Xử phúc thẩm ngày 22-4, TAND TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Phú Nhuận, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu đối với Nguyễn Trần Hoàng Phong (SN 1988, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Trước đó, xử sơ thẩm, TAND quận Phú Nhuận đã tuyên phạt Nguyễn Trần Hoàng Phong 7 năm 6 tháng tù, buộc bồi thường 1,4 tỉ đồng cho nạn nhân là chị Nguyễn Thị Bích Hường và hơn 400 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường (tài xế GrabBike, đã mất).
Cấp phúc thẩm nhận định vụ án còn nhiều vấn đề chưa làm rõ nên tuyên hủy án.
Yêu cầu làm rõ trách nhiệm
Liên quan đến vấn đề này, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã có công văn hỏa tốc gửi TAND TP HCM đề nghị TAND TP HCM xem xét hành vi chuyển nhượng tài sản duy nhất nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường của Nguyễn Trần Hoàng Phong.
Đồng thời yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của bị cáo và kê biên tài sản để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự cho chị Hường nhằm đảm bảo về khả năng kinh tế để thực hiện quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện của cháu bé.
Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đề nghị VKSND TP HCM xem xét trách nhiệm của các cán bộ có liên quan đến hành vi tẩu tán tài sản Nguyễn Trần Hoàng Phong.
Theo Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, "Hành vi vi phạm của bị cáo Phong đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chị Hường và con trai. Tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, cháu bé mới 11 tháng tuổi, chưa cai sữa mẹ. Mặc dù đứa bé được bà ngoại chăm sóc tốt nhưng do chị Hường phải điều trị bằng nhiều loại thuốc kháng sinh và nằm liệt giường nên cháu bé không được đảm bảo về dinh dưỡng bị buộc phải cai sữa và ít khi được gặp mẹ".
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong
Theo Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, chị Hường là mẹ đơn thân, bị đa chấn thương với tỉ lệ thương tật 79% trong đó tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 75% khiến chị không thể tiếp tục thực hiện các công việc lao động bình thường.
Việc phải chờ bồi thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình chị Hường và khả năng kinh tế nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện của con trai chị Hường.
Phải giải tỏa dư luận xấu
Nhìn nhận vụ án này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) khẳng định trong quá trình vụ án đang được điều tra, công chứng viên được quyền vào nhà tạm giữ, trại tạm giam tiếp xúc với bị can để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ lãnh đạo nhà tạm giữ, tạm giam phải tìm hiểu xem bị can có nghĩa vụ liên quan về dân sự hay không, tài sản công chứng sang tên có phải đảm bảo thi hành án dân sự hay không?
Chị Nguyễn Thị Bích Hường tại phiên tòa phúc thẩm
"Trước khi cho công chứng viên làm nhiệm vụ thì lãnh đạo nhà tạm giữ, tạm giam phải tìm hiểu thật kỹ, đọc lại nội dung công chứng thật kỹ. Trong vụ án này một người dân bình thường nhìn vào vụ án cũng cảm nhận là có điều gì đó không rõ ràng, không trong sáng" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
Về việc hủy án, với kinh nghiệm hàng chục năm tham gia xét xử, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng HĐXX tuyên hủy án là rất khéo léo, rất chừng mực để các bên liên quan có thời gian làm rõ sai phạm (nếu có), để gia đình khắc phục hậu quả cho các nạn nhân.
Bà Thủy chia sẻ: "Bị cáo phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả do mình gây ra khi bản án tuyên về dân sự. Có như vậy sau khi mãn hạn tù mới được xóa án tích làm lại cuộc đời. Về mặt đạo lý, gây tai nạn chết người là gây ra nỗi đau không thể bù đắp, không thể nào cân đo đong đếm bằng tiền nhưng khắc phục hậu quả là thể hiện một phần trách nhiệm của bản thân. Cứ nghĩ mình là bị hại trong vụ án, gia đình mình có người bị tông chết mà người ta không thăm hỏi, không bồi thường thì mình cảm thấy thế nào?"
Bà Thủy cho rằng vụ án này cần làm rõ sai phạm (nếu có) của các bên liên quan là điều cần làm, nên làm để giải tỏa dư luận không tốt cũng như tránh tạo tiền lệ cho những sự việc trong tương lai.
Bản án sơ thẩm thể hiện: Rạng sáng 30-1-2020, Nguyễn Trần Hoàng Phong lái xe Mercedes đi từ tầng hầm tòa nhà số 108 Hồng Hà (quận Tân Bình) về ngã tư Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận).
Khi đến số 123 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận, do không làm chủ được tốc độ, Phong lao xe sang trái làn đường ngược chiều, tông trực diện vào xe máy do ông Lê Mạnh Thường (tài xế Grabbike) điều khiển chở chị Hường đang lưu thông theo chiều ngược lại.
Cú tông với tốc độ cao khiến ông Thường tử vong tại bệnh viện, còn chị Hường bị đa chấn thương với tỉ lệ thương tật 79%.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Phong bỏ trốn rồi đến công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.
Phong khai 2 ngày trước khi xảy ra tai nạn có đi quán bar ở tỉnh Bình Thuận. Kết quả kiểm tra sau tai nạn cho thấy Phong dương tính với chất ma tuý.
Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Trần Hoàng Phong không có giấy phép lái xe, chạy xe 84 km/giờ (vượt quá tốc độ cho phép 50km/giờ) gây ra vụ tai nạn. Hiện Nguyễn Trần Hoàng Phong chưa bồi thường thiệt hại cho chị Hường và gia đình ông Thường.
Sau khi xảy ra tai nạn, do đi lại khó khăn với thương tật lớn, chị Hường không thể trở lại với công việc tiếp viên hàng không và cuộc sống bị xáo trộn. Hiện chị đang ở nhà bán hàng kiếm sống
Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/ai-da-tiep-tay-tau-tan-tai-san-trong-vu-tai-xe-mercedes-to...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn