tệ (hơn 2,4 tỷ đồng). Khoảng 50% - 80% trong số tiền đó sẽ thuộc về người môi giới, số còn lại được trả cho người đẻ thuê.
Thậm chí, chuyện sinh đôi hoặc sinh ba cũng có thể được yêu cầu tùy theo nhu cầu của người đặt hàng, với mức giá khoảng 850.000 nhân dân tệ (hơn 3 tỷ đồng).
Một nhân viên từng làm việc cho một công ty đẻ thuê tại Quảng Châu cho biết khi vấn nạn này bị truyền thông phanh phui, họ đã cho phá sản công ty, sau đó đổi tên rồi tiếp tục làm lại, thậm chí còn phát triển hơn trước. Những năm trước đây, nhiều người thường chọn dịch vụ đẻ thuê ở nước ngoài vì hợp pháp và rẻ hơn. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch, hầu hết các đơn hàng đều đổ về Quảng Châu.
Theo nhân viên này, có khoảng hơn 400 công ty đẻ thuê đang hoạt động tại Quảng Châu. Mỗi năm, số đơn đặt hàng đẻ thuê có thể lên đến 21.000 đơn. Điều đó có nghĩa là có khoảng 21.000 đứa trẻ được sinh ra thông qua hình thức đẻ thuê tại Quảng Châu mỗi năm.
Chia sẻ với phóng viên tờ Tin tức Sao Đỏ của Trung Quốc, một người đàn ông kể rằng vào tháng 11/2021, một người bạn của anh đã đặt hàng thành công dịch vụ đẻ thuê. Khi người bạn này liên hệ với công ty cung cấp dịch vụ đẻ thuê, người môi giới nói rằng hiện nay số lượng đặt hàng rất lớn, nếu không sớm đặt hàng thì sẽ không thể nhận được dịch vụ tốt. Họ cũng tiết lộ thêm rằng trong năm nay đã hoàn thành khoảng 100 đơn hàng.
Ảnh minh họa.
Vào ngày 30/12/2021, phóng viên tờ Tin tức Sao Đỏ đã liên hệ với Ủy ban Y tế thành phố Quảng Châu để nói về những thông tin trong đoạn video của blogger trên.
Các nhân viên của Văn phòng Giám sát Toàn diện thuộc Ủy ban Y tế thành phố Quảng Châu thông báo rằng Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và các bộ phận liên quan đã tham gia vào cuộc điều tra nhưng chưa thể đưa ra thông tin cụ thể. Hơn nữa, Ủy ban Y tế chỉ có thể phạt tiền hoặc thu hồi chứng chỉ năng lực y tế của những người có liên quan. Việc tiến hành dịch vụ đẻ thuê có thể bị coi là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nhưng lại không thuộc quyền hạn của Ủy ban Y tế.
Wang Guisong, phó giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết chưa có điều tra về quy mô của thị trường mang thai hộ ở Trung Quốc, nhưng nhu cầu rõ ràng đang bùng nổ do vô sinh và điều kiện kinh tế cải thiện. "Chính phủ nên đối mặt với những vấn đề này từ sớm bằng cách gỡ bỏ lệnh cấm và phát triển chính sách hỗ trợ những người không thể sinh con", giáo sư Wang nói.
Vấn nạn đẻ thuê không chỉ liên quan đến luật pháp và đạo đức xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người phụ nữ đẻ thuê. Thiếu quy định cho thị trường này khiến các bà mẹ và em bé không được bảo vệ. Nhiều người mang thai hộ phải sống trong những tầng hầm và hạn chế hoạt động ngoài trời.
Ye Hongyu, nhà nghiên cứu nữ quyền và bình đẳng giới ở Đại học Phụ nữ Trung Quốc, cho biết: "Theo những báo cáo trước, nhiều phụ nữ tự nguyện làm công việc này để cải thiện mức sống. Phần lớn các trường hợp không được thông báo về những rủi ro khi mang thai".
"Chúng ta không nên khuyến khích đẻ thuê dù nó có hợp pháp hay không, bởi điều này hạ thấp phụ nữ và có thể khiến nhiều trẻ em bị bỏ rơi. Nếu nhu cầu chính đáng về mang thai hộ cần được đáp ứng trong tương lai, luật pháp và sự giám sát chặt chẽ là điều hết sức cần thiết trước khi hợp pháp hóa hình thức này", nhà nghiên cứu Ye Hongyu nói thêm.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nan-de-thue-tai-trung-quoc-2-ty-cho-mot-dua-con-si...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn