Mấy ngày qua bài thơ “Xin đổi kiếp này” của em Nguyễn Bích Ngân, học sinh lớp 8A1 (trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt trên mạng xã hội.
Nội dung bài thơ khiến nhiều người bất ngờ và “sốc” vì không nghĩ tác giả bài thơ trên mới 14 tuổi lại có thể viết được một bài thơ sâu sắc như thế.
Nội dung bài thơ “Xin đổi kiếp này” đã bao quát bức tranh toàn cảnh của môi trường thiên nhiên, xã hội đang bị hủy hoại bởi chính con người, từ sông biển, núi rừng tới không khí, cây xanh đồng ruộng..
Bài thơ của em Nguyễn Bích Ngân gây xôn xao mạng xã hội.
PV tìm gặp tác giả nhí tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, nơi cô bé Nguyễn Bích Ngân đang theo học.
Đằng sau khuôn mặt “búng ra sữa” là một tâm hồn “lớn trước tuổi” mà người đối diện cảm nhận được qua cách đối đáp và suy nghĩ của cô bé mới 14 tuổi Nguyễn Bích Ngân.
Tác giả bài thơ khiến cư dân mạng "câm nín" Nguyễn Bích Ngân (ảnh: Thành Long).
Chia sẻ với PV, Ngân cho biết: “Em viết bài thơ này từ tháng 5. Em chỉ cho ông ngoại đọc vì ông cũng hay làm thơ. Ông đọc và khen, sau đó vừa rồi ông mới chia sẻ lên mạng xã hội thì bài thơ được mọi người khá là quan tâm.
Em viết bài thơ này từ cảm nhận thực tế xung quanh, và qua các phương tiện thông tin như TV, internet, đài báo những gì em nghe, nhìn, cảm nhận.
Bản thân em rất yêu thích môn văn, đọc sách, và xem chương trình thời sự mỗi buổi tối để cập nhật các tin tức trong ngày cùng ông.
Các vấn đề về môi trường thiên nhiên, xã hội đang bị đe dọa từ chính con người hủy hoại, trong đó bản thân em và người thân cũng bị ảnh hưởng. Chính vì lẽ đó, em có cảm hứng làm bài thơ này.
Em làm bài thơ trên vào giờ ra chơi. Lúc đó một phần do cảm hứng, phần nữa do em đã thu thập thông tin từ trước. Về chủ đề này em có thể viết được dài và nhiều hơn nữa, nhưng những vấn đề đó đã phản ánh khá đầy đủ theo ý của em”.
Cũng theo tác giả, em ảnh hưởng nhiều từ ông ngoại là một nhà giáo, dịch giả có tiếng. Gia đình Ngân ở cùng ông ngoại nên phần nào bị ảnh hưởng từ ông.
Bích Ngân chụp ảnh cùng ông ngoại Lê Đức Mẫn (ảnh NVCC).
Chia sẻ với PV, NGƯT, dịch giả Lê Đức Mẫn (76 tuổi, ông ngoại em Nguyễn Bích Ngân) cho biết: “Từ nhỏ cháu Ngần đã ham thích đọc sách, thích văn chương, làm thơ. Bên cạnh đó, cháu rất thích tìm tòi, khám phá các kiến thức về khoa học tự nhiên, đặc biệt là các vấn đề về thiên nhiên môi trường, xã hội.
Không ngày nào cháu bỏ xem chương trình thời sự cùng tôi vào các buổi tối trước khi cháu học bài đến nửa đêm mới đi ngủ.
Đây không phải là bài thơ đầu tiên Ngân viết, mà cháu có cả một cuốn sổ làm thơ riêng. Với Ngân làm thơ không thể thiếu, mỗi lần đi đâu du lịch hay trước sự kiện nào đó cháu lại làm thơ.
Có thể nói, bài thơ trên của Ngân viết ra khiến người đọc bất ngờ vì không nghĩ ở lứa tuổi của cháu lại có những suy nghĩ chín chắn và già trước tuổi như vậy.
Tôi làm thơ, viết văn, dịch sách, nhưng đọc bài thơ này của Ngân so với các bài thơ trước cũng khiến tôi hơi giật mình vì không nghĩ cháu lại viết được như vậy. Chính vì bài thơ đặc biệt như vậy nên tôi đã chia sẻ lên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của nhiều người”.
Bản thân ông ngoại của Ngân cũng bật mí: “Từ nhỏ Ngân đã có tư duy khác so với bạn bè, có cách nghĩ khá già. Mới đây, Ngân đi Sapa về, cháu cũng làm bài thơ khiến tôi “choáng”.
Tức là khi Ngân phải chia tay Sapa về Hà Nội, cháu làm thơ với nội dung là chia tay Sapa và có đoạn viết “Thôi Sapa ơi mày cứ nằm yên đó/Để khi nào ta thấy mỏi mệt thì ta còn một chỗ nương tựa””.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn