Từ những tài liệu và nguồn tin Báo Người Lao Động cung cấp, luật sư Nguyễn Trình (Đoàn Luật sư TP HCM) đã phân tích hàng loạt sai phạm xảy ra tại chung cư Carina .
Trong vụ cháy chung cư Carina cướp đi sinh mạng của 13 người và làm hư hỏng hàng trăm xe máy, ô tô thì đúng là chủ đầu tư là Công ty Hùng Thanh đã có lỗi.
Bởi, khi chưa bàn giao chung cư cho Ban quản trị (do dân bầu) thì trách nhiệm quản lý chung cư là của chủ đầu tư.
Chung cư Carina, nơi xảy ra vụ cháy cướp đi sinh mạng 13 người. Ảnh: Phạm Dũng
Chủ đầu tư đã thuê Công ty CP Dịch vụ Địa ốc Sài Gòn (SEJCO) là công ty quản lý chuyên nghiệp về Chung cư (SEJCO quản lý 11 chung cư tại TP HCM).
SEJCO có đủ khả năng để quản lý và hai bên đã ký hợp đồng về quản lý chung cư vì vậy trong việc vận hành, quản lý chung cư là trách nhiệm của SEJCO.
Tuy nhiên, dù đã giao cho SEJCO nhưng chủ đầu tư vẫn phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động từ quản lý vận hành chung cư. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn phải theo dõi hệ thống PCCC nhưng ở tư cách kiểm tra, giám sát chứ không phải thực hiện các công việc cụ thể. Nghĩa là, theo hình thức kiểm tra lại.
Khi nhận việc quản lý thì SEJCO phải thực hiện việc tổ chức quản lý và hệ thống PCCC. Khi có các hỏng hóc lớn (trên 5 triệu VND) cần sửa chữa thì SEJCO thông báo bằng văn bản, đề xuất đơn vị sửa và yêu cầu chủ đầu tư duyệt.
Vấn đề ở đây, vào ngày 16-11-2017 qua thông báo và giới thiệu của SEJCO, Công ty Hùng Thanh đã ký hợp đồng bảo dưỡng thiết bị PCCC với Công ty Thăng Long giá 99 triệu đồng.
Dư luận nghi ngờ có sự cấu kết trục lợi thi công PCCC. Ảnh: Phạm Dũng
Sau 1 thời gian thì thực hiện xong và gửi hồ sơ thanh toán ngày 17-2-2018. Tuy nhiên, khi Công ty Hùng Thanh đang rà soát hồ sơ thanh toán thì SEJCO mượn hồ sơ thanh toán này về (có viết biên nhận). Thời gian sau thì xảy ra cháy. Công ty Hùng Thanh bị mất hợp đồng chính nhưng còn bản copy và còn biên nhận.
SEJCO có gởi email yêu cầu thanh toán các khoản, trong đó có khoản của Công ty Thăng Long dù hồ sơ thanh toán chưa được chấp nhận. Khi xảy ra cháy, thì bơm diesel (dầu), bơm điện đều không hoạt động.
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường của Công an TP HCM khi kiểm tra máy bơm dầu thì bơm không có dầu, ống khói có đóng mạng nhện. Tức là, trong một thời gian rất lâu không hoạt động dù vừa sửa chữa xong, có biên bản nghiệm thu nhưng thực tế thì không sửa gì.
Nghi ngờ rằng có sự móc nối của Công ty Hùng Thanh, SEJCO và Công ty thi công PCCC Thăng Long. Ba đối tác này có ký hợp đồng nhưng không làm gì, vì vậy khi xảy cháy thì máy bơm dầu không hoạt động.
Ngoài nghi ngờ trên, còn có thêm 2 nghi ngờ khác. Đó là, đã sửa chữa xong tại sao vẫn không hoạt động? Không sửa mà vẫn báo là đã sửa để chiếm đoạt tiền của Công ty Hùng Thanh?
Tất nhiên Công ty Hùng Thanh, SEJCO cũng phải ký vào Biên bản nghiệm thu nên phải cùng chịu trách nhiệm.
Khi xảy ra cháy, qua camera thì 13 phút sau khi lửa cháy mạnh mới thấy bảo vệ vào. Bảo vệ có tổ trực 5 người (2 ca thay phiên nhau 24/24), trong đó hầm xe có 2 vị trí trực.
Các bảo vệ khai lúc đó nhậu nên không phát hiện ra cháy. Việc chậm trễ đã được đại tá Nguyễn Minh Thông, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM xác định do phát hiện cháy quá chậm, hệ thống báo cháy không hoạt động nên mới xảy ra thiệt hại nặng nề về nhân mạng.
Như vậy, bảo vệ phải có trách nhiệm nhưng vẫn chưa được đề cập tới. Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng cần thiết phải điều tra thận trọng và làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan tránh lọt người, lọt tội.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn