Mọi người đều biết Albert Einstein là ai. Sau khi khám phá ra thuyết tương đối và phương trình E = MC2, địa vị nổi tiếng của ông đã ghi dấu ấn không thể xóa nhòa trong lịch sử.
Đương nhiên, cuộc sống riêng tư của nhà bác học thiên tài cũng là chủ đề khiến nhiều người tò mò. Cống hiến cả đời cho khoa học nhưng đời tư Einstein cũng đầy rẫy những drama, scandal và bước ngoặt.
Nhắc tới những góc khuất trong cuộc đời Albert Einstein, người ta không bao giờ bỏ qua con trai út của ông, Eduard Einstein. Là con của một bộ óc thiên tài nhưng cuộc đời anh lại là chuỗi bi kịch.
Bệnh tật đeo bám từ khi chào đời
Eduard Einstein sinh ngày 28/7/1910 tại Zurich, Thụy Sĩ. Ông là con trai thứ hai của nhà vật lý Albert Einstein với người vợ đầu tiên, Mileva Maric. Eduard còn có một người anh trai là Hans Albert, hơn ông 6 tuổi.
Albert và Mileva.
Một thời gian sau, gia đình chuyển đến Berlin. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của Albert và Mileva sớm đổ vỡ. Họ hoàn tất thủ tục ly hôn vào năm 1919. Cuộc ly hôn đã ảnh hưởng rất nhiều đến các cậu bé, đặc biệt là Hans.
Mileva không thích Berlin, vì vậy bà đã rời bỏ Albert và mang theo các con. Bà quay lại định cư ở Zurich. Bất chấp khoảng cách xa xôi, Albert vẫn duy trì thư từ với các con của mình. Ông đến thăm họ thường xuyên nhất có thể và thậm chí còn đưa 2 con đi du lịch.
Trong một khoảng thời gian dài, người ta đồn đoán Albert Einstein là một người bố lạnh lùng. Tuy nhiên, những bức thư được phát hiện gần đây cho thấy ông luôn biết khích lệ và quan tâm đến cuộc sống của 2 con.
Bà Mileva luôn khẳng định Albert đã chọn khoa học chứ không phải gia đình. Tuy nhiên, cậu con cả Hans sau đó tuyên bố Albert sẽ "gác lại công việc và trông chừng chúng tôi hàng giờ đồng hồ" khi bà Mileva "bận việc nhà".
Thời trẻ, Eduard là một đứa trẻ ốm yếu. Anh thường xuyên bị bệnh và lúc nào cũng yếu ớt. Vì vậy, anh thường bỏ qua những chuyến du lịch cùng gia đình. Tình trạng của Eduard dường như khiến người bố Albert tuyệt vọng. Trong một lá thư gửi đồng nghiệp, nhà bác học viết: "Tình trạng của thằng nhỏ khiến tôi vô cùng chán nản. Thằng bé không thể nào trở thành một người phát triển toàn diện được".
Trong khi bộ não lạnh lùng khiến Albert Einstein nghĩ đến việc để Eduard biết đến cuộc đời này thì bản năng một người bố trong ông đã chiến thắng. Albert thề sẽ ưu tiên việc điều trị bệnh cho con. Ông ấy dốc hết sức vào việc tìm kiếm các phương pháp điều trị tốt nhất cho con, nhiều lần cùng Eduard đi thăm khám.
Bộ óc tài năng nhưng lại là cái bóng của bố
Ngay từ khi còn nhỏ, Eduard đã có những dấu hiệu đầy hứa hẹn khi thừa hưởng trí thông minh của bố mình. Ông có năng khiếu trong nhiều môn nghệ thuật khác như âm nhạc và thơ ca. Tuy nhiên, ông có mối quan hệ đặc biệt với Tâm thần học và tôn thờ Sigmund Freud (bác sĩ thần kinh và tâm lý học người Áo).
Năm 1929, Eduard thi được tất cả điểm A và là một trong những học sinh giỏi nhất trường. Ông đăng ký vào trường Đại học Zurich theo bước chân bố mình. Tại đây, Eduard học để trở thành bác sĩ tâm lý.
Sức khỏe Eduard vẫn khiến gia đình, đặc biệt là Albert lo lắng. Ông vừa tự hào về thành tích và khả năng của con trai, nhưng cũng vừa lo sợ trước bệnh tật của anh. Nhưng trong một khoảng thời gian, Eduard có vẻ sẽ có tương lai tươi sáng giống bố mình.
Sinh ra trong gia đình đổ vỡ và là con của Albert Einstein không hề dễ dàng. Đối với Hans và Eduard, thách thức lớn nhất chính là sống trong cái bóng của bố.
Vào thời điểm Eduard còn học đại học, Albert đã nổi tiếng trên toàn thế giới. "Đôi khi, thật khó khăn khi có một người bố nổi tiếng như vậy bởi vì bạn sẽ cảm thấy bản thân không quan trọng nữa", Eduard từng viết.
Năm 20 tuổi, Eduard bắt đầu có biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt. Đó là khi anh nảy sinh tình cảm với một phụ nữ lớn tuổi tại đại học. Trớ trêu thay, Albert cũng từng gặp Mileva như vậy.
Mối tình của Eduard kết thúc trong thảm họa và điều này khiến tình trạng tinh thần của ông trở nên tệ hơn. Sức khỏe Eduard giảm sút và vào khoảng năm 1930, anh đã định tự tử.
30 năm cuối đời sống trong bệnh viện tâm thần
Eduard chính thức được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt và được đưa vào bệnh viện Burghölzli, Zurich, Thụy Sĩ, lần đầu năm 1932. Nhiều người tin rằng các phương pháp điều trị tâm thần khắc nghiệt thời bấy giờ chỉ khiến bệnh tình Eduard nặng thêm. Anh trai của ông, Hans tin rằng liệu pháp điện giật mà người ta dùng để trị bệnh chính là nguyên nhân gây tổn hại khả năng nói và nhận thức của Eduard.
Sau đó, Eduard bỏ học. Bà Mileva đã tự mình ở nhà chăm sóc con trai. Mặc dù Albert thường xuyên gửi tiền về nhưng bà Mileva vẫn rất chật vật để chăm con và chi phí điều trị rất cao.
Sức khỏe của Eduard giảm sút chỉ khiến Albert Einstein thêm lo lắng và chính điều này đã theo nhà bác học đến cuối đời. Ông cảm thấy bản thân có một trách nhiệm về bệnh tật của Eduard. Albert tin rằng bệnh của con trai là do di truyền từ mẹ ông.
Trong một lá thư gửi bạn, Albert đã bày tỏ cảm giác tội lỗi và hối tiếc: "Những đứa con trai của tôi tinh tế hơn, đứa mà giống tôi nhất đã bị mắc chứng bệnh tâm thần không thể chữa khỏi".
Trong lúc suy sụp tinh thần, Eduard nói ghét bố mình. Với sự trỗi dậy của chính phủ Đức quốc xã, Albert đã bị áp lực phải rời lục địa này đến Mỹ. Không lâu sau đó, Hans cũng đi theo bố.
Đối với Eduard, nhập cư không phải là lựa chọn. Có thông tin cho rằng Albert đã liên tục cố đưa cậu con trai út đến Mỹ, tuy nhiên bệnh tật của Eduard khiến điều này bất khả thi. Trước khi Albert lên đường sang Mỹ vào năm 1933, ông đã đến thăm con trai mình lần cuối. Và kể từ đó, họ không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Trong suốt phần đời còn lại, Eduard và bố thường xuyên thư từ qua lại. Eduard vẫn quan tâm đến âm nhạc, thậm chí còn làm thơ gửi Albert. Tình yêu tâm thần học của Eduard vẫn không thay đổi. Ông treo một bức ảnh của bác sĩ Sigmund Freud trong phòng ngủ của mình.
Eduard được mẹ chăm sóc cho đến khi bà qua đời vào năm 1948. Sau đó, Eduard chuyển đến làm bệnh nhân nội trú tại phòng khám tâm thần Burghölzli ở Zurich, sống ở đó cho đến cuối đời.
Eduard qua đời vì đột quỵ vào năm 1965 ở tuổi 55, sống lâu hơn bố mình 10 năm. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Hönggerberg ở Zurich.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/con-trai-ut-bi-lang-quen-cua-albert-einstein-tuong...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn