Ông luôn cảm tạ "trời cao cao có mắt" giúp ông có những ngày tháng bình yên, sống vui vầy bên vợ con khi đã ở “bên triền dốc” cuộc đời…
Nhiều năm mới thoát kiếp “người rừng”
Tìm về thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961 tại Bắc Giang), người bị kết án oan suốt 1 thập kỷ. Có một điều trùng hợp, hôm chúng tôi đến là tròn 7 năm ông Chấn được trả tự do.
Ông Chấn bây giờ không còn vẻ khờ khạo như hồi mới trở về với gia đình, nhìn ông cũng có vẻ đậm người hơn. Trong nét mặt vui tươi, vợ chồng ông Chấn hồ hởi trò chuyện với chúng tôi.
Đối với ông Chấn, cái gì có thể quên chứ bao nhiêu ngày ở trong trại giam thì ông nhớ rõ mồn một. Con số 3699 ngày giam cầm luôn thường trực trong đầu người nông dân thôn Me, thi thoảng nghĩ lại khiến ông vã mồ hôi hột vì sợ.
Ông Chấn lật giở lại quyển sổ ghi chép về những mốc thời gian liên quan đến vụ án oan của mình.
Vừa kể chuyện, ông vừa nhìn sang vợ, bà Nguyễn Thị Chiến một cách trìu mến. Ngoài niềm tin nội tâm rằng mình trong sạch sẽ được minh oan, ông may mắn vì vợ luôn tin tưởng, đồng hành cùng ông trong những ngày tháng khó khăn, đen tối nhất của cuộc đời.
“Mỗi lần vợ vào thăm, tôi không quên dặn vợ phải giữ gìn sức khỏe để chăm sóc các con. Vợ tôi luôn nắm chặt tay tôi, rung rưng nói: “Dù có phải bán nhà để kêu oan cho anh, em cũng bán””, ông Chấn nhớ lại.
Bà Chiến ngồi kế bên chồng tâm sự: Suốt 10 năm, bà âm thầm thu thập chứng cứ để tìm ra thủ phạm thực sự. Manh mối xuất hiện vào năm 2010. Vì mâu thuẫn nội bộ, một số thành viên trong gia đình hung thủ đã tiết lộ với bà Chiến và một số người khác ai là hung thủ của vụ án. Từ đó, bà Chiến khéo léo có được nhiều đoạn ghi âm một số cuộc nói chuyện, khẳng định Lý Nguyễn Chung, người cùng làng với ông Chấn mới là thủ phạm vụ giết người.
Những bằng chứng này sau đó được gửi lên các cơ quan Trung ương như TAND Tối cao, Văn phòng Chính phủ, VKSND Tối cao, bộ Công an... Ngoài ra, từ trong trại giam, ông Chấn cũng không ngừng viết đơn kêu oan gửi các nơi. VKSND Tối cao sau đó đã tổ chức điều tra lại. Cuối cùng, hung thủ thực sự cũng đã ra đầu thú và không ai khác chính là Lý Nguyễn Chung.
Khi được hỏi về cảm xúc về ngày được thông báo trả tự do, ông Chấn cười hiền chia sẻ: “Hôm được trả tự do, tôi ngỡ như một giấc mơ, ngốc nghếch hỏi cán bộ trại giam: “Thả tôi về rồi thì bao giờ lại bắt?””.
Bà Chiến bảo, những ngày ông Chấn mới về, đi đâu bà cũng phải dắt tay đi rồi giới thiệu, chỉ dẫn từng tí một; đi qua cửa hàng bán quần áo, thấy mấy con ma-nơ-canh, ông Chấn tưởng người thật cũng vội vàng cúi xuống “em chào chị”.
Tha thứ khi đã ở "bên kia dốc" cuộc đời
Hồi tưởng về những tháng ngày chồng vướng án oan, bản thân bà Chiến và người thân ở ngoài tủi nhục lắm. Bà Chiến bộc bạch: “Tiếng chồng, cha hiếp dâm, tù tội, giết người khiến tôi và các con đi đâu cũng bị người đời xì xào, mỉa mai. Suốt nhiều năm trời, gia đình tôi bị cả dân làng xa lánh, mặc cảm. Lần nào có việc đi qua nhà bị hại cũng đều bị chửi rủa thậm tệ. Cũng vì mặc cảm, bị bạn bè trêu chọc mà 3 người con lớn phải bỏ học giữa chừng; ra đường có ai hỏi, các con đều không dám nhận là con của bố Chấn”.
"Chồng đi tù thì còn ai đến nhà mua hàng tạp hóa. Mấy mẹ con tôi phải chuyển sang bán thịt lợn, lãi đủ tiền mua rau. Nhiều người bắt nạt vợ góa, con côi mà lật mặt không trả tiền lắm", bà Chiến nghẹn ngào khi nhớ lại.
Ông Nguyễn Thanh Chấn đang trò chuyện với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.
Kể đến đây, bà Chiến quay sang nhìn chồng, ánh mắt lộ rõ niềm vui. Thật may mắn, sau bao năm oan trái, cuối cùng ông Chấn cũng được minh oan, trở về trong vòng tay chào đón của người thân và bà con chòm xóm; mọi người đã hiểu nỗi oan khuất thấu trời của ông; các con dù có lỡ dở con đường học vấn ngang chừng nhưng người nào người nấy lớn lên đều ngoan ngoãn, tu chí làm ăn. Đó là điều mà vợ chồng ông Chấn lấy làm mừng nhất.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ông Chấn cho biết, sau thời gian bị giam, ngày trở về sức khỏe ông giảm sút đi nhiều, ông thường xuyên đau vai gáy, tê nhức chân tay, không làm được công việc gì nặng nhọc, có người mời ông đi làm bảo vệ nhưng sức khỏe không cho phép. Hàng ngày, ông chỉ quanh quẩn phụ giúp vợ con công việc buôn bán, đôi khi lại vá xe cho khách qua đường. “Sức khoẻ của tôi tốt hơn rất nhiều so với ngày mới về. Nhưng cái đốt sống cổ bị thoái hoá, thỉnh thoảng trở trời hay làm việc gì nặng là đau lắm. Nếu mà mổ thì nguy cơ biến chứng rồi liệt nằm một chỗ là rất cao nên tôi chỉ dám chạy chữa bằng thuốc Nam thôi”, ông Chấn nói.
Ông Chấn nhớ như in ngày 7/4/2013, ông được trở về, ngày đó ông Chấn như được sinh ra lần thứ hai. Mỗi năm đến ngày này, gia đình lại làm mâm cơm, quây quần cùng nhau tưởng nhớ lại những tháng ngày “oan trái” mà ông phải trải qua.
Từ ngày ông Chấn được trả tự do, vợ chồng ông cũng đi chơi được 2 chuyến. Một chuyến đi Yên Bái thăm người thân. Một chuyến nữa đi miền Nam. “Bây giờ cũng muốn đi lắm nhưng sức khoẻ của tôi và ông Chấn đều kém lắm rồi. Tháng 8/2017, tôi bị đột quỵ, nằm đứ đừ ở bệnh viện Bạch Mai mấy tháng trời, cả làng đều bảo “cái Chiến chết mất thôi, nằm bất động thế thì có sống cũng chẳng ra hồn người”. Nhưng phúc đức tổ tiên thế nào mà tôi qua khỏi. Chồng tôi giờ cũng tạm quên những ngày tháng khổ ải và tha thứ cho những người đã từng đổ oan cho mình”, bà Chiến kể.
Ông Chấn cũng mong rằng cơ quan pháp luật càng ngày càng tiến bộ, phá thành công nhiều vụ án, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội. Qua đây, người chịu tù oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn cũng nhắn nhủ tới ai đó đang có những nỗi oan khuất hãy có niềm tin vào pháp luật, công lý cuối cùng sẽ được thực thi.
Ông Chấn chia sẻ thêm, sau khi được minh oan và xin lỗi, cả gia đình đã dốc sức trong những cuộc thương lượng bồi thường. Cuối năm 2015, ông nhận 7,2 tỷ đồng. Có tiền, việc đầu tiên vợ chồng ông Chấn thực hiện là "tạ ơn" 1 nhà hảo tâm đã giúp đỡ hơn 100 triệu đồng từ năm trước. Sau đó, vợ chồng ông trả nợ hơn 1 tỷ đồng cho các khoản vay.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng thôn Me cho biết, ông Nguyễn Thanh Chấn hiện tại sức khỏe bình thường, sống chan hòa, vui vẻ với bà con làng xóm; hiện tại, ông đang tham gia câu lạc bộ cây cảnh.
Vụ án mạng chấn động Bắc Giang năm 2003
Một tối tháng 8/2003, người phụ nữ hàng xóm bị giết hại tại nhà riêng, ông Chấn sau đó bị xác định là thủ phạm. Qua 2 cấp xét xử, ông Chấn bị kết án chung thân về tội Giết người. Suốt 10 năm trong tù, ông liên tục kêu oan. Cuối năm 2013, ông Chấn được trả tự do, thủ phạm của vụ án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Năm 2015, cơ quan gây oan sai tổ chức xin lỗi công khai ông Chấn. Hai cán bộ làm oan ông Chấn là nguyên điều tra viên Trần Nhật Luật và nguyên kiểm sát viên Đặng Thế Vinh nhận án 12 năm và 8 tháng tù.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cuoc-song-vui-vay-cua-ong-nguyen-thanh-chan-sau-3699-ngay-ng...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn