Người dân nhấp nhổm vì gà
Trước tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp đặc biệt tại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với Việt Nam, đã ghi nhận có nhiều ca mắc cúm A(H7N9). Bởi vậy, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta là rất cao.
Bộ Y tế họp bàn kế hoạch ngăn chặn dịch cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam.
=>>Xem thêm: Dịch cúm A (H7N9) tiến sát biên giới Việt Nam, Bộ Y tế tổ chức họp khẩn |
Khi phóng viên đặt câu hỏi về loại cúm A(H7N9), chị Hoàng Hạnh (ở Trung Kính – Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết chị đã nắm được thông tin qua các chương trình thời sự. Tuy nhiên, do dịch chưa vào Việt Nam nên gia đình chị vẫn ăn thịt gà như bình thường. “Nước mình đã có dịch đâu mà phải lo, tôi thường vẫn mua gà sống ở chợ về tự mổ cho tươi, chứ ít dùng đồ đông lạnh lắm”, chị Hạnh nói.
Loại gà "đầu trọc" được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán tại chợ Hà Vĩ. Ảnh: Lê Phương.
Trái ngược với ý kiến chị Hạnh, chị Trần Thu Hiền (Tây Mỗ - Nam Từ Liêm – Hà Nội) lại khá lo lắng với việc ăn gà giết sẵn ngoài chợ. “Tốt nhất là mua gà đông lạnh về ăn cho chắc, nếu không tôi cũng nhờ người ở quê mua, làm sạch để đông lạnh rồi gửi xuống chứ không dám ăn gà chợ”, chị Hiền chia sẻ.
Có nên ăn gà giết sẵn ngoài chợ?
Thực tế, những lo ngại của người dân không phải là không có cơ sở, nhưng việc loại bỏ gà giết sẵn chợ hay chỉ ăn gà đông lạnh liệu có đảm bảo? Trước câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho rằng, người dân không nên mua gà giết sẵn ở chợ về ăn trong thời điểm này, vì vẫn còn tình trạng gà nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam: “Nếu gà người dân tự nuôi, tự mổ và ăn thì tôi nghĩ không vấn đề gì, còn gà ngoài chợ hạn chế đến mức tối đa hoặc không nên ăn”.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Y học dự phòng và Y tế Công cộng cho rằng: "Trong thời điểm tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp như hiện nay, đúng là người dân cũng cần phải cân nhắc việc mua gà thịt sẵn ngoài chợ.
Ngoài vấn đề dịch bệnh, thì vấn đề vệ sinh khi giết mổ cũng rất đáng lưu tâm. Bởi vậy, việc mua gà giết sẵn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh".
Theo PGS Hương, vấn đề kiểm soát gà nhập lậu hiện nay cũng là vấn đề lớn mà các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh để ngăn chặn dịch bệnh. "Nếu vẫn còn tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới, thì người dân cần phải cảnh giác. Khi chọn mua gà phải có nguồn gốc xuất xứ, còn với gà thịt sẵn ngoài chợ, nếu không có dấu kiểm dịch thì tuyệt đối không nên mua", PGS Hương khuyên.
Cảnh buôn bán gà tấp nập ở lòng đường, không có sự kiểm dịch sẽ dẫn đến nguy cơ lây bệnh cao. Ảnh Lê Phương.
Còn về phía cơ quan chức năng, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định: “Bộ Y tế chưa bao giờ khuyến cáo người dân không ăn hoặc không nên ăn gà bán ở chợ. Chúng tôi chỉ khuyến cáo người dân, không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Khi ăn phải đảm bảo ăn chín, uống chín. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo và tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc”.
=>>Xem thêm: Dịch cúm A/H7N9 không đơn giản |
“Dù là gia cầm sống hay kể cả trứng gia cầm khi nhập khẩu, giao thương trên thị trường đều phải có kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì mới được coi là đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm đảm bảo chất lượng thì người dân hoàn toàn có thể sử dụng”, PGS Phu nói.
Riêng vấn đề “sợ” cúm A(H7N9) nên sử dụng các sản phẩm đông lạnh, ông Phu cho rằng: “Đông lạnh không có tác dụng tiêu diệt được virus cúm gia cầm nên sử dụng sản phẩm gà đông lạnh, trứng gia cầm nhiễm virus H7N9 thì người tiêu dùng vẫn có thể nhiễm bệnh như thường”.
Cuối cùng, để phòng và ngăn chặn dịch bệnh từ gia cầm, các chuyên gia khuyến cáo, tất cả các sản phẩm từ gia cầm sống đến thịt gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm, nếu nhập lậu qua các đường tiểu ngạch, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì người tiêu dùng đều không nên sử dụng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc đang bùng phát mạnh như hiện nay.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn