Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra đối với Hà Văn Thắm (44 tuổi, trú Tây Hồ, Hà Nội) cùng 16 đồng phạm về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).
Tài liệu điều tra cho thấy từ năm 2011 đến năm 2014, Thắm cùng đồng bọn phạm tội gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho Oceanbank. Trong đó, việc Thắm cho Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng mà không hề có khả năng trả nợ là một phần lớn của số này.
Theo hồ sơ, năm 2012, Ngân hàng nhà nước (NHNN) chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Muốn thâu tóm một số ngân hàng TMCP, Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín) nhằm gây sức ép, buộc bà Phấn phải chuyển nhượng cổ phần cho mình.
Tháng 2.2012, bà Phấn ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84.9% vốn điều lệ của Đại Tín cho Hà Văn Thắm với giá hơn 4.400 tỉ đồng, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản bảo đảm từ các khoản vay khoảng 3.500 tỉ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỉ đồng…
Sau khi kí hợp đồng, Thắm cho người vào quản lý Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu lại khoản vay, tài sản của bà Phấn và cá nhân liên quan. Việc này khiến Bà Phấn đe doạ sẽ lấy lại cổ phần, bán cho người khác.
Hà Văn Thắm đã cho Phạm Công Danh vay 500 tỉ mà không có khả năng trả nợ cũng như thu hồi
Trước tình thế trên, Hà Văn Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng Đại Tín cho người khác. Đối tượng mà Thắm “nhắm” tới là Phạm Công Danh. Hai bên thống nhất, nếu Danh tiếp nhận Đại Tín và đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng thì sẽ trả cho Thắm 800 tỉ đồng tiền môi giới.
Tuy nhiên, sau khi tiếp quản Đại Tín, Danh không trả tiền cho bà Phấn cũng không trả 800 tỉ cho Thắm như thoả thuận.
Về bản chất, giao dịch giữa bà Phấn, Thắm và Danh nếu không thực hiện được sẽ không thể thanh khoản được các khoản vay, khiến NHNN tiếp tục sáp nhập Đại Tín vào ngân hàng khác.
Do đó, cả ba thống nhất để Oceanbank sẽ cho ông Danh vay 500 tỉ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Thắm và Danh thống nhất sử dụng pháp nhân là Công ty Trung Dung (công ty của Danh) đứng ra vay. Số tiền Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Đại Tín, đồng thời ghi nhận việc ông Danh trả tiền mua cổ phần Đại Tín.
Cuối tháng 11.2013, Oceanbank chính thức giải ngân 500 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung.
Cơ quan điều tra xác định việc cho vay này đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng. Hiện Công ty Trung Dung và Phạm Công Danh không có khả năng thanh toán và Oceanbank không có khả năng thu hồi.
Nguyên nhân là do Oceanbank cho vay không đảm bảo, số tài sản đảm bảo cho khoản vay không có thật, không có tài sản; không có tính pháp lý, chưa đủ giá trị cho khoản vay và cho vay vượt quá giới hạn quy định.
Sai phạm trên thuộc về trách nhiệm của Hà Văn Thắm cùng 5 đồng phạm tại Oceanbank.
Đối với Phạm Công Danh cùng nhóm nhân viên, mặc dù có những sai phạm trong quá trình lập hồ sơ vay vốn nhưng chưa cấu thanh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, liên quan đến các sai phạm trong quá trình sáng lập, điều hành quản lý Tập đoàn Thiên Thanh, trong đó có công ty Trung Dung, Phạm Công Danh và nhóm nhân viên này đã bị xử lý trong một vụ án khác. Do đó, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự của Danh cùng nhóm nhân viên trong vụ án này.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn